ClockThứ Sáu, 06/05/2022 14:29

Sự tri ân và trách nhiệm mặc định

“Tác phẩm” khó coi từ những bữa ăn uống của kíp thợ làm lăng mộ ở một nghĩa trang của xã Phong Hiền

Mấy ngày nghỉ lễ vừa rồi, anh em tôi sắp xếp về quê viếng mộ Tổ tiên. Trước đây, đời sống khó khăn, tuyệt đại đa số các phần mộ ở quê tôi đều chỉ được un nấm bình dị bằng đất, bằng cát. Những ngôi mộ cao đời, hay của những gia đình có điều kiện hơn thì có thêm phần uynh thành, cũng đơn sơ đất cát và đắp cỏ ở bề mặt để tránh bị tàn tạ, mất dấu bởi gió mưa tháng ngày. Sau này, kinh tế dễ chịu hơn, số mộ phần được dựng bia để tránh thất lạc, rồi tiếp nữa là được xây cất, cứng hóa bằng bờ lô, gạch đá, ngày mỗi nhiều hơn.

Việc ngày càng nhiều gia đình biết tưởng nhớ, chăm lo cho phần mộ của tiền nhân cũng đồng thời tạo công ăn việc làm, tăng phần thu nhập cho đội ngũ thợ xây, thợ kép ở các khu nghĩa trang. Để ý thấy, nếu kíp thợ nào làm ăn uy tín, dễ thương chút, thì không bao giờ lo thiếu việc, thậm chí có khi không đủ sức, không đủ thời gian, nhân lực để mà làm.

Cũng là thợ xây, nhưng thợ xây “tác nghiệp” ở nghĩa trang có vẻ thường được ưu ái, cưng chiều hơn. Đơn giản là bởi ai cũng nghĩ lo việc “trên đầu trên cổ”, việc tâm linh nên hiếm khi mặc cả kỳ kèo công cán, giá cả nguyên vật liệu. Lại còn phải nịnh nịnh, chiều chuộng thêm chút để thợ thầy vui vẻ, họ gia thêm nhiệt tâm cho phần mộ của gia tiên mình được thêm phần ấm cúng, đẹp đẽ. Hơn nữa, thợ xây lăng mộ ở các nghĩa trang đa phần có tính cát cứ, ở rú nào làm rú đó, thợ vùng khác đừng có mà xâm phạm và các gia đình cũng rất “kiêng” gọi thợ vùng khác đến nhằm tránh những hệ lụy rất không hay cho lăng mộ của nhà mình. Sau này, cái “lệ” này được xóa bỏ, nhưng quán tính của nó thì xem chừng vẫn âm ỉ, dằng dai chưa biết đến bao giờ.

Chính những lý do trên khiến các chủ “thầu”, các tốp thợ cứ như chủ nhân ông nơi các khu nghĩa trang, bởi thông thường hàng ngày đâu có ai ngoài họ với những nấm mồ câm lặng. Chả ai giám sát coi sóc, chả ai la ai mắng, nên việc vận chuyển vật liệu, đào đất lấp cát… cứ gọi là lung tung xèng, bất chấp có ảnh hưởng, xâm hại mộ phần bá tánh hay chăng. Điều ấy rất làm phiền lòng nhiều gia đình, nhưng do không bắt tận tay day tận trán, đành phải lặng lẽ tự mình khắc phục lấy chứ biết kêu vào đâu? Gia đình tôi cũng từng là nạn nhân của một vụ mộ phần bị xâm hại, phải kêu cầu và nhờ chính quyền can thiệp, thế nhưng hơn cả năm trời câu chuyện mới tạm đi đến hồi kết (!).

