Thế giới

Sóng nhiệt - kẻ giết người thầm lặng

ClockThứ Ba, 22/06/2021 10:36
TTH.VN - Trong khi nhiều nước châu Á đang vật lộn với sự gia tăng mạnh số ca nhiễm COVID-19, khu vực này cũng phải đối mặt với tình trạng tăng nhiệt độ thường xuyên đến mức cực đoan, gây thêm nhiều khó khăn cho người dân.

Gần 600 người nhập viện do sóng nhiệt tại Nhật BảnLý giải các đợt “sóng nhiệt” nóng ẩm tử thần gia tăng trên toàn cầuCanada: Số người tử vong do nắng nóng tăng lên 54

Hàng triệu người từ Bangladesh cho đến Việt Nam như đang mắc kẹt trong các toà nhà cao tầng. Tuy nhiên, nhiều người vẫn cần phải ra ngoài để kiếm sống ngay cả khi phải đối mặt với cái nóng oi bức. Hơn bao giờ hết, chúng ta phải làm nhiều hơn nữa để giữ an toàn cho mọi người, với các hành động cụ thể để ngăn ngừa tình trạng tử vong do sốc nhiệt.

Nắng nóng nghiêm trọng gây ra thêm hàng nghìn ca tử vong sớm mỗi năm. Ảnh: Ecomaster

Theo một nghiên cứu của Đại học New South Wales, ở phần lớn châu Á và nhiều khu vực trên thế giới, các đợt nắng nóng ngày càng trở nên nóng bức hơn, diễn ra thường xuyên hơn và kéo dài hơn. Khi nhiệt độ tăng cao, nguy cơ tử vong từ “kẻ giết người thầm lặng” này cũng tăng theo.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết trên thế giới, mỗi năm có hàng nghìn người chết do sóng nhiệt. Từ năm 2030 đến năm 2050, biến đổi khí hậu được dự báo sẽ gây ra thêm khoảng 250.000 ca tử vong mỗi năm. Và nhiệt độ đang ngày càng trở nên nóng hơn. Năm 2019 và 2020 là hai trong những năm nóng nhất được ghi nhận.

Nhiệt độ quá cao gây căng thẳng khủng khiếp cho cơ thể và người lớn tuổi có nguy cơ bị say nắng cao nhất, thậm chí có thể dẫn đến tử vong nếu không được điều trị. Theo LHQ, các đợt nắng nóng đã giết chết nhiều người hơn bất kỳ loại thảm họa nào khác trong năm 2020. Tuy nhiên, ở nhiều quốc gia, sóng nhiệt thường không được công nhận là nguyên nhân gây tử vong. Có khả năng trên toàn cầu, các đợt nắng nóng đang gây ra thêm hàng nghìn ca tử vong sớm mỗi năm. Các nghiên cứu ở Việt Nam và các nước trong khu vực châu Á cho thấy, các đợt nắng nóng làm tăng nguy cơ nhập viện ở mọi miền đất nước.

Bà Sarah Perkins-Kirkpatrick, nhà nghiên cứu về biến đổi khí hậu của ĐH New South Wales (Australia) cho biết ở nước này, “sóng nhiệt đã cướp đi mạng sống của nhiều người hơn bất kỳ thiên tai nào khác - nhưng không ai nhận ra sự hủy diệt mà thảm họa này có thể gây ra”.

Trong những tuần gần đây khi nhiều quốc gia đang nỗ lực chiến đấu với COVID-19, nắng nóng cũng hoành hành ở Ấn Độ, Bangladesh và Việt Nam. Hàng triệu người làm việc ngoài trời bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Và họ thường là những người nghèo nhất và dễ bị tổn thương nhất, kể cả những người lớn tuổi.

Mô hình hành động sớm của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam

Có được các dự báo chính xác cho phép Hội Chữ thập đỏ chuẩn bị trước cho các đợt nắng nóng khắc nghiệt và có hành động để giúp giảm tác động của chúng đối với những người dễ bị tổn thương. Trong một động thái tiên phong, Hội Chữ thập đỏ đã làm việc với Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu Việt Nam để xây dựng Chỉ số nhiệt và “mức kích hoạt” dành riêng cho Hội Chữ thập đỏ Việt Nam. Điều này giúp xác định thời điểm và vị trí tác động của sóng nhiệt diễn ra nghiêm trọng nhất để kích hoạt hệ thống phản ứng của Hội Chữ thập đỏ.

