ClockThứ Năm, 18/08/2016 14:23

Sự thật về khoản tiền hoàn thuế hơn 13.000 tỷ đồng của Formosa?

Việc Công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (Formosa), doanh nghiệp gây ra thảm họa môi trường ở miền Trung hồi tháng 4, đã được hoàn thuế hơn 13.000 tỉ đồng đang thu hút sự chú ý của dư luận.

Hậu quả Formosa đang để lại là những bãi biển vắng hoe. 

Theo Công văn 3475/TCT-KK ngày 4.8.2016 của Tổng cục Thuế, từ tháng 4.2014 đến tháng 5.2016, Cục Thuế Hà Tĩnh đã hoàn tổng cộng 13.483 tỉ đồng thuế giá trị gia tăng (GTGT) cho Formosa. Việc này hợp pháp vì theo Thông tư 205/2009/TT-BTC, đối với các máy móc, thiết bị... trong nước chưa sản xuất được thì doanh nghiệp sẽ được hoàn thuế GTGT hàng nhập khẩu.  

Tuy nhiên, có một số khe hở từ các quy định của Việt Nam đã bị Formosa lợi dụng triệt để.

Thứ nhất, nếu Formosa giữ công nghệ xử lý cốc khô như ban đầu thì việc hoàn thuế GTGT để khuyến khích nhập khẩu công nghệ thân thiện với môi trường là điều nên làm. Tuy nhiên, khi Formosa tự tiện đổi sang công nghệ xử lý cốc ướt, với nguy cơ gây ô nhiễm rất cao, thì chẳng nhẽ Chính phủ vẫn phải hoàn thuế cho công nghệ lạc hậu, chỉ vì công nghệ lạc hậu này trong nước chưa sản xuất được?!

Rõ ràng quy định của Việt Nam hiện nay quá lỏng lẻo khi việc hoàn thuế chỉ dựa vào năng lực sản xuất trong nước (vốn rất yếu) chứ không dựa vào trình độ công nghệ, do vậy vô hình trung mở đường cho công nghệ thải ngang nhiên vào Việt Nam.

Thứ hai, lấy lý do bị tổn thất vì “sự kiện 14.5.2014”, Formosa khai vống số thiệt hại, lấy đó làm đòn bẩy để gây sức ép. Cụ thể là Formosa khai báo tổng thiệt hại lên tới 5.533 tỉ đồng, cao gấp 75 lần so với kết quả đánh giá thiệt hại của cơ quan bảo hiểm và cơ quan chức năng Hà Tĩnh.

Tại sao mức thiệt hại do Formosa ước lượng lại cao ngất ngưởng như vậy?

Lý do là công ty này tính cả các “thiệt hại trong tương lai”. Về mặt kinh tế, cách tính này hoàn toàn có lý. Song vô lý là ở chỗ khi Formosa trở thành thủ phạm thì họ lại không chấp nhận nguyên tắc do chính họ sử dụng, không đếm xỉa tới những thiệt hại gián tiếp và trong tương lai của người dân, doanh nghiệp, và môi trường mà họ đã làm tổn thương.

Đến nay Chính phủ chưa hề có một công bố chính thức nào về ước lượng tổng thiệt hại do Formosa gây ra, song nếu tính đúng, tính đủ những thiệt hại kể cả hiện tại và tương lai, cả trực tiếp và gián tiếp, chắc chắn con số thiệt hại sẽ lớn hơn rất nhiều lần so với 500 triệu đô la Mỹ mà Formosa cam kết bồi thường.

Thứ ba, là trong hồ sơ nộp cho Cục Thuế và Hải quan Hà Tĩnh để nhận hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn do “sự kiện 14.5.2014”, Formosa đã kê khai sai, lập hợp đồng xây dựng bổ sung không đúng quy định, kê khai bổ sung khấu trừ và hoàn thuế GTGT của 19.497 hóa đơn, chứng từ, với tổng số tiền khai man lên tới hơn 1.730 tỉ đồng!