Đó là chuyện lớn, bên cạnh còn chuyện nữa tưởng tuế toái nhưng không kém phần nguy hại, đó là nạn xả rác bừa bãi. Người đi viếng mộ xả một phần, các kíp thợ nhận thi công lăng mộ “xả phối hợp” thêm một phần lớn nữa. Nào là xà bần do các lăng mộ cũ phá đi xây lại, nào bạt che bị hỏng rách, nào vỏ bao xi măng… Nhếch nhác nhất là các loại bao ni lông, hộp xốp, ly chén sử dụng 1 lần, vỏ bánh trái… được xả ra từ các lễ cúng tạ; chiêu đãi giữa tiến độ, hay bồi dưỡng bữa lỡ cho thợ thầy… Tất cả khiến cho đây đó ở nghĩa trang trở nên mất vệ sinh, thấy rất phản cảm bởi sự xúc phạm và báng bổ linh hồn những người quá cố.

Xây dựng, ăn uống xong, gom rác về một chỗ mà chôn lấp hoặc đốt hủy chẳng lẽ là điều quá khó? (cho dù việc đốt hủy các loại bao bì ni lông cũng làm tổn hại môi trường, nhưng ít ra cũng đỡ gây ô nhiễm và phản cảm nếu cứ tự nhiên cho chúng tích tụ tràn lan ở khu nghĩa trang). Các gia đình khi đi viếng mộ cũng nên có ý thức giữ gìn vệ sinh chung, các loại rác thải khó/không phân hủy nên có giải pháp để mang đi, đưa vào điểm thu gom công cộng để xử lý. Phải ý thức rằng, nơi an nghỉ của các bậc tiền nhân, của các vị thân bằng quyến thuộc đã quá vãng là chốn tôn nghiêm, cần được giữ gìn và tôn trọng. Với những người thợ, hành vi đó là sự tri ân đối với những người mà nhờ họ mình mới có công ăn việc làm ổn định, có thu nhập. Tôn kính tất sẽ được phù trì, nếu nói ở góc độ tâm linh. Còn đối với các gia đình, việc giữ gìn vệ sinh chung cho khu nghĩa trang phải được xem là trách nhiệm mặc định và vô điều kiện. Mỗi người nên có ý thức tự giác như thế, chứ không nên có tâm lý chờ vào chính quyền. Bởi, với một hệ thống nghĩa trang của các làng xã đã tồn tại lâu đời, tự phát và rộng khắp như thế, sẽ không một chính quyền nào có thể có đủ nhân lực để ngày nào cũng đi kiểm tra, nhắc nhở và xử lý xuể.

Bài, ảnh: Thượng Bích

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phú Lộc: Dâng hương tri ân các Anh hùng liệt sĩ

Sáng 22/3, Huyện ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Phú Lộc tổ chức lễ viếng, dâng hương tri ân Anh hùng liệt sĩ nhân kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng quê hương Phú Lộc (24/3/1975 - 24/3/2024), kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng quê hương Thừa Thiên Huế (26/3/1975 - 26/3/2024), hướng đến kỷ niệm 49 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024).

Phú Lộc Dâng hương tri ân các Anh hùng liệt sĩ
Trách nhiệm vì cộng đồng

Tuổi trẻ công an toàn tỉnh đã có những hành động, việc làm ý nghĩa hướng về cộng đồng.

Trách nhiệm vì cộng đồng
Tri ân, tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ Gạc Ma

Ngày 14/3, tròn 36 năm sự kiện Gạc Ma (14/3/1988), tại Khu tưởng niệm các chiến sĩ Gạc Ma (xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa), Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân tổ chức dâng hương tưởng nhớ các Anh hùng liệt sĩ đã anh dũng hy sinh trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Tri ân, tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ Gạc Ma
Tết thầy

Với truyền thống “tôn sư trọng đạo”, “Mùng 3 Tết thầy” đã trở thành một phong tục đẹp vào dịp Tết cổ truyền, được các thế hệ học trò gìn giữ cho đến ngày nay.

Tết thầy
Lan tỏa tinh thần, trách nhiệm tuổi trẻ

Tuổi trẻ bộ đội biên phòng (BĐBP) tỉnh trên hai tuyến biên giới phát huy vai trò xung kích, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, tích cực tham gia có hiệu quả thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), củng cố quốc phòng - an ninh ở khu vực biên giới, góp phần quan trọng xây dựng biên giới giàu đẹp.

Lan tỏa tinh thần, trách nhiệm tuổi trẻ

TIN MỚI

Return to top