ClockThứ Sáu, 03/05/2013 05:36

Sinh viên sáng chế ô tô

TTH - Với 15 triệu đồng kiếm được từ công việc làm thêm, cộng với sự hỗ trợ từ phía gia đình, Nguyễn Thanh Việt, chàng sinh viên năm 4 Khoa Vật lý - Trường Đại học Khoa học Huế (ĐHKH) đã sáng chế thành công một chiếc ô tô điện.

Sinh ra và lớn lên ở vùng quê nghèo xã Lộc An (huyện Phú Lộc), ngay từ những năm học phổ thông, Việt đã có những ý tưởng sáng chế mới lạ. “Năm học lớp 10, em đã đưa một chiếc xe đạp cũ đến tiệm thợ rèn để cắt xẻ và nghiên cứu tìm cách sáng chế chiếc xe đạp điện nhưng không thành công. Ban đầu, em rất thất vọng và lúc đó hoàn cảnh và điều kiện kinh tế còn khó khăn nên em tạm gác lại”-Việt chia sẻ.

 

Nguyễn Thanh Việt và chiếc xe ô tô điện tự chế

 

 

Năm tháng trôi qua, ước mơ sáng chế của Nguyễn Thanh Việt vẫn không hề nguội lạnh. Lúc Việt đỗ vào ngành Vật lý của Trường ĐHKH cũng là lúc Việt có cơ hội để tiếp tục theo đuổi ước mơ còn dang dở. Nhưng lần này là ý tưởng sáng chế ô tô điện để phục vụ cho việc đi lại của bản thân, từ nhà trọ đến trường và sau đó là mong muốn giúp ích được cho nhiều địa điểm công cộng. Khi ý tưởng sáng chế ô tô điện của Nguyễn Thanh Việt được khởi xướng, nhiều người nghi ngờ về độ khả thi, nhưng vẫn nhận được sự ủng hộ từ  phía thầy cô và gia đình, đặc biệt là bố mẹ Việt.

 

Bằng những kiến thức được học từ giảng đường cộng với sự tìm tòi từ sách báo và các diễn đàn khoa học trên internet, sau bảy tháng, Việt đã sáng tạo ra 1 chiếc ô tô điện nhỏ gọn với 2 ghế ngồi. Với thời gian mày mò lắp ráp ô tô điện như thế là quá ngắn, nhưng em đã cố gắng làm được và cơ bản thành công.

 

Ô tô điện do Việt thiết kế nhỏ, gọn với hai ghế ngồi, bốn bánh có trọng lượng 400 kg, chạy bằng sáu bình điện (một bình 12V) với tốc độ tối đa 55km/giờ. Toàn bộ phụ tùng, linh kiện để lắp ráp xe ô tô điện như bánh xe, bình điện, nhông xích, bi, sắt thép, nhựa, gương, đèn, vô lăng… đều được Việt tìm mua ở các quầy phế liệu, thay vì mua mới.
Ngày chạy thử, Việt quyết định chạy từ phòng trọ về nhà, làm nhiều người trong gia đình bỡ ngỡ. “Trong quá trình di chuyển, ô tô điện của mình rất được người đi đường chú ý, đặc biệt khi gặp cảnh sát giao thông thổi lại mình lo ngại bị phạt, nào ngờ các anh xin chạy thử và đánh giá cao về sáng chế của mình”, Việt cho biết. Khi được hỏi về ứng dụng của chiếc ô tô điện, Việt cho biết, đây là phương tiện có tính ứng dụng cao trong việc di chuyển ở các sân gôn, khách sạn lớn, bệnh viện, các địa điểm tham quan… Sắp tới, Việt sẽ thiết kế và tân trang thêm về mẫu mã của chiếc xe sao cho gọn hơn, lắp thêm hai ghế ngồi ở phía sau và nghiên cứu thêm để thay vỏ xe; chế tạo những tấm pin năng lượng mặt trời, vừa tiết kiệm điện lại không gây ảnh hưởng đến môi trường.

 

Nói về ý tưởng của Nguyễn Thanh Việt, thầy Phạm Vinh (nguyên giảng viên bộ môn Quang – Phổ, Khoa Vật lý, Trường ĐHKH Huế, cho biết: “Ý tưởng sáng chế ô tô điện của em Việt là một ý tưởng không phải mới, nhưng với một sinh viên dám nghĩ, dám làm như thế là điều đáng ghi nhận. Về mặt kỹ thuật, cơ bản là an toàn và chạy tốt, khả năng ứng dụng vào đời sống thực tiễn rất cao. Đa số phụ tùng được lắp ráp là đồ phế liệu. Xe chạy bằng bình điện nên không ảnh hưởng môi trường.

 

Được biết, giá một ô tô điện trên thế giới nhập về thị trường Việt Nam rất cao, nên sáng chế này là một giải pháp mở ra trong quá trình nghiên cứu, sáng chế ô tô điện ở Việt Nam. Nếu có một cơ quan quan tâm đầu tư, hoặc sự giúp đỡ của Sở Khoa học – Công nghệ cho ý tưởng sáng tạo ô tô điện này thì tin chắc ý tưởng của Việt sẽ còn đi xa hơn.

Lê Thọ
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hương Thủy: Thêm môi trường trải nghiệm cho học sinh tiểu học

Sáng 13/4, Phòng Giáo dục & Đào tạo TX. Hương Thủy tổ chức giao lưu Olympic các môn học và “Rung chuông vàng” cấp tiểu học năm học 2023-2024, thu hút 231 học sinh xuất sắc đại diện cho học sinh 16 trường TH, TH&THCS trên địa bàn thị xã tham dự.

Hương Thủy Thêm môi trường trải nghiệm cho học sinh tiểu học

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top