ClockThứ Hai, 04/01/2016 14:06

Sông Hương mai này...

TTH - Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA) đã hỗ trợ không hoàn lại 6 triệu USD cho Huế thực hiện quy hoạch chi tiết đôi bờ sông Hương. Với quy hoạch này, TP Huế sẽ có thêm hai tuyến phố đi bộ trên bờ sông, thỏa lòng du khách, người dân muốn chiêm ngưỡng vẻ đẹp của dòng Hương thơ mộng, hiền hòa.

Sông Hương. Ảnh: Ngô Tiến Tân

Không chỉ là ý tưởng

Lâu nay, không ít người còn nghi ngại với dự án quy hoạch chi tiết hai bờ sông Hương mà KOICA đang giúp Huế thực hiện. Trước đó, đã có vài ý tưởng, vài quy hoạch mới manh nha hình thành hoặc đã hình thành nhưng nửa vời, đứt gánh. Người dân lo ngại rằng, quy hoạch này liệu có đi đến đích?

Đem băn khoăn này trao đổi với Chủ tịch UBND TP Huế - Nguyễn Văn Thành, ông chắc nịch: “Quy hoạch chi tiết hai bờ sông Hương sẽ phát huy hiệu quả, có mở đầu và có kết thúc và được thực hiện bài bản, có tầm. Đó là, đã lấy ý kiến rộng rãi trong các tầng lớp Nhân dân, nhà nghiên cứu, chuyên gia... Quan trọng hơn hết là quy hoạch đã được phê duyệt, có cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp thực hiện, được tài trợ kinh phí nên không có lý do gì để không kết thúc quy hoạch và triển khai các bước tiếp theo”.

Đồ án quy hoạch chi tiết hai bờ sông Hương hiện đã điều chỉnh phạm vi giới hạn các công trình cách mỗi bờ sông Hương từ 100m thành 200m, sau khi có nhiều ý kiến cho rằng nên nâng khoảng cách, phạm vi này để đảm bảo giữ được vẻ đẹp đôi bờ sông Hương tại hội thảo quy hoạch chi tiết. Bên cạnh đó, các công trình cao tầng cũng được giới hạn, ngoài phù hợp với quy hoạch này, còn phải đúng với quy hoạch mở rộng TP Huế và các quy hoạch khác đã có từ trước, nhất là các công trình ở vị trí trung tâm TP Huế.

Về ý tưởng và việc triển khai quy hoạch, ông Nguyễn Văn Thành cho hay, Hàn Quốc là một nước tiên tiến, nhiều quy hoạch đã thực hiện và triển khai hiệu quả. Họ đến đây giúp chúng ta, tuy thế không phải KOICA quyết định tất cả. Chúng ta vẫn giữ vai trò chủ đạo, nhất là trong việc cùng thực hiện quy hoạch bằng các góp ý, đề nghị của những người có tâm huyết, có kiến thức, chuyên môn trong lĩnh vực này và hơn cả là ý kiến của người dân, nhà nghiên cứu Huế... KOICA vừa thực hiện quy hoạch, vừa nghiên cứu, vừa tham khảo để điều chỉnh hợp lý nhất những tồn tại, bất cập nếu có, trên tinh thần cầu thị, luôn sẵn sàng lắng nghe các góp ý của những người yêu Huế.

Mong muốn của những nhà nghiên cứu, lãnh đạo TP Huế và đông đảo người dân là biến đôi bờ sông Hương thành phố đi dạo, ngắm cảnh. Điều đó đã được phía KOICA ghi nhận bằng cách ngoài thể hiện trong quy hoạch chi tiết còn nghiên cứu, chỉnh trang lại phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu kéo dài đến gần Khách sạn Century làm nơi dạo chơi, nghỉ ngơi, mua sắm hàng lưu niệm, khu ẩm thực Huế.

“Viết lời trên nền nhạc sẵn có”

Cùng với việc hỗ trợ, giúp Huế thực hiện nhiệm vụ quy hoạch chi tiết hai bờ sông Hương, lý do khiến KOICA giúp Huế nghiên cứu chỉnh trang thêm phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu xuất phát từ nguyện vọng của đa số người dân tại hội thảo “Quy hoạch chi tiết hai bờ sông Hương - nhiệm vụ và giải pháp”. Lãnh đạo TP Huế kỳ vọng, dự án thí điểm này sau khi thực hiện hoàn thành sẽ tạo điểm nhấn cho Huế, cho sông Hương bằng tuyến phố đi bộ, với các dịch vụ thú vị. Từ đó, sẽ rút kinh nghiệm triển khai các dự án khác trên bờ sông Hương dần biến hai bên bờ sông thành tuyến đi bộ, dạo mát, ngắm cảnh nối liền, ít nhất là bắt đầu từ cầu Phú Xuân đến Đập Đá.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Cao đã phê duyệt nhiệm vụ Quy hoạch chi tiết hai bờ sông Hương theo Quyết định số 1706/QĐ-UBND ngày 1/9/2015. Theo đó, phạm vi nghiên cứu lập quy hoạch là khu vực dọc sông Hương, đoạn từ đồi Vọng Cảnh đến phố cổ Bao Vinh, bao gồm cả Cồn Hến và Dã Viên, với chiều dài 15km. Bề rộng mỗi bên tiếp cận các tuyến đường cách mép sông trung bình 100m. Diện tích khu vực lập quy hoạch là 836 ha, bao gồm 313,6 ha đất dọc hai bờ sông, 26,4 ha đất khu vực cồn Hến, 11 ha đất khu vực cồn Dã Viên và 485 ha diện tích mặt nước, thuộc địa phận TP Huế, một phần thị xã Hương Trà và huyện Phú Vang.

