ClockThứ Bảy, 26/09/2015 15:50

Sinh con “liên tù tì” để trốn tránh thi hành án?

TTH - TAND TP Huế vừa đưa vụ án “trộm cắp tài sản” ra xét xử. Điều “đặc biệt”, bị cáo là một phụ nữ 33 tuổi, có 5 đứa con và từ năm 2012 đến nay đã... 6 lần đứng trước vành móng ngựa.

Phòng xét xử vắng tênh. Bị hại có đơn xin vắng mặt. Không một người thân, chỉ mình bị cáo bị dẫn giải từ “xe tù” vào. Ánh mắt đang mong ngóng vụt buồn xo. Những bước chân đến trước vành móng ngựa nặng nề hơn. Theo cáo trạng, những tài liệu trong hồ sơ được công bố và lời khai của bị cáo tại phiên tòa: Khoảng 7 giờ ngày 31/5/2015, Lê Thị Phàn (33 tuổi, trú tại phường Phú Hiệp, TP Huế) đến chợ đầu mối mua hoa quả. “Tia” thấy chiếc ví có vẻ khá căng trong túi xách của một phụ nữ nên Phàn liền lén “ra tay” rồi nhanh chóng tẩu thoát. Ra khỏi chợ, Phàn thuê xe ôm đến nhà thờ Phú Hậu. Trên đường đi, Phàn lục ví lấy 5 triệu đồng và 102 USD cất vào người, ném chiếc ví vào bụi tre ven đường. Người xe ôm sau khi trả khách, trên đường quay lại chợ đến bụi cây lượm chiếc ví mà Phàn vứt bỏ. Người dân nhìn thấy, nghi ngờ ông này là kẻ cắp vừa thực hiện vụ trộm lúc nãy ở chợ, bèn trình báo cơ quan chức năng. Quá trình điều tra, Phàn bị bắt. Tổng giá trị tài sản mà Phàn đã chiếm đoạt là 7,3 triệu đồng. Trước đó, bị cáo từng 5 lần bị xét xử đều về tội “trộm cắp tài sản” và đã “mang” 5 bản án. 5 đứa con, đứa đầu mới 14 tuổi nhưng đã phải bỏ học từ sớm, vào Nam làm thuê làm mướn.

Bị cáo khai nhận hành vi phạm tội. Lời khai nhận của bị cáo phù hợp với lời khai của bị hại và những tài liệu có trong hồ sơ vụ án. Lúc trình bày trước tòa, bị cáo vừa khóc vừa biện bạch cha mẹ già yếu, chồng đi phụ hồ nặng nhọc nhưng công việc và thu nhập bấp bênh, con lại quá đông, nghèo khổ không còn cách nào khác nên mới phạm tội. Có lẽ phát bực trước “bề dày thành tích” trộm cắp của bị cáo nên thẩm phán nhắc nhở, giọng nghiêm khắc: “Bị cáo không được khóc. Lúc trộm tài sản của người khác bị cáo gan thế, sao ra đứng đây lại khóc?” Tòa phân tích: Bị cáo nói như vậy là hoàn toàn không đúng. Trong xã hội có rất nhiều người nghèo khổ, nhưng họ không (và không thể) lấy điều đó làm lý do để phạm tội vì như thế là vi phạm đạo đức xã hội, vi phạm pháp luật.
Một vị hội thẩm thành viên hội đồng xét xử tiếp lời: “Là mẹ của 5 đứa con mà suốt ngày lại đi trộm cắp thì bị cáo làm sao giáo dục con mình? Con gái bị cáo mới 14 tuổi, đã phải vào Nam làm thuê mưu sinh. Làm mẹ lại không lo tu tỉnh làm ăn, bị cáo không thấy xấu hổ với con mình à? Liên tục đi ăn trộm, bị cáo không sợ sẽ là tấm gương xấu, không sợ các con theo vết xe đổ của mẹ hay sao?”. Bị cáo cúi gằm mặt.
Trả lời câu hỏi đã đi thi hành án ngày nào chưa (đối với 5 bản án trước), bị cáo khai ngoài thời gian bị bắt tạm giam lần này, trước đó do đang trong thời gian mang thai rồi nuôi con nhỏ liên tục nên được hoãn thi hành án, chưa chấp hành hành hình phạt tù ngày nào. Tòa đặt câu hỏi: “Bị cáo mang 5 bản án, mới 33 tuổi mà đã sinh 5 đứa con, phải chăng bị cáo “lách luật”, cố tình sinh con để hoãn thi hành án?”. Tòa tiếp tục phân tích, dù bị cáo có trốn tránh cách nào thì cũng không thoát khỏi chấp hành hình phạt đối với hành vi phạm tội mình đã gây ra. Thẩm phán giải thích, việc quy định tạm hoãn chấp hành hình phạt tù là chính sách nhân đạo của Nhà nước. Tuy nhiên, một số trường hợp cá biệt, người bị kết án đã lợi dụng chính sách này để kéo dài thời gian thi hành án, tiếp tục phạm tội, gây nguy hiểm cho xã hội. Do trong thời gian đang được hoãn thi hành vì phải nuôi con dưới 36 tháng tuổi, bị cáo liên tục gây án nên phạm vào trường hợp tái phạm nguy hiểm và có tính chất chuyên nghiệp, nên buộc cơ quan chức năng phải ra quyết định tạm giam đối với bị cáo (lúc Phàn bị bắt tạm giam, đứa con út chỉ mới 8 tháng tuổi). Tòa tuyên án, phạt bị cáo 2 năm 6 tháng tù. Tổng hợp hình phạt các bản án trước, bị cáo phải chấp hành 7 năm tù. Bị cáo bật khóc.
Có lẽ bây giờ người phụ nữ lầm lỗi này mới thấm thía chẳng thể nào trốn tránh hình phạt, mới “sợ” thời gian ngồi tù đằng đẵng. Trong lúc “ở ngoài” cha mẹ già yếu, chồng một nách mấy đứa con thơ dại.
Quỳnh Anh
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Gần 1.000 sinh viên Trường đại học Luật tham dự phiên tòa xét xử lưu động

Ngày 28/3, tại hội trường của Trường đại học Luật, Đại học Huế, Tòa án Nhân dân (TAND) tỉnh tổ chức phiên tòa lưu động xét xử phúc thẩm hai vụ án hình sự về tội danh “Trộm cắp tài sản” và “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” dưới sự tham dự của gần 1.000 sinh viên của trường.

Gần 1 000 sinh viên Trường đại học Luật tham dự phiên tòa xét xử lưu động
Return to top