ClockThứ Năm, 30/10/2014 04:43

Sớm tìm giải pháp cho “bài toán” giải ngân

TTH - 5 năm thành lập, nhưng chỉ giải ngân được 3,5 tỷ đồng/30 tỷ đồng vốn điều lệ cho 1 doanh nghiệp (DN) vay. Hệ quả này là do quy định đối tượng vay còn bó hẹp trong phạm vi phải là DN đầu tư xây dựng nhà ở xã hội.

Không dễ tiếp cận

Công ty CP Kinh doanh Nhà Thừa Thiên Huế là DN duy nhất tiếp cận được nguồn Quỹ Phát triển nhà ở của tỉnh khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở thu nhập thấp tại khu chung cư Phú Hậu. Cuối 2010, khi dự án bắt đầu bước vào giai đoạn đổ sàn, Quỹ Phát triển nhà ở tiến hành giải ngân sau khi đã thẩm định đầy đủ hồ sơ, năng lực, tính khả thi và yếu tố mấu chốt nhất là dự án nằm trong đối tượng được cho vay theo quy định là đầu tư xây dựng nhà thu nhập thấp. Song, mức cho vay cũng chỉ dừng lại ở con số 3,5 tỷ đồng/hơn 18 tỷ đồng tổng mức đầu tư toàn dự án. Để có vốn đầu tư công trình, DN phải vay thêm Ngân hàng Phát triển Chi nhánh tỉnh 6,5 tỷ đồng. Dù gặp khó ở đầu ra, song đơn vị cũng phải xoay xở để trả lãi và gốc đúng hạn. Đến cuối 2013, DN đã trả hết nợ gốc và lãi cho cả Ngân hàng Phát triển Chi nhánh Thừa Thiên Huế (TTH) và Quỹ Phát triển nhà ở.
Vicoland đã khởi công giai đoạn 2 của dự án nhà ở thu nhập thấp
Cũng đầu tư lĩnh vực xây dựng nhà ở thu nhập thấp, nhưng Vicoland Huế không may mắn tiếp cận được nguồn vốn của Quỹ Phát triển nhà ở, dù theo lãnh đạo DN là đã gõ cửa không ít ngân hàng, trong đó, có Quỹ Phát triển nhà ở. Lý do không tiếp cận được nguồn vốn theo như lời lãnh đạo Vicoland là do khi mới thành lập chi nhánh, ban đầu DN gặp không ít khó khăn. Tổng vốn đầu tư toàn dự án lớn hơn 200 tỷ đồng. Riêng giai đoạn 1, cũng ngót nghét gần trăm tỷ đồng. Do đó, sau khi khởi công, đơn vị phải dừng khá lâu trước khi đổ sàn, làm móng. Lý do này khiến một số ngân hàng ngại, không cho vay, trong đó có Quỹ Phát triển nhà ở.
Phó Giám đốc Ngân hàng Phát triển Chi nhánh TTH - Tô Viết Thân cho rằng, một trong những điều kiện cần là DN phải đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội, nhưng điều kiện đủ là dự án phải có tính khả thi. Nếu cho vay mà DN không đầu tư dự án thì lấy gì để thu hồi nợ. Thận trọng là cần thiết, bởi mục đích của Quỹ Phát triển nhà ở không phải là lợi nhuận, mà là tạo điều kiện cho DN đầu tư nhà ở xã hội có thể triển khai dự án, cũng là cách giúp người thu nhập thấp có thể mua nhà giá rẻ, ổn định cuộc sống.
Đã có dự án xây dựng nhà ở thu nhập thấp tổ chức khởi công rầm rộ nhưng không lâu sau đó, chủ đầu tư “mất tích”, như dự án nhà thu nhập thấp ở khu vực Bàu Vá do Công ty CP Đầu tư xây dựng Nhà Vui Huế làm chủ đầu tư. Do đó, để bảo toàn nguồn vốn buộc những người làm công tác quản lý nguồn Quỹ Phát triển nhà ở phải cân nhắc trước khi quyết định giải ngân.
 
