ClockThứ Sáu, 29/10/2010 14:24

Sinh viên “ngụp” trong cơn bão bán hàng đa cấp

TTH - Mới chỉ tấn công mạnh thị trường Huế khoảng hơn 3 tháng nay nhưng đã có rất nhiều sinh viên (SV) bị “ngụp” trong cơn bão bán hàng đa cấp này. Đặc biệt trong bối cảnh đầu năm học mới, nhiều SV nhập học, trong đó SV năm nhất có nguy cơ trở thành “con mồi” béo bở của loại hình kinh doanh này.

Giấc mơ “trứng vàng" 

Kinh doanh đa cấp (Multi-level Marketing) (KDĐC) hoặc kinh doanh theo mạng (Network Marketing) (KDTM) hay Bán hàng đa cấp (BHĐC) là thuật ngữ chung dùng để chỉ một phương thức tiếp thị sản phẩm. Đây là hoạt động kinh doanh bán hàng trực tiếp đến tay người tiêu dùng, người tiêu dùng có thể trực tiếp đến mua hàng tại công ty mà không phải qua các đại lý hay cửa hàng bán lẻ. Loại hình kinh doanh phân phối hàng hóa thương mại đặc thù này đã xuất hiện ở nước ngoài rồi du nhập vào nước ta cách đây không lâu và được hợp pháp hóa. Trên thực tế có những công ty KDĐC chân chính, song cũng tồn tại không ít công ty KDĐC bất chính hoặc lợi dụng danh tiếng của công ty chân chính để lừa đảo. Nguyên tắc bất di bất dịch đối với bất kỳ mạng KDĐC nào muốn tham gia kinh doanh mạng là bất đắc dĩ phải mua sản phẩm và tiền đặt cọc là thủ tục đầu tiên được đưa ra, với mỗi sản phẩm có giá hàng triệu đồng mà cả người mua và người bán “tự thỏa thuận ngầm” là chất lượng sản phẩm là một phần và tiền chi hoa hồng tạo nên giá thành sản phẩm đó. Như vây, vô hình chung, người mua sản phẩm đã trả một khoản tiền để mua chỗ làm việc?
 
Với chiêu thức lợi dụng mối quan hệ đáng tin cậy là người thân trong gia đình, bạn bè và lời dụ dỗ ngon ngọt “muốn chia sẻ cơ hội làm giàu và khẳng định mình”, KDTM dễ dàng len lỏi vào từng ngõ ngách và từng người trong cộng đồng xã hội. Những nạn nhân dây chuyền thường không mấy đề phòng chính người thân, bè bạn mình. Hơn nữa, lợi nhuận từ việc KDTM cũng làm “mờ mắt” họ. Lương của người KDTM được tính theo quy tắc cộng dồn từ tỷ lệ phần trăm như sau: ví dụ, khi tham gia vào mạng lưới BHĐC, gọi là F1 thì F1 sẽ có mã số của riêng mình. Mã số này đã kết nối với người giới thiệu mình là người bảo trợ F. Nếu F1 giới thiệu được F2, F3, F4 thì lương của F1 là 20% tiền bán sản phẩm của F2 và 5% tiền bán sản phẩm của F3, 2% tiền bán được sản phẩm từ F4…, với mỗi sản phẩm lên tới con số tiền triệu.
 
Dù đã được Đoàn ĐH Huế gửi công văn cảnh báo, nhắc nhở đến từng trường thành viên, cũng như các phương tiện truyền thông khác đưa tin, song vẫn có không ít SV tại Huế là nạn nhân của một số công ty KDĐC lừa đảo.
 
Hiện thực quay cuồng
 
Loại hình KDTM này chủ yếu hướng đến đối tượng là những người năng động (có mối quan hệ xã hội, khả năng tạo mạng lưới rộng) và nhút nhát (muốn khẳng định mình), nắm bắt được những “tâm tư, nguyện vọng” của người hiện đại: muốn có nhiều tiền, muốn thành công thì trước tiên phải có những kỹ năng như kỹ năng cứng và kỹ năng mềm. Trong khi đó, hầu như chỉ có một số ít người tự trang bị cho mình những kỹ năng mềm thiết yếu trong cuộc sống cũng như trong giao tiếp công việc. Khi tham gia vào các công ty BHĐC này, người tham gia được tập huấn các kỹ năng mềm như: học cách phát huy được tối đa khả năng ăn nói của mình, khả năng thuyết phục, cách thức tiếp cận hay chăm sóc khách hàng, khả năng thuyết trình, phát biểu trước đám đông... “Mình có thấy sự thay đổi tiến bộ trong giao tiếp của một người bạn mình khi tham gia vào một công ty BHĐC nọ, nhưng có vẻ gượng gạo lắm” - chị Hoàng Thị Huế, SV năm 4 khoa Tiếng Pháp, ĐH Ngoại ngữ Huế nhận xét.
 
