ClockChủ Nhật, 29/10/2017 09:40

Sốc & thích

TTH - Hai tuần người ta mới đến lấy rác một lần. Điều đó làm bạn sốc thật sự khi sang Canada thăm chồng con. Nghĩa là phải sống chung với rác sao? Câu hỏi ấy vẫn lẩn quẩn hoài ngay cả khi được trấn an, rằng lâu nay người ta vẫn sống như vậy, môi trường vẫn sạch sẽ, chắc chắn là phải có giải pháp rồi…

Phải thích nghi, không thể gì khác hơn, nhất là khi việc xử lý rác không có phương pháp sẽ ảnh hưởng ngay đến gia đình với những biện pháp chế tài cụ thể là điều được bạn nhận thức ngay từ ngày đầu tiên. Rác phải được phân loại là đương nhiên rồi, nhưng chuyện các loại rác không thể sử dụng lại hay tái chế được nữa cũng phải được để ráo, sau đó dùng giấy báo quảng cáo (mà bạn tận dụng được) gói lại, cho vào các loại túi tự phân hủy và túi này cũng được mua theo quy định mới được bỏ vào thùng rác. Túi ni lông thì siêu thị không cho không mà phải mua. Những điều đó phải thuộc vì nếu rác không tự phân hủy được cũng phải được “sơ chế” sạch, và người ta cũng sẽ từ chối thu gom nếu lượng nhiều. Thế nên hộp sữa, bình nước trái cây, hộp đựng thực phẩm... đều phải rửa sạch như rửa chén bát, phơi khô và xếp gọn vào thùng rác tái chế chờ đến ngày thu gom.

Nhưng giải pháp căn cơ nhất mà gia đình bạn – cũng như hầu hết các gia đình khác – lựa chọn khi sống ở xứ người là làm thế nào để giảm thải rác ở mức tối đa nhất. Bạn kể, đi siêu thị chỉ chọn các thực phẩm nào ít xả rác nhất. Rau thì chọn loại đã được làm sạch, thịt cá chọn mua loại đã được lọc sẵn. Tôm tươi chỉ chọn ăn vào ngày có lịch đổ rác để không hôi và mua loại không đầu, vỏ mềm có thể ăn luôn vỏ . Thức ăn nấu vừa đủ để không bỏ thừa, túi ni lông thì dùng loại có thể giặt được để sử dụng tiếp… Thực hiện các biện pháp này vừa giảm được tối đa lượng rác, vừa tiết kiệm được chi phí, đấy là chưa kể nhà ai có vườn còn có thể chôn rác hữu cơ xuống gốc cây làm phân bón nữa. Và tự mình, bạn nhận ra rằng, chẳng có gì là khó trong việc ứng xử có trách nhiệm với môi trường.

Vô tư xả rác khi ở nhà, về khoản tiền vệ sinh hàng tháng quá rẻ, không quan tâm đến việc có góp phần xả rác ra môi trường hay không khi đi mua sắm, nhân viên của công ty vệ sinh môi trường đô thị đến chậm hoặc không đến một ngày là ai cũng la lối, là việc ngán ngẩm khi thấy rác thải có mặt ở khắp mọi nơi, từ nông thôn đến thành thị; rồi những khu vui chơi dịp lễ lạt trở thành những bãi rác ngập ngụa... là những điều tự vấn của bạn khi nhìn xứ người ta, rồi nhìn lại cách mà mình đang ứng xử ở môi trường mới. Từ câu chuyện của bạn, tôi nhận ra bạn đã chuyển đổi trạng thái một cách tích cực từ sốc đến thích. Mà điều đó, chắc chắn là phải đến từ hành động thật, cơ chế thật và rồi nó sẽ đi vào thói quen, nếp nghĩ...

Dẫu sao thì, điều này cũng mới chỉ là sự thay đổi ở số ít. Số đông vẫn là nếp cũ, cách nghĩ cũ, thói quen cũ và điều đó đang làm đô thị xấu đi, môi trường sống và cả môi trường văn hóa nữa bị tổn hại nghiêm trọng. Nguồn tin từ Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường cho hay, từ năm 2015, mỗi ngày cả nước ta phát sinh 12 triệu tấn rác thải sinh hoạt và dự ước con số này đến 2020 sẽ là 20 triệu tấn/ngày. Ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, con số này là 5.000 tấn và 7.000 tấn mỗi ngày. Tại Thừa Thiên Huế, theo Công ty cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Huế thì tổng khối lượng rác thải do đơn vị xử lý đạt 275 tấn/ngày. Tỷ lệ thu gom đối với TP. Huế đạt 95%, Hương Thủy đạt 45%, Hương Trà 45%, Phú Lộc 40%, Phú Vang 35%. Điều ấy cũng có nghĩa, vẫn còn nhiều chuyện phải làm để có cách ứng xử tốt hơn trong khi người dân cần phải thay đổi nhận thức, đến hành vi và thói quen. Có lẽ, cũng cần đến những mức chế tài đủ để người dân phải nghĩ lại trước mỗi hành động, ứng xử với rác, cho dù ban đầu có thể là hơi sốc?

NGUYỄN AN LÊ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Xây dựng môi trường lao động an toàn

Đảm bảo an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) trong lao động, sản xuất được doanh nghiệp (DN), các cấp công đoàn chủ động thực hiện nhằm hạn chế tối đa mọi rủi ro gây ra.

Xây dựng môi trường lao động an toàn
Khánh thành Nhà máy Điện rác Phú Sơn

Chiều 6/4, Nhà máy Điện rác Phú Sơn tổ chức lễ khánh thành đi vào hoạt động. Tham dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung; cùng đại diện các bộ, ban ngành Trung ương. Về phía tỉnh có ông Lê Trường Lưu, UV Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND, Trường đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; ông Nguyễn Văn Phương, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh và các huyện, thị xã..

Khánh thành Nhà máy Điện rác Phú Sơn
Phú Vang đồng loạt ra quân xử lý rác thải

Ngày 6/4, trên các trục đường giao thông của các xã, thị trấn, trên các bãi biển...ở Phú Vang, hàng trăm cán bộ, đoàn viên, hội viên và Nhân dân đồng loạt ra quân tổng vệ sinh môi trường, tiến hành phát quang bụi rậm, thu gom rác thải, cắt tỉa cây xanh che khuất tầm nhìn, góp phần làm cho môi trường ngày càng xanh – sạch - sáng.

Phú Vang đồng loạt ra quân xử lý rác thải
Tập huấn tái chế rác thải nhựa

Hoạt động trên được Hội LHPN TP. Huế phối hợp với Hội LHPN tỉnh tổ chức ngày 27/3 nhằm phát huy vai trò của phụ nữ trong việc chung tay bảo vệ môi trường, giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa.

Tập huấn tái chế rác thải nhựa
Return to top