Một điểm tránh nắng của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tại Hà Nội. Ảnh: Baotainguyenmoitruong

Hội Chữ thập đỏ Việt Nam hiện đã sẵn sàng hành động sớm trong trường hợp có nắng nóng để bảo vệ hơn 25.000 công nhân phải làm việc ngoài trời tại 3 thành phố trên cả nước. Theo đó, các điểm tránh nắng sẽ được thiết lập trong trường hợp đợt nắng nóng diễn ra tại các thành phố Hà Nội, Hải Phòng và Đà Nẵng. Những nơi này sẽ nằm gần các khu định cư phi chính thức, chợ và các công trường xây dựng để những người bán hàng rong, công nhân đóng tàu, xe ôm và công nhân xây dựng có thể tiếp cận tránh cái nóng khắc nghiệt.

Theo Bangkok Post, các điểm tránh nắng sẵn sàng được dựng lên, được trang bị quạt làm mát, vòi phun nước… thậm chí còn có nơi có máy lạnh. Xe buýt làm mát có điều hòa sẽ lưu thông trên các đường phố chính và đưa người lao động đến các điểm tránh nắng. Tại đó, các tình nguyện viên của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam sẽ tư vấn và chăm sóc sức khỏe, cung cấp nước, trà lạnh và khăn tắm cho người dân.

Các chuyên gia y tế cho rằng ngăn ngừa tử vong do sốc nhiệt gồm các hành động khá đơn giản. Do đó, nên đầu tư vào hành động sớm để ngăn chặn những ca tử vong này khi chúng ta phải đối mặt với những thảm họa ngày càng gia tăng.

Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy các hành động sớm hiệu quả hơn, tiết kiệm chi phí hơn và giúp mọi người đối phó và phục hồi nhanh hơn. Đó là lý do tại sao Liên đoàn Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế đang đầu tư khoảng 1/4 triệu USD cho Hội Chữ thập đỏ Việt Nam để triển khai các hành động sớm khi có dự báo về đợt nắng nóng cực đoan. Trên toàn cầu, đây là mô hình hành động sớm đầu tiên được triển khai để ứng phó với sóng nhiệt.

Các cơ quan như LHQ và Trung tâm điều phối của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (Asean) cũng đang đầu tư vào các hoạt động sớm cùng với các Hiệp hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ ở châu Á và trên thế giới. Tuy vậy, chúng ta vẫn phải hành động nhiều hơn nữa.

“Đã đến lúc chín muồi để đầu tư nhiều hơn vào hành động sớm trong các thảm họa, thay vì dọn dẹp sự hỗn độn sau đó, thường là khi đã quá muộn”, Bangkok Post nhấn mạnh.

TỐ QUYÊN (Lược dịch từ Bangkok Post)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thời tiết ngày 11/3: Bắc Bộ trời rét, Nam Bộ có nơi nắng nóng

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, ngày 11/3, Bắc Bộ có mưa vài nơi, sáng sớm có sương mù và sương mù nhẹ rải rác, đêm và sáng trời rét. Khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ chiều tối và đêm có mưa rào vài nơi; ngày nắng, có nơi nắng nóng, riêng miền Đông Nam Bộ có nắng nóng.

Thời tiết ngày 11 3 Bắc Bộ trời rét, Nam Bộ có nơi nắng nóng
El Nino có thể khiến nhiệt độ tăng cao hơn mức kỷ lục của năm 2023

Liên hợp quốc (LHQ) ngày 12/1 cảnh báo do ảnh hưởng của hiện tượng khí hậu El Nino, nhiệt độ trung bình trong năm 2024 có thể cao hơn so với mức kỷ lục năm 2023, qua đó kêu gọi cộng đồng quốc tế cắt giảm mạnh mẽ lượng khí thải để chống biến đổi khí hậu.

El Nino có thể khiến nhiệt độ tăng cao hơn mức kỷ lục của năm 2023
Return to top