ClockThứ Năm, 10/11/2016 15:38

Sống tốt, đời không phụ

TTH - Từ việc nhẹ đến việc nặng ai kêu gì làm đó không chút ngại ngần để kiếm vài chục ngàn sống qua ngày. Đó là câu chuyện của cụ ông Nguyễn Văn Thạch 84 tuổi trú ở 44/2 Đoàn Hữu Trưng (phường Vĩnh Ninh, TP. Huế) khiến nhiều người thương cảm.

Ông Nguyễn Văn Thạch (phải) phụ bán bánh kiếm sống trên đường Nguyễn Trường Tộ (TP. Huế) một ngày đầu tháng 11

Hình ảnh ông Thạch khắc khổ, tóc bạc trắng, hàng ngày chở mía thuê như đã quen thuộc với những người dân từ giới xe thồ, hàng rong quanh khu vực chợ Đông Ba – cầu Gia Hội hơn 20 năm qua. Cứ sáng sớm, ông đạp xe ra khu vực cầu Gia Hội để nhận hàng rồi bắt đầu hành trình rong ruổi khắp nơi trên các tuyến phố, nơi nào cần nơi đó có ông. “Đạp cả ngày đuối sức, mệt lắm các anh ơi”, ông mở đầu câu chuyện. phút nghỉ ngơi dưới gốc cổ thụ bên chân cầu Gia Hội, ông ứa nước mắt khi kể lại câu chuyện éo le về gia cảnh mình. Nhà nghèo, đến năm 8 tuổi mồ cô mẹ. Tuổi thơ ông gắn liền với những tháng ngày khổ cực, từ một cậu bé đi ở đợ, lớn lên chút nữa ông đi làm bồi bàn, phụ bếp cho những ông quan thời bấy giờ để nuôi sống mình.

Năm 25 tuổi, ông gặp người phụ nữ có cùng cảnh ngộ Hoàng Thị Thương. Cảm thông số phận, tình thương đã vun vén cho họ nên duyên chồng vợ. 7 người con lần lượt ra đời trong hoàn cảnh thiếu thốn. Thương con, hai vợ chồng ngày đêm làm việc cật lực với ước mong lo được miếng cơm, manh áo cho bầy trẻ. Thế nhưng cái nghèo cứ níu lấy gia đình ông. “Nhà nghèo, mấy đứa chỉ học cấp một rồi đứt đoạn, hai thằng đi rừng gặp nạn chết, đứa còn sống thì đã lập gia đình nhưng gia cảnh khốn khó, phải bán hàng rong, đạp xích lô kiếm sống qua ngày”, ông Thạch buồn rầu.

Ông từng làm nghề buôn heo. Ông kể: “20 năm theo nghề buôn heo có đồng vào, đồng ra. Sau này không theo nổi nên chuyển qua đạp xe thồ để kiếm sống”. Và nghiệp xe thồ gắn với ông từ đó đến nay.

Chị Nguyễn Thị Huệ (đại lý kinh doanh mía chân cầu Gia Hội) là người thường xuyên thuê ông Thạch chở mía bỏ hàng cho các điểm giải khát khắp thành phố hơn 10 năm qua. Theo chị Huệ, lúc còn khỏe một ngày ông chở vài chục chuyến, nhưng giờ yếu nên xin chở vài ba chuyến để kiếm tiền sống qua ngày. “Ở đây ai cũng biết ông, thương ông lắm. Nhiều khi họ trả công xong còn cho ông thêm tiền, có miếng chi ngon họ cũng để cho ông”, chị Huệ kể.

mùa mưa, công việc chở mía ế ẩm, ông tranh thủ làm thêm ở quán bánh rán trên đường Nguyễn Trường Tộ. Hỏi ra mới biết, chủ quán từng là người thuê ông chở mía. Thương tuổi già, hoàn cảnh khó khăn nên kêu ông về làm và trả ông vài chục ngàn đồng/ngày. nhiều người biết hoàn cảnh ông nên thường hay ghé hỏi han, biếu ít tiền hay đùm quà như tiếp thêm nghị lực.

Công việc phụ bán bánh kết thúc khá muộn, thường sau 8h tối ông mới lọ mọ về đến nhà. Từ ngày vợ mất cách đây hơn 4 tháng vì tai biến, cuộc sống của ông như trầm lại. Trong căn nhà cấp 4 xập xệ không có vật dụng gì giá trị ngoài chiếc giường, vài cái nồi và máy quạt cũ kĩ… giờ chỉ có ông và người con trai thứ 5 Nguyễn Văn Quang làm nghề đạp xích lô tá túc. Ăn vội miếng cơm, ông lại tranh thủ kiểm tra chiếc xe đạp cho hành trình ngày mai bắt đầu từ sáng sớm. “Tui chừ già rồi, cầu mong có sức khỏe để kiếm sống qua ngày, tự lo cho chính mình. Phần cũng tích góp để sau này nhắm mắt xuôi tay không trở thành gánh nặng cho con cái. Sống mấy chục năm giữa đời, thấy nợ lớn nhất là món nợ ân tình với nhau, chỉ cần sống tốt với đời thì đời không phụ mô”, ông cười vô tư.

PHAN THÀNH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thăm và tặng quà cho các gia đình chiến sĩ Điện Biên

Nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 – 7/5/2024), ngày 24/4, UVTV Tỉnh uỷ, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP. Huế Phan Thiên Định cùng lãnh đạo thành phố đã đến thăm và tặng quà cho các gia đình chiến sĩ, thanh niên xung phong trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ.

Thăm và tặng quà cho các gia đình chiến sĩ Điện Biên
Return to top