Có một điều dễ dàng nhận thấy là môi trường Huế trầm. Huế trầm trong cách sống của con người nơi đây về phong thái, tính cách và cả thái độ trước những đổi thay của thời thế. Được (hay bị) đánh giá là thị trường “bảo thủ” nhưng có tiềm năng, Huế đã và đang là thị trường mà nhiều công ty BHĐC nhòm ngó tới sau khi đã “no xôi, chán chè” ở các tỉnh thành khác trong nước. Nếu như những thị trường năng động như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng thị trường BHĐC phần lớn đã “bão hòa” đối với những con người sống theo phong cách “mở” thì những con người sống cả “mở” cả “khép” ở Huế đã và đang dần biết đến nó – cơn bão KDĐC. Một mặt khác, nếu như phần đông SV vật vã với công việc làm thêm ở Huế với mức lương “quá thấp” như đi gia sư, làm nhân viên quán café,… thì lương được hưởng hoa hồng từ BHTM quả thực mang một sức hấp dẫn kinh hồn. Tuy vậy, ít ai hiểu được rằng, thành công và có mức lương cao lên tới vài chục hay vài trăm triệu một tháng là có thật nhưng nó chỉ có ở một số người đứng đầu một mạng lưới lớn. Và một khi thị trường bão hòa (tức là mọi người đều biết về loại hình kinh doanh này, biết mình là cấp dưới, được hưởng hoa hồng ít) thì tiền lương cao là điều trong mơ chứ chưa nói đến việc lấy lại được số tiền đầu tư ban đầu. Tham gia ngay từ những ngày đầu tiên nhưng SV Lưu Thị Hậu, khoa Tiếng Anh - Trường ĐH Ngoại ngữ đến nay là một nhân viên thuộc hạng 2* tại thị trường Huế. Là một người năng động, có mối quan hệ rộng nhưng đến nay vẫn chưa gom nổi số tiền 400 ngàn vay bạn mua sản phẩm để được trở thành nhân viên bán hàng của Công ty TNHH Sản xuất thương mại. (?)
 
Chị Nguyễn Thị Huế, SV năm 4 khoa Tiếng Nhật, ĐH Ngoại ngữ tâm sự “Để chứng tỏ mình là người thành công và thuyết phục người khác tham gia cùng, mình đã nói dối là kiếm được lương cao từ việc bán hàng. Sau một thời gian thì bỏ vì nhận ra rằng, mình như bị bóc lột sức lao động, làm cho những người cấp trên hưởng hoa hồng mà thôi. Điều quan trọng nhất đối với mình là mình nhận ra rằng, có rất nhiều bạn bè, người thân mất niềm tin ở mình, họ nhìn mình với con mắt đề phòng”. Và lựa chọn dừng để lấy lại những gì đã mất là cả một nỗ lực đầy nước mắt của cô.
 
Còn Nguyễn Thị Túy Vân, SV năm 3 Trường CĐ Nghề Du lịch Huế lại chia sẻ “Mình mất quá nhiều công sức đầu tư cho việc BHĐC. Nó ảnh hưởng ghê gớm đến việc học tập của mình”.
 
Là một SV giỏi và đã được kết nạp Đảng tại trường, chị Nguyễn Thị Loan, SV năm 4 – ĐH Kinh tế Huế nói “Mình không tin vào loại hình kinh doanh này. Vấn đề là mỗi người có nguyên tắc sống riêng trước khi nói đến đạo đức nghề nghiệp”.
 
 
Kinh doanh đa cấp được luật pháp nhiều nước công nhận và đã ban hành luật để quản lý. Ở Việt Nam, điều 48 Luật Cạnh tranh, bán hàng đa cấp bất chính được quy định như sau: Cấm doanh nghiệp thực hiện các hành vi sau đây nhằm thu lợi bất chính từ việc tuyển dụng người tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp:
 
*Yêu cầu người muốn tham gia phải đặt cọc, phải mua một số lượng hàng hoá ban đầu hoặc phải trả một khoản tiền để được quyền tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp.
 
*Không cam kết mua lại với mức giá ít nhất là 90% giá hàng hóa đã bán cho người tham gia để bán lại.
 
*Cho người tham gia nhận tiền hoa hồng, tiền thưởng, lợi ích kinh tế khác chủ yếu từ việc dụ dỗ người khác tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp.
 
*Cung cấp thông tin gian dối về lợi ích của việc tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp, thông tin sai lệch về tính chất, công dụng của hàng hóa để dụ dỗ người khác tham gia.
 
 
 
Nhật Minh
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hương Thủy: Thêm môi trường trải nghiệm cho học sinh tiểu học

Sáng 13/4, Phòng Giáo dục & Đào tạo TX. Hương Thủy tổ chức giao lưu Olympic các môn học và “Rung chuông vàng” cấp tiểu học năm học 2023-2024, thu hút 231 học sinh xuất sắc đại diện cho học sinh 16 trường TH, TH&THCS trên địa bàn thị xã tham dự.

Hương Thủy Thêm môi trường trải nghiệm cho học sinh tiểu học

TIN MỚI

Return to top