Thể thao trong nước

Sóng gió đang chờ Judo Huế

ClockThứ Bảy, 18/02/2017 15:54
TTH - Trước những giải đấu năm 2017, Ban huấn luyện tuyển Judo Huế lo ngại khi lực lượng vận động viên khá mỏng.

Một buổi tập của tuyển Judo Huế

Thiếu trước, hụt sau

Khoảng hai năm trước (giai đoạn 2014 - 2015), Judo Huế được biết đến như một đội tuyển mạnh. Thời điểm ấy, Vương Thị Diệu Quyên, Lê Thị Trần Dương, Nguyễn Thị Hồng Vân là những cái tên có thể tranh chấp huy chương tại đấu trường Judo trong nước. Từ ngày họ chia tay đội tuyển (2015), Judo Huế kỳ vọng vào Hà Anh Thư và một vài gương mặt trẻ. Thế nhưng, những “cánh én” ấy không thể làm nên mùa xuân khi năm 2016, Judo Huế không có “vàng” tại giải vô địch quốc gia và tổng huy chương của 4 giải (vô địch, các lứa tuổi, trẻ và cup) trong năm chỉ dừng lại con số 9 (1 HCV, 6HCB, 2HCĐ).

Nỗi buồn đó tiếp tục kéo dài khi năm nay, VĐV Nguyễn Thị Kim Ngân nói lời chia tay đội tuyển, còn Võ Thị Tuyên và Hà Anh Thư đang đợi hồi phục chấn thương. Nếu so sánh với những đội tuyển mạnh như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Vũng Tàu, Đồng Tháp, Cần Thơ… quân số của Judo Huế đã ít lại càng ít khi phân chia ra 3 tuyến. Nhiều người phải giật mình bởi tuyến đội tuyển chỉ có 3 VĐV, tuyến trẻ 5 VĐV và 12 trường hợp còn lại đang ở lứa thiếu niên, nghĩa là phải đào tạo từ đầu.

Lẽ ra, Ban huấn luyện tuyển Judo Huế không cần lo lắng, bởi ngoài giải vô địch, hệ thống giải trong nước vẫn còn những giải đấu ở cấp độ “dễ” lấy huy chương hơn, gần nhất là giải vô địch các CLB được tổ chức vào tháng 3/2017 tại Bình Thuận. Song, đến thời điểm hiện tại, HLV Nguyễn Văn Ngãi, Trưởng bộ môn Judo tỉnh vẫn chưa chốt được danh sách VĐV tham dự vì cần phải tập luyện thêm. Đây cũng là lý do khiến người đứng đầu bộ môn Judo tỉnh từ chối trả lời câu hỏi: “Mục tiêu trong năm nay sẽ giành được bao nhiêu huy chương”.

Ông Ngãi cho rằng, cuộc đọ sức với những tên tuổi lớn của TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội không đơn giản. Mỗi đội tuyển có nhiều tuyến với lực lượng VĐV đông đảo, dễ chọn lựa khi có giải đồng thời, đó là tiền đề để các VĐV trong cùng đội tuyển nỗ lực cạnh tranh, tạo nguồn cho tuyến trên. Thể thao phụ thuộc vào phong độ của VĐV nhưng các đoàn thể thao đẳng cấp không dễ để mất huy chương vì chẳng đội tuyển nào muốn mất mặt khi có trong tay quân tốt và sự đầu tư bài bản. Minh chứng rõ ràng là giải vô địch Judo toàn quốc 2016, ngôi nhất và nhì toàn đoàn đã về tay đoàn TP. Hồ Chí Minh (5HCV, 4HCB, 4HCĐ) và Hà Nội (3HCV, 1HCB) đúng như dự đoán của giới chuyên môn.