Nên chăng mở rộng đối tượng vay
Ông Tô Viết Thân thừa nhận, chỉ có cách mở rộng đối tượng cho vay thì nguồn Quỹ Phát triển nhà ở mới thật sự làm tròn phận sự như tên gọi của nó. Bởi xét trên nhu cầu thực tế, dù không nóng như ở hai đầu đất nước, song, số DN hoạt động trong lĩnh vực bất động sản trên địa bàn không phải ít. Trong số đó, có nhiều DN đầu tư xây dựng phát triển nhà ở, như Công ty CP Đầu tư IMG Huế, Công ty CP Đầu tư và Xây dựng số 8, Công ty CP Đầu tư An Dương, Công ty CP Xây dựng Điện Việt Nam... Những DN không tiếp cận được nguồn vốn của Quỹ Phát triển nhà ở như đã nêu là do đều đầu tư dự án nhà ở thương mại. Trong khi đó, DN đầu tư dự án nhà ở xã hội chỉ đếm trên đầu ngón tay. Đến nay, ngoài hai DN là Công ty CP Kinh doanh nhà và Vicoland Huế, một vài dự án còn lại hiện nằm trên giấy, may lắm cũng chỉ dừng lại ở giai đoạn “thai nghén”, như dự án xây nhà ở cho công nhân ở KCN Phú Bài...
Giải ngân thành công đồng nghĩa với việc quỹ có nguồn thu từ lãi suất để nuôi bộ máy. Song, theo đơn vị được giao nhiệm vụ giải ngân nguồn quỹ là Ngân hàng Phát triển Chi nhánh TTH, dù nhân viên đã đến tận nơi, gõ cửa từng DN, mời vay vốn song để nhận được cái gật đầu không phải dễ. Tuy nhiên, những người làm công tác quản lý cũng không thể nới rộng đối tượng vay, bởi như thế sẽ sai quy định.
Vicoland Huế cho hay, đang khởi công giai đoạn 2 của dự án với 3 block chung cư thu nhập thấp cao 9 tầng, quy mô 500 căn hộ. Tổng mức đầu tư hơn 170 tỷ đồng, hiện đang bước vào giai đoạn làm trụ, đổ sàn tầng 1. Dù nguồn vốn đầu tư giai đoạn 2 gấp đôi giai đoạn 1, song lý do khiến Vicoland từ chối vay vốn của Quỹ Phát triển nhà ở là đơn vị trước đó đã ký kết hợp đồng tín dụng vay vốn với Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam 117 tỷ đồng. Số vốn còn lại do công ty huy động từ khách hàng theo hình thức trả tiền theo tiến độ và vốn của công ty. Song, lý do tế nhị khác mà Vicoland Huế không muốn nêu nói nôm na là “lúc cần thì không có, lúc có lại không cần”. Hơn nữa, lãi suất Quỹ Phát triển nhà ở không phải thấp, cũng tương đương một số ngân hàng thương mại, ở mức 10,5%/năm.
Từ sau khi Công ty CP Kinh doanh nhà trả hết gốc và lãi, Quỹ Phát triển nhà ở trở về điểm xuất phát ban đầu, với 30 tỷ đồng vốn điều lệ. Mới đây, khi hay tin công ty này được chấp thuận đầu tư dự án nhà ở thu nhập thấp tại Bàu Vá, ngay tại khu đất trước đây tỉnh giao cho Công ty CP Đầu tư xây dựng Nhà Vui Huế triển khai cùng dự án, lãnh đạo Quỹ Hỗ trợ phát triển nhà ở đã chỉ đạo nhân viên tiếp cận với DN để mời vay vốn. “Với tổng mức đầu tư 90 tỷ đồng, chúng tôi cam kết sẽ cho vay 70% tổng mức đầu tư của dự án. Tuy nhiên, phần lớn nguồn vốn vay là của Ngân hàng Phát triển, chỉ một phần trong số đó là của nguồn Quỹ Phát triển nhà ở như cách chúng tôi đã làm với dự án nhà thu nhập thấp tại Bãi Dâu” lãnh đạo Ngân hàng Phát triển Chi nhánh TTH nói.
Khi chúng tôi hỏi về thời gian khởi công dự án, Công ty CP Kinh doanh nhà cho hay vẫn đang lên kế hoạch và như thế sẽ còn mất nhiều thời gian nữa, nguồn vốn Quỹ Phát triển nhà ở mới có cơ hội giải ngân, đó là chưa nói đến khả năng chắc chắn 100% DN vay nguồn vốn này. Nếu không sớm có giải pháp, như mở rộng đối tượng, dự án cho vay, thì nguồn vốn Quỹ Phát triển nhà ở sẽ không phát huy tác dụng, bởi theo tìm hiểu của chúng tôi trong năm nay, ngoài Vicoland Huế không có DN nào khởi công dự án nhà thu nhập thấp và khả năng năm tới, ngoài Công ty CP Kinh doanh nhà cũng chẳng có đơn vị nào khác đầu tư lĩnh vực này. Với các dự án nhà ở xã hội khác, hầu hết đều đã có nguồn hỗ trợ từ Trung ương, địa phương. Riêng cá nhân riêng lẻ, nguồn vốn không giải ngân.
Bài, ảnh: Huệ Hoàng
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giá xăng tăng, giá dầu giảm

Từ 15h hôm nay (28/3), mỗi lít xăng tăng 410 - 530 đồng, trong khi các mặt hàng dầu (trừ mazut) giảm 320 - 390 đồng tùy loại.

Giá xăng tăng, giá dầu giảm
Bỏ khung giá đất làm lành mạnh hóa thị trường đất đai

Luật Đất đai 2024 có hiệu lực từ ngày 1/1/2025 với nhiều điểm mới so với Luật Đất đai 2013, trong đó người dân đặc biệt quan tâm đến việc bỏ khung giá đất, xác định giá theo thị trường. Đây được xem là bước đột phá lớn trong lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai, tạo nên thay đổi căn bản về các vấn đề kinh tế trong chính sách pháp luật về đất đai; làm lành mạnh hóa thị trường; hạn chế đầu cơ, tham nhũng về đất đai.

Bỏ khung giá đất làm lành mạnh hóa thị trường đất đai
Thành Trung - thôn nông thôn mới kiểu mẫu

Bằng việc triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp xây dựng nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu, với cách làm chủ động, sáng tạo, lấy người dân làm chủ thể, thôn Thành Trung (xã Quảng Thành, huyện Quảng Điền) đã trở thành thôn NTM kiểu mẫu đầu tiên của huyện Quảng Điền.

Thành Trung - thôn nông thôn mới kiểu mẫu
Ứng phó hạn, mặn

Diễn biến thời tiết phức tạp, nắng nóng dự báo gay gắt kéo dài khiến nguy cơ thiếu nước sản xuất nông nghiệp và xâm nhập mặn.

Ứng phó hạn, mặn
Mở không gian, tạo động lực phát triển - Kỳ 4: Hướng đến thành phố đáng sống, an toàn và thịnh vượng

Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch tỉnh) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là bước tiến quan trọng. Tỉnh đã nhanh chóng bắt tay vào việc triển khai, thực hiện quy hoạch. Một thành phố trực thuộc Trung ương đang được hình thành, và Huế hứa hẹn sẽ trở thành nơi đáng sống, an toàn và thịnh vượng.

Mở không gian, tạo động lực phát triển - Kỳ 4 Hướng đến thành phố đáng sống, an toàn và thịnh vượng
Return to top