ClockThứ Sáu, 13/10/2017 11:36

Sứ giả của tình hữu nghị

TTH - Tọa đàm "Vai trò của cựu lưu học sinh Lào đối với phát triển quan hệ hữu nghị, hợp tác đặc biệt Việt- Lào" do Hội hữu nghị Việt – Lào tỉnh tổ chức ngày 12/10 là một trong những hoạt động ý nghĩa chào mừng 55 năm Đoàn kết hữu nghị Việt Nam - Lào, 40 năm ký kết Hiệp ước hữu nghị và hợp tác Việt Nam – Lào, kỷ niệm 15 năm hợp tác đào tạo của Thừa Thiên Huế với các tỉnh Nam và Trung Lào.

Ông Nguyễn Thái Sơn, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phát biểu tại buổi tọa đàm

Đến dự có các ông Nguyễn Thái Sơn, UVTV Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; ông Khamsene Phommaseng, Tổng lãnh sự nước Cộng hòa dân chủ nhân dân (CHDCND) Lào tại Đà Nẵng.

Thừa Thiên Huế là một trong 10 địa phương của cả nước có chung đường biên giới với nước CHDCND Lào. Phát huy truyền thống cách mạng và những tình cảm tốt đẹp giữa hai nước, mối quan hệ hữu nghị đặc biệt giữa Thừa Thiên Huế và các địa phương của Lào phát triển lên tầm cao mới. Từ năm 2002 đến nay, bình quân mỗi năm, Thừa Thiên Huế tiếp nhận 80-100 sinh viên Lào tham gia các ngành y dược, nông lâm, khoa học, sư phạm... 5 năm gần đây, Thừa Thiên Huế đào tạo cho đất nước bạn 1 tiến sĩ, 24 thạc sĩ, 263 kỹ sư và có hàng chục sinh viên dự bị. Riêng Trường cao đẳng Sư phạm Huế đã nhận đào tạo hơn 450 lưu học sinh Lào học tiếng Việt.

“Tôi đến Huế vào năm 2002, học tại Trường đại học Y Dược Huế chuyên ngành bác sĩ đa khoa. Lúc đầu không biết tiếng Việt, nhờ bạn bè cùng lớp, thầy cô giúp đỡ nên 3 tháng sau đã nói và viết được. Nhờ bạn học giới thiệu mà tôi cũng quen với ẩm thực Huế. Khi về Lào, thỉnh thoảng tôi lại nhớ những món ăn ở Huế như bún bò, bún hến, bún mắm nêm” -  chị Phaophon Phommachanh, công tác tại Trường cao đẳng Y tế tỉnh Champasak, nhớ lại.

Tại buổi tọa đàm, các cựu lưu học sinh Lào tiêu biểu và đại biểu đến từ 7 tỉnh Trung và Nam Lào bao gồm: Viêng Chăn, Attapu, Sekong, Salavan, Savannakhet, Champasak, Khamuon đều có chung một cảm nhận, đó là người Huế rất tốt, rất nồng hậu. Ông Insisengmay Madony, công tác tại Sở Ngoại vụ Viêng Chăn, cho biết, từng học chuyên ngành quản trị kinh doanh thương mại tại Trường đại học Kinh tế Huế từ năm 2007. "Hiện nay,  đang công tác ở Sở Ngoại vụ Viêng Chăn, phụ trách mảng hợp tác Lào – Việt nên tôi sẽ cố hết sức mình vun đắp tình hữu nghị đặc biệt giữa hai nước. Tôi xem đó như là lời  cám ơn những người Huế nói riêng và người Việt Nam nói chung đã giúp đỡ chúng tôi trong nhiều lĩnh vực”.

Quang cảnh buổi tọa đàm

Đại tá Nguyễn Văn Hiền, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Chủ tịch Hội hữu nghị Việt – Lào tỉnh cho biết thêm: “Sau khi trở về nước, các lưu học sinh Lào đã giữ những vị trí quan trọng trong các ngành, các cấp của các tỉnh, thành bạn. Họ chính cầu nối nuôi dưỡng tình cảm hai dân tộc, là lực lượng quan trọng truyền tiếp cho thế hệ mai sau về tình cảm đặc biệt Việt-Lào. Có thể nói, họ - những người từng gắn bó với đất nước và con người Việt Nam sẽ là những sứ giả của tình hữu nghị Việt – Lào, góp phần thiết thực vào việc củng cố và tăng cường mối quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác toàn diện giữa Nhân dân hai nước Việt Nam và Lào" .

Bài, ảnh: Hào Vũ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hợp tác vì sự phát triển và thịnh vượng

Mối quan hệ hữu nghị truyền thống đặc biệt giữa Thừa Thiên Huế với các địa phương của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào tiếp tục được tăng cường và phát triển tốt đẹp, ngày càng gắn bó, tin cậy, hiệu quả và thiết thực.

Hợp tác vì sự phát triển và thịnh vượng
Một cuộc đời ngừng lại, nhiều sự sống thắp lên

Chiều 8/4, tại Hà Nội, Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia (TTĐPGTQG) tổ chức họp báo thông tin “Điều phối đa tạng của bệnh nhân chết não từ bệnh viện tuyến tỉnh”. Đây là trường hợp mà 3 tạng hiến (tim, gan, thận) được ghép cho 3 bệnh nhân tại Huế ngày 2/4.

Một cuộc đời ngừng lại, nhiều sự sống thắp lên
Return to top