ClockChủ Nhật, 28/08/2016 15:00

Singapore tìm cách nuôi dưỡng quán hè phố

Nghề bán quán hè phố ở Singapore đang lo “mất chỗ đứng” bởi thế hệ trẻ hoặc không mặn mà, hoặc không đủ tay nghề để kế thừa.
Singapore tìm cách nuôi dưỡng quán hè phố
Một chủ quán mì đã cao tuổi ở Singapore - Ảnh: REUTERS

Hawker là hình thức buôn bán hàng ăn đường phố nổi tiếng ở Singapore, với các quầy bán thức ăn đường phố tập trung ở một khu vực nhất định như chợ, trung tâm ăn uống...

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long từng khoe món hủ tiếu xào Char Kway Teow ở khu Zion Road là một trong những món hawker mà ông thích nhất.

“Chính phủ đang xây dựng nhiều khu hawker mới trong vài năm tới. Tôi hi vọng người dân Singapore sẽ cố gắng giữ nét độc đáo trong đời sống này trường tồn” - Thủ tướng họ Lý từng phát biểu vào năm 2013.

Tre già, măng không chịu mọc

Hiện ngành kinh doanh ăn uống này đang chưa biết tương lai ra sao vì thiếu lực lượng kế thừa. Theo thống kê của Hãng tin Reuters, có khoảng 100 trung tâm ăn uống kiểu "hawker center" với 6.000 quầy hàng ở Singapore chuyên bán các loại thức ăn với mức giá trung bình khoảng 2 USD (44.000 VND). Hầu hết những người đứng bếp ở đây đều đã cao tuổi.

Trong khi đó, những người trẻ lại không quá mặn mà với hình thức kinh doanh này bởi phải làm việc trong các quầy hàng nhỏ, nhà bếp đơn sơ mà lợi nhuận lại thấp. Họ chuộng làm việc tại các nhà hàng lớn với trang thiết bị hiện đại và doanh thu cao hơn.

Cách đây ba năm, nhật báo The Straits Times từng đề cập vấn đề này. Trong một cuộc họp năm 2013, Bộ trưởng Môi trường và tài nguyên nước Vivian Balakrishnan báo động rằng di sản hawker của Singapore đang có nguy cơ biến mất, trừ khi thế hệ mới 
chịu tiếp nhận.

Như trường hợp ông Ho Kian Tat, chủ quán Số 18 Fried Kway Teow tại điểm ăn uống Riverside Food Centre, cho biết cả ba người con đều không hứng thú gì việc thừa kế quán của cha.

“Hồi trẻ, tôi chẳng học hành gì nhiều và công việc đầu tiên là phụ việc tại một quán cà phê” - ông Ho Kian Tat kể lại. Sau 10 năm làm nhiều việc khác nhau, ông quyết định mở quán. “Có lẽ đám nhỏ nhà tôi thấy được công việc vất vả thế nào nên không muốn kế tục” - ông tâm sự. Công việc nấu nướng buộc ông phải đứng hàng giờ từ lúc mở cửa đến lúc dọn quán, kết quả là ông bị đau chân và gối.

Chưa kể một vài người có 
kinh nghiệm trong ngành tin rằng thế hệ trẻ không đủ tố chất để thành công trong lĩnh vực kinh doanh này.

Ông Alex See, 66 tuổi, chủ quán mì xào ở khu East Coast, thừa nhận: “Nhiều người trẻ cứ đến rồi đi, họ chẳng nghiêm túc trong việc học nghề”. Ông đang chỉ dẫn cho con gái mình nối nghiệp dù không biết có thành công không. “Năm 16 tuổi, tôi phụ việc cho cha mình và ngày nào cũng hỏi ông rất nhiều câu hỏi để học, mong một ngày nào đó tôi có thể giỏi hơn ông” - chủ quán nhớ lại.

Nỗ lực bảo tồn

Cũng có một số hawker trẻ đang cố gắng giữ truyền thống gia đình.

Stan Lim, 43 tuổi, là chủ quán Hoover Rojak ở khu Balestier. Lim từ bỏ công việc bán hàng để tiếp nhận quán của cha mình và cố hết sức để lặp lại các phương pháp đã học.

"Nhiều hawker ở đây bảo tôi nên tìm việc gì đó tốt hơn để làm vì công việc này rất vất vả và không có thời gian nghỉ ngơi - Lim tâm sự - Nhưng tôi đã tiếp nhận quán này từ ba năm trước vì cha tôi đã già. Tôi làm tất cả mọi thứ chính xác như ông dạy, thậm chí cả cách sắp xếp đồ dùng trong quán".

Bên cạnh đó, những nỗ lực từ phía chính quyền cũng góp phần cải thiện tình trạng mai một truyền thống hawker. Khu ăn uống Ci Yuan ở Hougang là một ví dụ.

Hiện nay, 14 trong số 40 quầy hàng ở đây đều có chủ trẻ măng. Họ là những người tốt nghiệp chương trình khởi nghiệp do Fei Siong Food Management, cơ quan quản lý khu ăn uống này, tổ chức hồi năm ngoái.

Theo báo The Straits Times, chương trình này kéo dài hai tháng, bắt cặp các hawker trẻ và những người kỳ cựu. Những bậc lão luyện sẽ dạy công thức nấu ăn, kiểm tra về chất lượng thức ăn và làm cố vấn cho người trẻ trong việc quản lý cửa hàng của mình.

Giám đốc điều hành Fei Siong Tan Kim Siong hi vọng rằng chương trình sẽ giúp các hawker trẻ có đam mê một khởi đầu tốt.

Hồi tháng 7, hai quán ăn đường phố Singapore, gồm Hill Street Tai Hwa Pork Noodle và Hong Kong Soya Sauce Chicken Rice & Noodle, trở thành những quầy hawker đầu tiên trên thế giới nhận được chứng nhận chất lượng Michelin danh giá, bên cạnh các nhà hàng cao cấp trên thế giới.

“Chúng tôi muốn 
nuôi dưỡng một thế hệ hawker mới để bảo tồn các món ăn và truyền thống hawker của Singapore".

Bà Janice Foo 
(giám đốc phòng du lịch thuộc Cơ quan Phát triển nguồn nhân lực Singapore)


Theo Tuổi trẻ

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Singapore tiếp tục là thành phố thông minh nhất châu Á năm 2024

Theo Chỉ số Thành phố Thông minh 2024 vừa được Viện Quản lý phát triển quốc tế (IMD) có trụ sở tại Thụy Sĩ công bố, Singapore là thành phố thông minh thứ 5 trên thế giới, tăng 2 bậc so với bảng xếp hạng năm 2023. Đồng thời, đây cũng tiếp tục là thành phố thông minh nhất châu Á và là thành phố châu Á duy nhất lọt vào top 10, đánh bại các thành phố như Bắc Kinh, Đài Bắc và Seoul.

Singapore tiếp tục là thành phố thông minh nhất châu Á năm 2024
Return to top