Thứ tư, lợi dụng tư cách “nạn nhân”, công ty này đã đòi miễn giảm, miễn phạt và hoàn lại số tiền phạt cho cả những vi phạm xảy ra trước “sự kiện 14.5”?! Tổng số tiền Formosa trục lợi từ hành vi này lên tới 281 tỉ đồng!

Khi cấp giấy phép đầu tư cho Formosa, chính quyền Hà Tĩnh kỳ vọng dự án này sẽ làm thay đổi hoàn toàn diện mạo của tỉnh, sẽ đem tới thay đổi cơ bản về cơ cấu kinh tế và lao động cho tỉnh. Tất cả những điều này đều đang xảy ra, chỉ có điều theo chiều ngược lại. Những bãi biển vắng hoe, ngư dân không thể bám biển, sống vất vưởng, còn diện mạo và môi trường kinh doanh - đầu tư của Hà Tĩnh thì xấu hơn bao giờ hết.

Khi cấp giấy phép đầu tư cho Formosa, chính quyền cũng nuôi hy vọng là dự án này sẽ trở thành động lực đột phá cho cả vùng Bắc Trung bộ. Giờ đây, người dân từ Nghệ An cho đến Huế chưa thấy quả ngọt đâu mà chỉ thấy trái đắng do vụ thảm sát môi trường mà Formosa gây ra. Không những thế, với 53 sai phạm lớn nhỏ, với chất thải rải khắp nơi, từ công viên cho tới trang trại hay rừng dự án, thậm chí vượt hơn 500 cây số ra tận Phú Thọ, Formosa đang trở thành một của nợ không ai muốn bị liên lụy. 

Chính phủ đã có chủ trương không thu hút đầu tư FDI bằng mọi giá. Chính phủ cũng không nên giữ chân FDI bẩn bằng mọi giá, nhất là khi cái giá phải trả là sinh kế của hàng vạn con người và sự tồn vong của hàng vạn héc ta hệ sinh thái ven biển.

Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thái Lan triển khai chương trình bảo hiểm mới cho du khách nước ngoài

Theo nội dung của chiến dịch mới của chính phủ Thái Lan nhằm đảm bảo an toàn cho khách du lịch nước ngoài khi họ đến nước này du lịch, du khách sẽ nhận được bảo hiểm y tế lên đến 500.000 Bath (hơn 13.800 USD) nếu xảy ra tai nạn ở Thái Lan và được bồi thường lên tới 1 triệu Bath (hơn 27.700 USD) trong trường hợp tử vong.

Thái Lan triển khai chương trình bảo hiểm mới cho du khách nước ngoài
Xử phạt doanh nghiệp gây ô nhiễm tại KCN Phú Bài

Ngày 9/12, UBND tỉnh ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH MTV đầu tư & phát triển hạ tầng Khu Công nghiệp (KCN Phú Bài - TX. Hương Thủy) do vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Xử phạt doanh nghiệp gây ô nhiễm tại KCN Phú Bài
Hệ lụy của thời trang nhanh

Thuật ngữ “thời trang nhanh” hay thời trang “mì ăn liền” dùng để chỉ những loại hàng may mặc giá rẻ, sản xuất hàng loạt và nhanh chóng để bắt kịp các xu hướng thời trang mới nhất. Ngày càng có nhiều bạn trẻ sử dụng thời trang nhanh đã gây nên một sức ép lớn đến tình trạng ô nhiễm môi trường.

Hệ lụy của thời trang nhanh
Sạch sẽ, gọn gàng, chợ sẽ có sức hút

Tuyên truyền vận động là cần thiết và đương nhiên. Tuy nhiên, nếu không kết hợp với chế tài thích đáng, nghiêm túc thì có lẽ vấn nạn rác thải nơi các ngôi chợ sẽ... “muôn đời vẫn thế”.

Sạch sẽ, gọn gàng, chợ sẽ có sức hút
Return to top