ClockThứ Sáu, 21/10/2016 14:14

Sửa đổi Bộ luật hình sự đáp ứng yêu cầu phòng, chống tội phạm

Tiếp tục chương làm việc Kỳ họp thứ hai, sáng 21/10, các đại biểu Quốc hội làm việc tại hội trường nghe Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13.

Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự năm 2015 góp phần đáp ứng yêu cầu của thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm. 

Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự, do Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trình bày trước Quốc hội nêu rõ: Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13 được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 27/11/2015, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/07/2016.

Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long phát biểu ý kiến

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết số 109/2015/QH13 của Quốc hội về việc thi hành Bộ luật này, các cơ quan hữu quan đã phát hiện và phản ánh về một số sai sót kỹ thuật, một số quy định chưa hợp lý hoặc khó áp dụng trong Bộ luật.

Ngày 29/6/2016, Quốc hội khóa XIII ban hành Nghị quyết số 144/2016/QH13 về việc lùi hiệu lực thi hành của Bộ luật hình sự năm 2015 cùng với 03 luật khác có liên quan; đồng thời, bổ sung dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự năm 2015 vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016 để trình Quốc hội khóa XIV tại kỳ họp thứ hai. 

Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết quan điểm sửa đổi, bổ sung lần này là sửa đổi, bổ sung ở mức tối đa những quy định của Bộ luật hình sự năm 2015 có lỗi kỹ thuật đã được phát hiện và những nội dung rõ ràng là chưa hợp lý hoặc có thể khó áp dụng trên thực tế liên quan đến một số chính sách cụ thể được thể hiện trong một số điều luật của Bộ luật hình sự năm 2015 nhằm bảo đảm tính đồng bộ, nhất quán, logic trong các quy định của Bộ luật hình sự, góp phần bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật cũng như bảo đảm các quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. 

Không làm thay đổi những chính sách lớn của Bộ luật hình sự đã được Quốc hội khóa XIII thông qua và không đặt ra vấn đề mới dẫn đến việc phải sửa đổi, bổ sung các luật khác đang được lùi hiệu lực thi hành cùng Bộ luật hình sự năm 2015. Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự năm 2015 cần phải tiếp tục góp phần đáp ứng yêu cầu của thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm. 

Phạm vi sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự năm 2015 lần này liên quan đến 141 điều của Bộ luật, gồm 18 điều thuộc Phần Những quy định chung và 123 điều thuộc Phần Các tội phạm, trong đó có 38 điều sửa đổi về kỹ thuật, 102 điều sửa đổi về nội dung quy định trong điều luật và bãi bỏ 01 điều. 

Sửa đổi, bổ sung tối đa các sai sót đã được phát hiện 

Thẩm tra dự án Bộ luật, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đánh giá tuy thời gian ngắn nhưng hồ sơ dự án Luật đã được Chính phủ chuẩn bị khẩn trương, nghiêm túc, có báo cáo đánh giá tác động, bản thuyết minh chi tiết, tổng hợp ý kiến các bộ, ngành có liên quan…

Về cơ bản, hồ sơ dự án Luật đáp ứng yêu cầu của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật và đủ điều kiện trình Quốc hội. Ủy ban Tư pháp tán thành với sự cần thiết phải ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự năm 2015 và quan điểm của Chính phủ là: sửa đổi, bổ sung tối đa các sai sót đã được phát hiện; không làm thay đổi các chính sách lớn của Bộ luật hình sự đã được Quốc hội thông qua; bảo đảm góp phần đáp ứng yêu cầu thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Đồng thời, trong một chừng mực nhất định, đề nghị Quốc hội cho phép có một vài quy định chưa thể cụ thể hóa hết được mà vẫn phải có văn bản quy định chi tiết của Chính phủ hoặc nghị quyết hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật và án lệ của Hội đồng thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao. Ủy ban Tư pháp nhấn mạnh việc sửa đổi phải trên cơ sở rà soát, phát hiện hết các sai sót trong Bộ luật hình sự năm 2015. 

Về thời gian trình Quốc hội xem xét thông qua dự án Bộ luật, đa số ý kiến trong Ủy ban Tư pháp đề nghị Quốc hội cho phép thông qua dự án Luật tại 02 kỳ họp (tại Kỳ họp thứ hai Quốc hội cho ý kiến và tại Kỳ họp thứ ba thông qua) do dự án Luật bao gồm rất nhiều vấn đề liên quan đến sửa đổi, bổ sung 141 điều do Chính phủ trình.

