ClockThứ Ba, 04/05/2021 08:17

Sử dụng hồ sơ sức khỏe điện tử: Cần sự tương tác hai chiều

TTH - Không lâu nữa, khi Bộ Y tế mở rộng triển khai sử dụng hồ sơ sức khỏe điện tử và đặt lịch khám chữa bệnh trực tuyến. Trên nền tảng công nghệ số, tất cả đều được cập nhật và lưu trữ điện tử.

Bộ Y tế hướng dẫn theo dõi sức khỏe người dân đến từ vùng dịch COVID-19100% người dân có mã số hồ sơ sức khỏe điện tử cuối tháng 10/2019

Nhân viên Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh theo dõi các số liệu tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 được cơ sở cập nhật trên hệ thống

“Khỏe lắm tề”

Ông Ngô Thiên (phường Trường An, TP. Huế) nói như vậy với anh con trai, chắc như đinh đóng cột sau khi đọc được bài báo viết về lợi ích từ ứng dụng công nghệ số để lập hồ sơ sức khỏe điện tử của ngành y tế. 65 tuổi, chưa quá “tuổi cao sức yếu” nhưng ông Thiên đã có lịch trình ra vào bệnh viện thường niên gần 10 năm nay do “tổ hợp” bệnh: sỏi thận, suy tụy, gút, khớp. Hồ sơ vào – ra viện, kết quả chẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm, siêu âm, đơn thuốc… có thể tính bằng ký lô. 

“Khỏe lắm tề. Nếu có mã số hồ sơ sức khỏe điện tử, mình đến bệnh viện không cần mang theo giấy tờ chi hết họ cũng biết được bệnh sử của mình. Thông tin chi cũng có trên mạng, mình chỉ cần đọc tên, mã số là bệnh viện tra ra ngay”, ông Thiên khoe với anh con trai những thuận tiện của hồ sơ sức khỏe điện tử mà ông hiểu. Ông nghĩ đến ngày mình cũng có được một cái mã số như thế thì tiện lợi biết bao. Vợ ông không còn phải gói gói xếp xếp giấy tờ của ông mỗi lần ra viện, rồi lại lục tìm những lúc ông vào viện và nhất là đỡ phiền đến các con phải nghỉ làm thay cha xếp hàng đợi khám… 

Nhưng để được “khỏe re” như thế ông Thiên phải nhờ đến công cụ không thể thiếu là điện thoại thông minh để “mở” sổ sức khỏe điện tử. Thông qua “cổng” sổ sức khỏe điện tử trên điện thoại thông minh, mỗi người dân có thể cập nhật và theo dõi được tình hình tiêm chủng của bản thân, cũng như đăng ký khám bệnh tại cơ sở y tế, đăng ký dịch vụ khám, đăng ký dịch vụ… Nghe anh con trai giải thích những điều kiện trên, ông Thiên có phần lo lắng nhưng không “bài” điện thoại thông minh một cách quyết liệt như trước. Hiểu ý cha, anh con trai động viên: “Ba đừng lo, ba không rành “lướt” điện thoại thì đã có tụi con. Miễn là mình có máy và sử dụng ứng dụng đó là được”.

Để lợi càng lợi hơn

Triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử toàn dân là một nội dung quan trọng không thể thiếu trong đề án Hệ sinh thái y tế thông minh mà ngành y tế Thừa Thiên Huế đang tập trung thực hiện từ nay đến năm 2025. Trước đó, từ tháng 5/2018, Sở Y tế thí điểm việc tạo lập và quản lý hồ sơ sức khoẻ điện tử toàn dân ở 4 trung tâm y tế tuyến huyện và 54 trạm y tế cấp xã. Đến nay, sở đã triển khai nhân rộng cho 100% trạm y tế và cả 9 trung tâm y tế trong tỉnh. Nhờ đó, hơn 95% người dân có mã số hồ sơ điện tử.

Đẩy mạnh chuyển đổi số, năm 2021, Thừa Thiên Huế là địa phương đầu tiên trong cả nước thực hiện nâng cấp thành công hệ thống mới và tích hợp đồng bộ các tính năng, như: người dân cài app để đăng ký và quản lý thông tin của mình; tích hợp và kết nối liên thông dữ liệu trên dịch vụ đô thị thông minh của tỉnh (ứng dụng Hue-S); xác nhận tiêm và phản ứng sau tiêm vắc xin COVID-19; đăng ký lịch khám; tư vấn chăm sóc, khám chữa bệnh từ xa; cung cấp kiến thức phòng bệnh, khám bệnh, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe người dân; các thông tin về cơ sở y tế, bác sĩ, nhà thuốc, quầy thuốc... Đây cũng là giải pháp công nghệ cung cấp dịch vụ y tế thông minh đầu tiên về chăm sóc sức khỏe và phòng bệnh thông minh.

Giới thiệu rất nhiều điểm ưu việt của hồ sơ sức khỏe điện tử, nhưng bài toán trăn trở chung của không riêng tỉnh Thừa Thiên Huế là vẫn còn một bộ phận không nhỏ người dân chưa chủ động đồng bộ. “Giải pháp công nghệ này rất hay, nhưng để cái hay đó trở nên ngày càng hữu ích thì điều quan trọng nhất là người dân phải sử dụng điện thoại thông minh, sử dụng dịch vụ và chủ động có sự tương tác hai chiều cùng ngành y tế”, ông Nguyễn Đào, Phó Trưởng phòng Kế hoạch Tài chính, Sở Y tế nói.

Bài, ảnh: ĐỒNG VĂN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Học Bác về bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe Nhân dân

Đảng, Nhà nước hết sức quan tâm đến công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân, coi nghề y là nghề đặc biệt. Đây là vấn đề mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm đề cập. Tư tưởng đó phản ánh chiều sâu nhân văn của chế độ XHCN, dễ hiểu, dễ làm theo.

Học Bác về bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe Nhân dân
WHO: Hơn 1 tỷ người trên thế giới đang bị béo phì

Theo ước tính cập nhật của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và một nhóm các nhà nghiên cứu quốc tế, hơn 1 tỷ người trên toàn cầu - tương đương với 1/8 tổng dân số thế giới, hiện được coi là béo phì - một tình trạng liên quan đến nguy cơ gia tăng nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.

WHO Hơn 1 tỷ người trên thế giới đang bị béo phì
Sắm Tết online

Giáp Tết là thời gian mọi người bận rộn, tất bật, vừa vì công việc cuối năm, vừa lo dọn dẹp, mua sắm. Năm nay, tôi nhàn nhã hơn nhờ mua sắm online thay vì phải lặn lội, lỉnh kỉnh mua sắm ở chợ, siêu thị.

Sắm Tết online

TIN MỚI

Return to top