ClockThứ Hai, 14/12/2015 16:23

Sông Hương, sông Ngự Hà cũng không tha

TTH - Mặc dù Công an tỉnh thường xuyên phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức đẩy đuổi, truy bắt và xử lý các đối tượng đánh bắt thủy sản trái phép trên vùng đầm phá Tam Giang- Cầu Hai và các sông, song “ngư tặc” vẫn bất chấp mọi thủ đoạn để “hành nghề”, gây cạn kiệt nguồn lợi thủy sản và ảnh hưởng đến an ninh trật tự địa phương.

Tang vật đánh bắt thủy sản trái phép trên sông Hương được phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh thu giữ

Vào tận sông Hương, sông Ngự Hà để đánh bắt

Rạng sáng 25/11, qua nguồn tin trinh sát, lực lượng Cảnh sát môi trường (Công an tỉnh) bắt quả tang 4 đối tượng gồm: Nguyễn Văn Việt Minh (33 tuổi, trú thôn Lại Tân, xã Phú Mậu) cùng Nguyễn Văn Thọ (26 tuổi), Nguyễn Văn Hải (20 tuổi) và Nguyễn Văn Kê (58 tuổi, cùng trú thôn La Ỷ, xã Phú Dương, huyện Phú Vang) đi trên 2 đò máy sử dụng lưới kìm (loại có mắt lưới nhỏ 5mm được UBND tỉnh cấm đánh bắt) để đánh bắt thủy sản kiểu hủy diệt trên sông Ngự Hà đoạn qua phường Tây Lộc (TP Huế). Tại thời điểm trên, các đối tượng đã đánh bắt được khoảng 5kg cá các loại. Đối tượng Minh khai nhận, do nguồn lợi thủy sản ngày càng cạn kiệt nên để có kế mưu sinh, Minh đầu tư trên 10 triệu đồng để mua tay lưới kìm dài 50m, rộng 2,5m và thuê 3 đối tượng Thọ, Hải, Kê đi đánh bắt theo dạng lưới quét trên sông Hương, sông Như Ý, Ngự Hà, Đông Ba… qua đó tận thu tất cả các loại thủy sản. Phòng Cảnh sát môi trường đã ra quyết định xử phạt Minh 4 triệu đồng về hành vi sử dụng ngư cụ bị cấm để đánh bắt thủy sản trái phép.

Theo một cán bộ phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh, nếu trước đây địa bàn hoạt động của “ngư tặc” thường diễn ra trên khu vực đầm phá và vùng biển gần bờ, thì hiện nay các đối tượng này đã “xâm lấn” vào tận vùng nuôi trồng thủy sản của ngư dân ở đầm phá, khu bảo vệ thủy sản tự nhiên và thậm chí thực hiện hoạt động giã cào bằng lưới kìm, đánh bắt bằng xung điện ngay trên sông Ngự Hà, sông Hương và các nhánh sông phụ, gây thiệt hại nặng nề. Nguy hiểm hơn, “ngư tặc” sẵn sàng chống lại những người truy đuổi, thậm chí đánh trả lực lượng công an.

Cảnh sát đường thủy bắt một nhóm đối tượng cùng tang vật đánh bắt thủy sản bằng xung điện

Nói về thực trạng đánh bắt thủy sản trái phép đang diễn ra trên địa bàn tỉnh, đại tá Nguyễn Thành Luân, Trưởng phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh thông tin, từ đầu năm 2015 đến nay, lực lượng đơn vị đã phát hiện hàng chục vụ đánh bắt thủy hải sản trái phép bằng xung điện, giã cào..., qua đó xử phạt hành chính 18 đối tượng với số tiền 56,5 triệu đồng, thu giữ nhiều tang vật. Trong khi đó, trung tá Lê Hồng Hà, Trưởng phòng Cảnh sát đường thủy cho biết, trong năm 2015 đơn vị đã bắt 15 vụ/25 đối tượng đánh bắt thủy sản bằng xung điện, chuyển Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản xử lý; trong đó có một vụ hành hung người truy đuổi.

Cần có chế tài đủ mạnh

Mới đây, Chi hội nghề cá thôn 8 xã Điền Hải, huyện Phong Điền đã gửi đơn đến các cơ quan chức năng tỉnh Thừa Thiên Huế yêu cầu làm rõ hành vi cố ý gây thương tích của “ngư tặc” đối với ông Phan Đế, thành viên của chi hội. Sự việc trên là một trong số nhiều vụ việc mà các đối tượng “ngư tặc” chống đối, đánh trả lại lực lượng làm nhiệm vụ bảo vệ đầm phá. Được biết, hệ đầm phá Tam Giang với nguồn lợi thủy sản dồi dào nên thời gian qua có rất nhiều “ngư tặc” ở các địa phương khác đến xâm chiếm, đánh bắt bằng hình thức giã cào, tận diệt, gây ô nhiễm môi trường khiến ngư dân rất bức xúc. Dù lực lượng đã tổ chức truy đuổi, bắt giữ nhiều đò vi phạm giao cho cơ quan chức năng xử lý, song tình trạng đánh bắt thủy sản trái phép không có dấu hiệu suy giảm mà ngược lại càng gia tăng.

Đại tá Nguyễn Thành Luân khẳng định: Dù cảnh sát môi trường, cảnh sát đường thủy cùng Chi cục Khai thác bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh thường xuyên phối hợp kiểm tra, bắt giữ “ngư tặc” nhưng theo quy định, mức độ vi phạm thường chỉ xử phạt hành chính, tịch thu tang vật... nên nhiều đối tượng vẫn ngoan cố tái phạm. Đáng lo ngại, hiện tình trạng đánh bắt thủy sản kiểu tận diệt đang gia tăng trên sông Hương và một số sông trong Kinh thành Huế nên đơn vị đã chỉ đạo cán bộ chiến sĩ tăng cường tuần tra và kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, qua đó góp phần chấn chỉnh hoạt động đánh bắt thủy sản trái phép, bảo đảm an ninh trật tự địa bàn.

Bài, ảnh: THÁI BÌNH
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thành lập công đoàn cơ sở tại doanh nghiệp FDI

Chiều 15/4, tại Khu công nghiệp Phong Điền – Viglacera, huyện Phong Điền, Công đoàn Khu Kinh tế Công nghiệp tỉnh tổ chức lễ công bố quyết định thành lập công đoàn cơ sở (CĐCS) Công ty TNHH May mặc AMP Việt Nam – Phong Điền. Đây là doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài, chuyên sản xuất các mặt hàng thời trang may mặc.

Thành lập công đoàn cơ sở tại doanh nghiệp FDI
Return to top