Dự án Luật vẫn còn rất nhiều nội dung liên quan đến định lượng chi tiết thuộc chuyên ngành sâu chưa thống nhất được giữa các bộ, ngành có liên quan như: cách tính tỷ lệ tổn thương cơ thể; định mức xả thải ra môi trường; chỉ số gây ô nhiễm môi trường; danh mục hàng cấm; số lượng và chủng loại vũ khí quân dụng; việc có hay không giám định hàm lượng chất ma túy….

Tại phiên họp thẩm tra của Ủy ban vẫn còn một số bộ, ngành có quan điểm mâu thuẫn với nhau và khác với quan điểm của Chính phủ về một số vấn đề. Đây là những vấn đề lớn, phức tạp, liên quan đến quản lý nhà nước chuyên ngành, cần phải thống nhất về quan điểm và đòi hỏi có sự nghiên cứu kỹ lưỡng, tham vấn các chuyên gia cả về lý luận và thực tiễn thì mới có phương án sửa đổi khả thi... 

Đa số ý kiến trong Ủy ban Tư pháp cơ bản tán thành với quan điểm của Chính phủ về phạm vi sửa đổi là: khắc phục những sai sót rõ ràng về mặt kỹ thuật, kết hợp xử lý những quy định chưa hợp lý hoặc có khả năng khó áp dụng trên thực tế; việc sửa đổi không làm ảnh hưởng đến những chính sách hình sự lớn đã được Quốc hội khóa XIII thông qua và không dẫn đến phải sửa đổi các đạo luật đang được lùi hiệu lực thi hành cùng với Bộ luật hình sự năm 2015.

Tuy nhiên, quan điểm của Ủy ban, việc sửa đổi lần này phải bảo đảm đã rà soát hết được các sai sót, tránh tình trạng sau khi thi hành lại phát hiện sai sót khác; đồng thời, đối với những quy định có thể dẫn đến tùy tiện trong áp dụng, thiếu nhất quán về chính sách hình sự, chưa phân hóa tội phạm, nội dung thiếu rõ ràng, mâu thuẫn với luật chuyên ngành…, cũng cần nghiên cứu để sửa đổi nhằm bảo đảm tính thống nhất của cả Bộ luật cũng như với các đạo luật khác. 

Ngay sau khi nghe Tờ trình, các đại biểu Quốc hội về tổ thảo luận dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13.

Theo Vietnam+

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Báo động gia tăng tội phạm tuổi vị thành niên

Thời gian gần đây, tại nhiều địa phương, số vụ thanh, thiếu niên phạm tội ngày càng gia tăng với tính chất và mức độ ngày càng nghiêm trọng. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do nhận thức pháp luật kém, tâm lý đám đông, công tác quản lý của gia đình chưa chặt chẽ.

Báo động gia tăng tội phạm tuổi vị thành niên
Quốc hội Việt Nam tiếp tục củng cố vị thế tại IPU-148

Theo phóng viên TTXVN tại Geneva, thực hiện chương trình hoạt động đối ngoại năm 2024 của lãnh đạo cấp cao, nhận lời mời của Chủ tịch và Tổng Thư ký Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU), Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương dẫn đầu đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam tham dự Đại hội đồng IPU lần thứ 148 (IPU-148) và các hội nghị liên quan tại Thụy Sĩ.

Quốc hội Việt Nam tiếp tục củng cố vị thế tại IPU-148
Nâng cấp mở rộng lên 4 làn xe mới đảm bảo khai thác tuyến cao tốc Cam Lộ- La Sơn

Ngày 16/3, Đoàn giám sát của Quốc hội về chuyên đề “Việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và các Nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023” do Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải làm trưởng đoàn đã đi khảo sát tình hình thực hiện dự án Đường Hồ Chí Minh đoạn Cam Lộ - La Sơn và La Sơn - Túy Loan (cao tốc đi qua Quảng Trị - Huế - Đà Nẵng).

Nâng cấp mở rộng lên 4 làn xe mới đảm bảo khai thác tuyến cao tốc Cam Lộ- La Sơn

TIN MỚI

Return to top