Đến thời điểm này, tiến độ việc thực hiện quy hoạch chi tiết hai bờ sông Hương đạt khoảng gần 50% kế hoạch. Các bước cơ bản nhất, gần như đã triển khai thực hiện. KOICA hiện đang hoàn tất, bổ sung các ý kiến, góp ý để hoàn chỉnh thêm đồ án. Lãnh đạo TP Huế muốn đẩy nhanh tiến độ thực hiện để triển khai các bước tiếp theo. Song, phía KOICA muốn quy hoạch theo hướng hoàn hảo nhất để phát huy giá trị cảnh quan hai bờ sông Hương. Điều này cho thấy, dù KOICA tài trợ kinh phí nhưng vẫn thực hiện quy hoạch theo đúng quy trình và trên cơ sở có lợi nhất cho Huế, ông Nguyễn Văn Thành nhận định.

Cái lợi có thể nhìn thấy khi quy hoạch chi tiết hai bờ sông Hương là dựa vào đó, UBND tỉnh sẽ có những kế hoạch đầu tư lâu dài và cụ thể. Quy hoạch chi tiết hai bờ sông Hương được ví như sườn của một bài hát. Tất cả các nốt nhạc đều đã được thực hiện. Việc của tỉnh, TP Huế sắp tới chỉ có thể là “viết lời theo nền nhạc sẵn có”, một người từng làm công tác quy hoạch trên địa bàn ví von.

“Lâu nay vẻ đẹp của sông Hương và đôi bờ ai cũng công nhận, không còn gì để bàn cãi. Trong những buổi “trà dư tửu hậu”, thậm chí là ở những cuộc họp lớn, hội thảo..., đều có nhiều ý kiến nên làm thế này, chỗ này, chỗ kia để sông Hương đẹp hơn, đôi bờ phát huy được giá trị của nó. Thế nhưng, làm thế nào cho hiệu quả, cái gì cần giữ và giữ như thế nào, đoạn nào cần đầu tư, được phép đầu tư các công trình du lịch, dịch vụ để phát triển kinh tế, đô thị thì chưa được thông qua một cách chính thống. Quy hoạch chi tiết hai bờ sông Hương giải quyết tất cả những vấn đề đó. Dựa vào quy hoạch này, tỉnh, TP Huế có cơ sở để tập trung đầu tư và đầu tư đúng hướng các dự án liên quan đến sông Hương. Chắc chắn khi đã có quy hoạch, việc triển khai đầu tư các công trình sẽ dễ dàng hơn”, ông Thành chia sẻ.

Tâm Huệ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nâng cao hiệu quả dự phòng, kiểm soát bệnh tật theo mô hình “Thành phố thông minh” giai đoạn 2025 -2030

Ngày 27/3, Ban Giám đốc Sở Y tế có buổi tiếp và làm việc với Đoàn khảo sát của Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) về khả năng triển khai dự án “Nâng cao hiệu quả dự phòng, kiểm soát bệnh tật theo mô hình “Thành phố thông minh” giai đoạn 2025-2030”, trong khuôn khổ hợp tác song phương giữa Hàn Quốc và Việt Nam.

Nâng cao hiệu quả dự phòng, kiểm soát bệnh tật theo mô hình “Thành phố thông minh” giai đoạn 2025 -2030
Đến hẹn lại... đua

Đã thành thông lệ, đúng vào dịp kỷ niệm giải phóng 26/3, sông Hương lại dậy sóng với lễ hội đua ghe truyền thống thành phố Huế. Người Huế gọi dịp này là đua ghe 26/3 để phân biệt với lễ hội đua ghe truyền thống tổ chức vào dịp Quốc khánh 2/9, có quy mô toàn tỉnh.

Đến hẹn lại  đua
Huế xưa mới

“Huế cổ kính, mà luôn luôn mới mẻ, bất ngờ. Ai đã từng dành trọn buổi sớm mai sương khói hay buổi chiều tà mát mẻ đi một vòng dọc hai bờ sông Hương mới cảm nhận được sức sống kỳ diệu của thành Huế bây giờ… Huế đi lên từng ngày, dần xứng tầm là một đô thị di sản, một trung tâm văn hóa, giáo dục, du lịch và y tế chuyên sâu tương lai của nước nhà, của khu vực” - Đó là những cảm nhận sâu sắc của một người bạn xa về một Huế “muôn đời đẹp và thơ”.

Huế xưa mới
Cầu... nối lòng dân

Chuyện thật đáng mừng cho đất nước ta là có hàng trăm cây cầu được xây mới trong những năm vừa qua đến từ sự đóng góp của cá nhân người dân, nhóm thiện nguyện, doanh nghiệp. Điều đó cho thấy lời kêu gọi Nhà nước và Nhân dân cùng làm là giải pháp hiệu quả cho những thách thức lớn về phát triển cơ sở hạ tầng trong mọi thời kỳ.

Cầu  nối lòng dân
Đặc sản của Huế

Nếu nói đến đặc sản Huế chắc nhiều người nghĩ ngay đến ẩm thực, tức là nghĩ đến cái “dạ dày”. Ai tinh tế hơn thì nghĩ đến chiều sâu văn hóa, ví dụ như di sản (vật thể và phi vật thể), thậm chí là giọng nói; trang phục.

Đặc sản của Huế
Return to top