ClockThứ Sáu, 26/03/2021 14:52

Sớm cải tạo, chỉnh trang Bảo tàng Lịch sử ở địa điểm mới

TTH - Để hoàn thành việc di chuyển Bảo tàng Lịch sử đến 268 Điện Biên Phủ, TP. Huế, cần sớm cải tạo, chỉnh trang địa điểm này để hình thành thiết chế bảo tàng mới, phục vụ khách tham quan.

Hiện vật lịch sử gợi nhớ 46 năm trướcBảo tàng Lịch sử về địa điểm mới

Không gian trưng bày hiện vật ngoài trời của Bảo tàng Lịch sử ở địa điểm mới

Chỉ mới hoàn thành giai đoạn 1

Sau khi di chuyển an toàn các hiện vật ngoài trời gồm máy bay, xe tăng, thiết giáp và pháo từ Quốc Tử Giám về địa điểm mới ở 268 Điện Biên Phủ, Bảo tàng Lịch sử đã phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh lắp ráp hiện vật theo đúng nguyên trạng, cải tạo sân vườn, bục bệ, đưa hiện vật vào trưng bày.

Ông Nguyễn Đức Lộc, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử cho hay, trước Tết Nguyên đán, bảo tàng đã tổng vệ sinh, cử bộ phận đến làm việc cố định như là một cơ sở chính thức, đặt biển tên và thông báo giờ phục vụ tham quan hiện vật ngoài trời. Trong khi chờ được đầu tư chỉnh trang, cải tạo, việc chia nhân lực làm việc giữa hai địa điểm, vừa giữ gìn vệ sinh cảnh quan, vừa phục vụ khách tham quan là sự cố gắng của bảo tàng.

Hiện nay, việc di chuyển bảo tàng chỉ mới hoàn thành giai đoạn 1, diện mạo của một bảo tàng ở địa điểm mới vẫn chưa hình thành, cơ sở vật chất hầu như chưa có gì do chưa được chỉnh trang, cải tạo. Thời gian tới, UBND tỉnh sẽ đầu tư chỉnh trang toàn bộ khuôn viên bảo tàng tại địa điểm mới để di chuyển các bộ phận chuyên môn, kho bãi và nơi trưng bày đến đây.

Theo dự án đầu tư di dời và nâng cấp Bảo tàng Lịch sử tỉnh tại địa điểm 268 Điện Biên Phủ được Sở Văn hóa và Thể thao trình UBND tỉnh phê duyệt, các khối nhà hiện tại sẽ được giữ lại, cải tạo và mở rộng thêm để làm khu trưng bày, kho hiện vật, nơi làm việc…

Dự án sẽ cải tạo, nâng cấp mở rộng khối nhà 3 tầng hiện có, xây mới nhà khối 3 tầng, cầu thang, cải tạo mở rộng sảnh đón tiếp giáp với diện tích sàn khoảng 605m2, đồng bộ khối nhà hiện có thành một khối nhà trưng bày cao 3 tầng, bố trí các không gian khánh tiết, không gian trưng bày, khu vệ sinh theo tiêu chuẩn. Cải tạo khu nhà 2 tầng hiện có thành khối nhà hành chính, cải tạo nhà bếp ăn 1 tầng hiện có thành nhà kho lưu trữ, bảo quản hiện vật; xây dựng mới khối nhà 2 tầng bố trí các phòng lưu trữ, bảo quản hiện vật theo tiêu chuẩn. Cải tạo, nâng cấp mặt sân đường nội bộ, bồn hoa, trồng cây xanh, thảm cỏ, lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng sân vườn và hệ thống camera an ninh…

Ông Lộc cho biết, sau khi chỉnh trang, cải tạo trụ sở ở địa điểm mới, Bảo tàng Lịch sử sẽ bàn đến phương án trưng bày phù hợp với địa điểm và phù hợp với xu thế hiện đại. Hiện nay, bảo tàng đang viết đề cương trưng bày chi tiết trình phê duyệt; đồng thời, sẽ tổ chức hội nghị tham vấn lấy ý kiến về việc trưng bày của bảo tàng tại địa điểm mới. Từ đó, có cơ sở xác định một số nội dung trưng bày quan trọng theo ý kiến các chuyên gia, các nhà nghiên cứu.

Mong sớm được cải tạo, chỉnh trang

Bảo tàng Lịch sử hiện đang lưu giữ gần 30.000 tài liệu, hiện vật. Khi sử dụng di tích Quốc Tử Giám, công tác bảo quản gặp nhiều khó khăn do diện tích kho chật hẹp, các phương tiện, cơ sở vật chất, trang thiết bị dùng để bảo quản hiện vật xuống cấp, hư hỏng. Sau khi được cải tạo, chỉnh trang, công tác trưng bày, lưu giữ hiện vật ở địa điểm mới sẽ được cải thiện, các ý đồ trưng bày cũng phù hợp với xu thế hiện đại hơn do không bị bó buộc phải giữ nguyên trạng như khi sử dụng di tích cấp quốc gia Quốc Tử Giám.

