ClockThứ Năm, 19/05/2016 19:58

Sống thử, hậu quả thật

TTH - Văn hóa phẩm độc hại tràn lan, lối sống phóng khoáng khiến thanh thiếu niên đứng trước nhiều nguy cơ, đặc biệt là mang thai ngoài ý muốn. Chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên cần được quan tâm để các em tự bảo vệ.

Sinh viên “góp gạo thổi cơm chung”

Tiếng la hét, tiếng khóc giữa đêm khiến khu trọ náo loạn. Họ là một đôi sinh viên non choẹt, đánh nhau vì ghen bởi cô gái lên mạng chát với bạn trai cùng lớp. Chiếc máy tính xách tay, suýt tan tành. Ba bữa nửa tháng, họ lại gây náo loạn khiến hàng xóm phiền lòng. Với thiết kế khu trọ riêng biệt, mỗi phòng đều có công trình phụ khép kín, chủ nhà trọ lại ở chỗ khác nên các cặp sinh viên sống chung với nhau mặc sức làm gì thì làm. Nguyễn Thị Nga, sinh viên Trường ĐHKH cho biết: Ngay ở dãy nhà trọ có đến 3 cặp sinh viên “góp gạo thổi cơm chung”. Hàng ngày, họ cứ vô tư thể hiện tình cảm mà không cần đóng cửa. Có những lúc họ lại cãi nhau, đuổi nhau ra đường. Chủ nhà ở xa, có biết nhưng phòng cho thuê trống nhiều quá nên họ đành làm ngơ. Nhiều sinh viên thấy ồn ào, bất tiện nên chuyển đi nơi khác.

Sinh viên Trường đại học Kinh tế Huế trong buổi truyền thông về sức khỏe sinh sản

Ở một xóm trọ trong con hẻm ở đường Trần Phú, nơi có 10 phòng trọ khá khang trang, thì có 4 phòng là có những cặp sinh viên sống thử. Nhiều đôi công khai chuyện sống thử và chẳng có một chút ngại ngần nào. N.V.B, sinh viên Trường đại học Nghệ thuật, cho biết: “Chúng tôi sống cùng nhau từ năm thứ 3 học đại học. Đói no, sướng khổ gì cũng có nhau. Chính cái “nghĩa” của một thời gian khó ấy là động lực để chúng tôi vượt qua những khó khăn để cân bằng các mối quan hệ xã hội”. Tuy nhiên, không ít người “gãy gánh giữa đường”, không đến với nhau được. Nguyên nhân do chưa trải nghiệm các mối quan hệ xã hội, bị áp lực kinh tế, nhận thức về các giá trị của bản thân và xã hội còn hạn chế.

Chính lối sống tự do, sống thử, sống vội đã khiến các sinh viên ở vào tình trạng thiếu bảo vệ bản thân, bảo vệ tương lai của chính mình. Theo một số chuyên gia tư vấn, sai lầm của các em phần lớn là do thiếu sự quan tâm của gia đình. Với tâm lý lo sợ “vẽ đường cho hươu chạy”, các bậc phụ huynh còn dè dặt trong việc trao đổi với con về vấn đề giới tính, sức khỏe sinh sản. Bản thân các em chưa có nhiều kiến thức nhưng lại ở độ tuổi tò mò, muốn khám phá bản thân. Một hạn chế nữa là chương trình học chính khóa ở nhà trường còn xem nhẹ việc giáo dục sức khỏe sinh sản cho học sinh.

Trang bị kiến thức sức khỏe sinh sản

Chi cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình phối hợp xây dựng nhiều chương trình, đề án giáo dục giới tính và giáo dục kỹ năng sống cho hàng nghìn học sinh, sinh viên các trường cao đẳng, đại học trên địa bàn. Các bạn trẻ được phổ biến những kiến thức về tác hại do nạo phá thai gây ra cũng như nhiều bệnh dễ mắc phải do quan hệ tình dục không an toàn. Các biện pháp phòng tránh HIV, AISD và nâng cao kỹ năng sống cho sinh viên. Tuy nhiên, nhu cầu thì lớn nhưng các hoạt động vẫn hạn chế, đang còn dừng lại ở từng thời điểm, địa bàn.

Hầu hết thắc mắc của các bạn trẻ đều thuộc về những kiến thức căn bản trong vấn đề giáo dục sức khoẻ sinh sản vị thành niên. Họ hoang mang ngay cả khi gặp phải những tình huống hết sức đơn giản. Tuy hầu hết đều rất muốn biết, muốn tìm hiểu nhưng họ vẫn quá e ngại, rụt rè. Đa số các em sinh viên (phần lớn là nữ sinh) đều tỏ ra bỡ ngỡ, ngại ngùng, khi nghe các chuyên gia đề cập đến các khái niệm và nội dung về sức khỏe sinh sản. Tuy nhiên, về cuối buổi học, sự thoải mái đã dần bộc lộ, các em sinh viên đã tỏ ra thích thú khi biết được nhiều kiến thức về sức khỏe sinh sản. Sinh viên Cao Thị Kim Ngân, sinh viên Trường đại học Khoa học Huế nói: “Vấn đề ma tuý, HIV/AIDS được nói đến rất nhiều trong nhà trường, nhưng kiến thức về sức khoẻ sinh sản và giới tính lại hầu như không được đề cập tới. Trong khi sự thiếu hiểu biết về lĩnh vực này là một trong những nguyên nhân dẫn tới HIV/AIDS.”.

Chăm sóc sức khỏe sinh sản cho vị thành niên rất cần sự hỗ trợ từ nhiều phía. Bố mẹ nên là tư vấn viên đầu tiên cho con cái, đặc biệt là người mẹ. Ngành giáo dục cũng cần cụ thể hóa các chương trình giảng dạy giới tính, sức khỏe sinh sản phù hợp theo các cấp học, trang bị kiến thức trong giai đoạn nhạy cảm của trẻ. Ngoài ra, ngành y tế cần phối hợp với các đoàn thể xã hội đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục lối sống, quan niệm và cách ứng xử trong hôn nhân, tình bạn, tình yêu giúp các em nhận thức đầy đủ về giáo dục giới tính để tự bảo vệ.

Huế Thu

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Trải nghiệm Tết cổ truyền Việt Nam - Hàn Quốc

Ngày 28/1, Trung tâm Hoạt động Thanh thiếu nhi tỉnh tổ chức Chương trình trải nghiệm Tết cổ truyền Việt Nam - Hàn Quốc với chủ đề “Xuân gắn kết - Tết bình an”. Tham dự có ông Nguyễn Chí Tài, UVTV, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy.

Trải nghiệm Tết cổ truyền Việt Nam - Hàn Quốc
Pháp lên kế hoạch cấm thuốc lá điện tử dùng một lần

Lệnh cấm này khi được ban hành sẽ nối tiếp các biện pháp tương tự đã được triển khai ở Đức, Australia và New Zealand trong bối cảnh những lo ngại về ảnh hưởng của thuốc lá điện tử đến sức khỏe con người ngày càng tăng.

Pháp lên kế hoạch cấm thuốc lá điện tử dùng một lần
Return to top