ClockChủ Nhật, 20/06/2010 07:53

Soi chung giếng làng

TTH -  Cũng không nhiều những lần buông xả mọi lo toan cuộc sống để dọn sạch một khoảng trong tâm hồn tôi kỳ khô cạn, chợt nhiên hiện về khung cảnh làng quê yên ả ngỡ sắp là một vệt nhớ mong manh.  

Biết bao giếng làng tròn vạnh, nước trong như mắt thiếu nữ rồi một ngày không xa nữa sẽ bị xoá sạch. Không còn tiếng gàu khua những lần cha mẹ làm đồng về tầm đứng bóng. Cũng sẽ không còn tiếng chú ếch nghịch ngợm sa chân đánh tỏm xuống mặt giếng để rồi kiêu hãnh nhìn lên vòng trời ngắm vầng trăng u huyền trôi qua trong quạnh vắng mỗi khuya...

Tôi vẫn nhớ về làng quê như một bức tranh cổ bằng sơn mài, qua thời gian nó đang dần cô lại, vỡ ra từng mảng dẫu còn sắc nét gam màu cuộc sống. Cái giếng nhà tôi hiện hữu trước tôi trên đời. Nó là một phần của ngoại. Thời thiếu nữ ngoại tắm ở giếng. Tuổi xuân thì cũng được tắm bởi nước giếng trong xanh. Thời gian rồi nhuộm bạc tóc, ngoại vẫn gội nước giếng dẫu không còn ông nữa. Ngoại cũng tự múc lấy nửa gàu nước khi lưng đã còng, và các ngón chân choãi ra bám chặt nền giếng.
 
Ảnh minh họa
Cái nền giếng chưa đầy hai mét vuônglàm từ đời nảo đời nào nay bóng nháng màu vàng nhẫy, tuồn tuột trơn ở đoạn dưới cùng nước chảy xuống. Màu rêu nom huyền hoặc và cũ, gieo vào vực thẳm ký ức buồn. Anh đầu tôi từng trượt ngã nơi đây, chính xác. Ngoại đã giặt lại nguyên bộ đồ đi học của anh. Rồi anh đi bộ đội... Lần anh về phép đầu tiên, hai bà cháu đã vòng tay ôm nhau trong nghẹn ngào. Đó là hình ảnh thật nhất giữa đời thường tôi được thấy sau những cảnh dựng nhân tạo. Mái tóc ngoại phất phơ như ảo ảnh.
 
Khi tôi đủ lớn khôn, cái giếng “già” đi, yếu đi thảm hại. Tính cả khuôn đáy là mười ba. Nhìn từ trên xuống thấy hơi nghiêng ở đoạn giữa. Những chỗ nối khuôn đã bục, bùn đất ùn vào vấy đục, lấp gần trọn nửa khuôn đáy. Con bống tôi nhặt ra từ mớ cá mú lẫn lộn mẹ mua chợ chiều thả giếng thường nấp vào đó chơi trò trốn tìm với bóng người.
 
Mỗi năm, gia đình tôi phải khảo một lần vào hè. Nếu từ lưng buổi, phải đến trưa trật mới xong. Nước cứ dâng lên bệch bạc. Lại phải múc đổ đi. Hai cái gàu thay nhau thả xuống. Sau là tiếng nước dội ào ào vào nhăng nước, rồi trên nền giếng, trên đất. Con bống sợ hãi quay cuồng... Lúc nước giếng gần cạn, anh đầu được giao nhiệm vụ bắc thang xuống đáy để múc đất, tôi kéo lên. Trong một gàu nửa đất cát nửa nước đục, con bống vô tình bị hất “tạch” giữa khoảnh sân nóng rẫy. Bống bắn mình lên bành bạch. Bống thanh mảnh nuột nà chắc đang kêu cứu... Tôi vừa đi học về, chạy tới mang bống thả vào chậu nước trong. Tội nghiệp. Bống phóng một cú như tên, rồi trắng bụng! 
 
Ngồi mà nhớ tiếc nguồn nước mát rượi vào hè, ấm vào mùa đông. Ấy là cái giếng của nhà ông Minh cạnh nhà. Cũng phải ba bốn năm ông mới khảo giếng. Đất múc lên toàn cát thuỷ tinh lấp lánh. Nước cứ vậy mà trong vắt, ngọt lừ, cả làng cả xóm tới gánh. Để om chè, lấy nước đây là ngon nhất. Dịp Tết người làng tới gánh nước dự trữ từ hai nhăm, mỗi nhà phải có được vài thùng mới thoả lòng.
 
Cũng như ở Ngạn Khư, cả làng chỉ độc cái giếng ngon. Cái giếng đó mới to làm sao, đường kính ngót nghét năm sáu mét tây. Từ xưa đến nay làng Ngạn Khư vẫn dùng nước ở giếng đấy uống để lớn lên, mà chưa một mùa hạn hán nào rút cạn được. Chỉ ngặt có một điều, cái giếng nằm gần như trong vòng cấm của nghĩa địa. Làng Ngạn Khư không ai để tâm. Làng Ngạn Khư hiền như Bụt.
 
 
Bữa rồi về quê, tôi cứ ra vô hoài, mãi chẳng biết mình thiếu gì mất gì. Đến chừng mẹ nhắc tắm nhay kẻo cảm lạnh, tôi mới nhớ... Thì ra giếng còn đâu! Thuở nhỏ hoà chanh đường vào bi đông dong dây nhấn chìm xuống lòng giếng ủ nước. Thủa nhỏ chơi trốn tìm không ít lần nấp sau khuôn giếng. Thuở nhỏ cùng cô bạn từng soi chung khuôn mặt xuống lòng giếng có mảng mây lặng lẽ dừng trên nền trời xanh thẳm. Thuở nhỏ một lần đi qua thềm giếng nhà bên chợt nghe tiếng gàu khua, tiếng nước dội lên mái tóc thề phủ chưa đầy tấm lưng mềm giữa hoàng hôn phớt nhẹ...
 
Bây giờ đã từng nhìn vào mắt thiếu nữ, thấy thăm thẳm nỗi u hoài lại trong vắt như nguồn giếng đã hoà nước mắt ai.
                      N.N
 
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Sách Huế trong Hội Sách Quốc gia

Nhân Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3 năm 2024, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Thông tin – Truyền thông, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội tổ chức chuỗi sự kiện chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam.

Sách Huế trong Hội Sách Quốc gia
Return to top