Đương đầu sóng gió

So với nhiều tỉnh, thành, thể thao Thừa Thiên Huế đang gặp khó nhiều mặt. Chỉ xét về nhân tố con người, phong trào tập luyện Judo trong tỉnh vẫn còn hạn chế, điều này là một thiệt thòi khi bộ môn Judo tuyển quân. Tại TP. Hồ Chí Minh, phong trào tập luyện Judo rộng khắp, các quận, huyện trên địa bàn thành phố có nhiều CLB Judo được thành lập và hoạt động hiệu quả. Từ đây, nhiều hạt nhân được rèn luyện và trưởng thành từ các giải đấu phong trào, sau đó đóng góp cho sân chơi chuyên nghiệp.

Yếu tố quan trọng không thể thiếu nữa là cơ sở vật chất tập luyện. Nhìn ra Hà Nội, tuyển Judo bạn có cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật cũng như các khóa huấn luyện, tập huấn dày đặc với những địa điểm tập huấn lý tưởng như Trung tâm đào tạo VĐV cấp cao Hà Nội, Trường Thể dục Thể thao 10/10… trong khi những VĐV Judo Huế còn thiếu sân tập chuyên biệt và các dụng cụ hỗ trợ chuyên môn, chưa được tập huấn ở những môi trường chất lượng. Điều này khiến tương lai xa của những VĐV  Huế vẫn còn bỏ ngỏ.

Nhưng nói khó không có nghĩa là chưa thi đấu đã nghĩ mình hết cơ hội, nhất là trong bối cảnh Đại hội Thể dục Thể thao toàn quốc sẽ diễn ra vào năm 2018. Bên cạnh Anh Thư, Thu Hà, Quỳnh Như, năm nay BHL đặt mục tiêu phấn đấu rèn cho Trần Thị Thía nâng cao chuyên môn để hoàn chỉnh bộ khung những gương mặt tham dự các giải đấu lớn. Ngoài việc tăng cường tập luyện, nâng cao kinh nghiệm cho VĐV thì tuyển Judo tỉnh cũng tìm cách thăm dò đối thủ, xác định điểm mạnh, yếu của từng đội tuyển trong từng giải để đưa ra đấu pháp hợp lý. Quá trình tập luyện cũng áp dụng chiến thuật đa dạng.

Khi túi tiền eo ẹp và chuyện tập huấn nước ngoài hay giao hữu với những tên tuổi “xịn” của làng Judo Việt là điều xa xỉ thì việc để VĐV đối mặt với các giải đấu thường niên là điều nên làm, vừa tạo cho các VĐV môi trường cọ xát nhưng cũng là cách để từng VĐV tự trưởng thành. Những năm qua, các thế hệ VĐV Judo tập luyện và thi đấu trong điều kiện thiếu thốn đủ thứ, nhưng Judo Huế cũng từng có những VĐV thi đấu nổi bật ở giải trong nước và khu vực, Hà Anh Thư là một ví dụ. Điều này khẳng định rằng, nếu quyết tâm đương đầu sóng gió, Judo Huế vẫn còn cơ hội.

Bài, ảnh: LÊ HỮU PHÚC

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Bơi ở sông lớn

Rằng có câu “cửa miệng” dành cho bóng đá nói chung và thể thao Việt Nam nói riêng, đấu trường SEA Games như “ao làng”, ASIAD được ví với “sông lớn” và Olympic là “biển cả”. Nói vậy xem chừng vẫn không… ngoa. Cứ thử mà xem. Mới đây nhất là SEA Games 32, thể thao Việt Nam đứng đầu với 355 tấm huy chương, trong đó có 136 huy chương vàng. Cũng cách nay không lâu là ASIAD 18, tổng số huy chương của đoàn thể thao Việt Nam là 39 chiếc, trong đó huy chương vàng chỉ vẻn vẹn có 5 chiếc. Còn lần này chỉ tiêu “vàng” cũng chỉ khiêm tốn từ 2 - 5 huy chương.

Bơi ở sông lớn
Về Huế đi bơi

Cùng với đi bộ, nhiều người Huế đang chọn bơi làm môn thể thao, vừa để thư giãn và cũng là để luyện tập, nâng cao sức khỏe.

Về Huế đi bơi
Return to top