Để phát huy giá trị hiện vật, thu hút khách tham quan ở địa điểm mới, Bảo tàng Lịch sử sẽ phối hợp với các ban, ngành liên quan đẩy nhanh tiến độ dự án di chuyển bảo tàng về địa điểm mới. Đồng thời, xây dựng mục tiêu, chiến lược trưng bày trước mắt và lâu dài, hoàn thiện đề án, kế hoạch hoạt động của bảo tàng trong tương lai. Đối với công tác trưng bày, sẽ đổi mới, nâng cao chất lượng nội dung và hình thức trưng bày, tạo nên sự hấp dẫn, thu hút khách tham quan.

“Phương pháp trưng bày nhàm chán là nguyên nhân cốt lõi khiến khách tham quan không muốn quay lại bảo tàng lần thứ hai. Vì vậy, cần thay đổi tư duy trưng bày theo kiểu “một chiều” tức là trưng bày những gì bảo tàng có, thay vào đó là trưng bày theo nhu cầu hưởng thụ văn hóa của khách tham quan. Từ đó, xây dựng và điều chỉnh nội dung, hình thức trưng bày phù hợp. Cùng với việc tăng cường xây dựng nhiều bộ sưu tập trên cơ sở những hiện vật về đặc trưng văn hóa hiện có, Bảo tàng Lịch sử sẽ xây dựng kế hoạch sưu tầm, lên danh mục hiện vật để trình hội đồng xét duyệt đưa vào sưu tập, đặt hàng nghệ nhân…”, ông Lộc nhấn mạnh.

Lợi thế của Bảo tàng Lịch sử ở địa điểm mới là nằm trên trục đường tham quan lăng tẩm của du khách. Vì thế, trong định hướng sắp tới, bảo tàng sẽ đẩy mạnh truyền thông, quảng bá, xúc tiến du lịch, chủ động liên kết với các hãng lữ hành để đưa bảo tàng thành một trong những điểm đến không thể thiếu của du khách.

Trước mắt, Bảo tàng Lịch sử mong UBND tỉnh quan tâm sớm phê duyệt, triển khai dự án chỉnh trang, cải tạo tại địa điểm mới để bảo tàng sớm chuyển toàn bộ hiện vật trưng bày và kho hiện vật từ địa điểm cũ sang địa điểm mới để bàn giao di tích Quốc Tử Giám cho Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế.

Bài, ảnh: Minh Hiền

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đầu tư đã quan trọng, giữ gìn càng quan trọng hơn

Suy cho cùng, ý thức người dùng mới là quan trọng nhất. Nhưng nói ý thức chung chung thì khó quá, còn làm thế nào để buộc mọi người phải có ý thức trong cái sự xử lý "đầu ra" tế nhị và nhạy cảm kia thì lại là câu hỏi không hề dễ.

Đầu tư đã quan trọng, giữ gìn càng quan trọng hơn
Chỉnh trang không gian hai bờ sông Hương

Cùng với các dự án (DA) chỉnh trang đô thị khu vực trung tâm, TP. Huế tiếp tục chỉnh trang các công viên (CV), điểm xanh khu vực hai bờ sông Hương nhằm hoàn thiện hạ tầng đô thị, tạo thêm nhiều điểm đến phục vụ nhu cầu vui chơi giải trí, dạo bộ dành cho người dân và du khách.

Chỉnh trang không gian hai bờ sông Hương
Ưu tiên nguồn lực chỉnh trang đô thị

Phát triển hạ tầng đô thị là một trong 5 chương trình trọng điểm của thị xã Hương Trà. Năm 2023 và những tháng đầu năm 2024, chương trình này đang được các cấp, ngành, địa phương tập trung ưu tiên nguồn lực thực hiện.

Ưu tiên nguồn lực chỉnh trang đô thị
Dự án hơn 87 tỷ đồng chỉnh trang vỉa hè qua huyện Phong Điền vào chặng cuối

Ngày 27/2, Ban Quản lý dự án (QLDA) Đầu tư xây dựng khu vực huyện Phong Điền cho biết: hai DA đầu tư chỉnh trang vỉa hè dọc tuyến Quốc lộ 1 (QL1A) qua trung tâm An Lỗ và thị trấn Phong Điền với tổng mức đầu tư 87tỷ đồng bằng ngân sách Nhà nước đã đạt hơn 85% kế hoạch, góp phần tạo điểm nhấn và kết nối các đô thị ở địa phương này.

Dự án hơn 87 tỷ đồng chỉnh trang vỉa hè qua huyện Phong Điền vào chặng cuối
Hoàn thiện hồ sơ, thủ tục xếp hạng cho các di tích

Hội đồng xét duyệt hồ sơ di tích lịch sử - văn hóa ngày 26/1 dưới sự chủ trì của UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch Hội đồng đã họp thông qua hồ sơ xếp hạng cho các di tích lịch sử, văn hóa cấp tỉnh.

Hoàn thiện hồ sơ, thủ tục xếp hạng cho các di tích
Return to top