ClockThứ Hai, 04/04/2022 16:04

Sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn

Ngày 4/4, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Ủy ban Pháp luật Quốc hội tổ chức Hội thảo “Góp ý Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ”, thảo luận, đóng góp ý kiến chỉnh lý dự thảo để trình Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV xem xét.

Việc sửa đổi quyền sở hữu trí tuệ không xâm phạm lợi ích nhà nước, lợi ích công cộngTiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệThảo luận về dự án Luật Cảnh sát cơ động và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệXây dựng luật là cấp thiết và khắc phục được nhiều hạn chế, bất cập

Đáp ứng yêu cầu thực tiễn

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội Hoàng Thanh Tùng phát biểu tại Hội thảo.

Phát biểu tại Hội thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội Hoàng Thanh Tùng nhấn mạnh, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ là dự án luật khó, nội dung chuyên môn sâu, đòi hỏi các kiến thức liên quan đến lĩnh vực sở hữu trí tuệ, thực tiễn áp dụng và sự am hiểu về cam kết quốc tế liên quan đến sở hữu trí tuệ. Đảm bảo sau khi ban hành đưa Luật Sở hữu tiệm cận thông lệ quốc tế, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, đáp ứng yêu cầu đảm bảo quyền, lợi ích của nhân dân, của doanh nghiệp.

Việc sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ để thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo, chủ động, tích cực ứng dụng các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư thông qua việc tăng cường sử dụng và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, giúp hoạt động này ngày càng tiệm cận với thực tiễn và thông lệ tiến bộ của thế giới.

Ông Bùi Thế Duy, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng, trong bối cảnh sự phát triển mạnh mẽ của khoa học, công nghệ và quá trình toàn cầu hóa đang trở thành xu thế, đòi hỏi cần sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ cho phù hợp với tình hình thực tiễn của đất nước và các cam kết quốc tế, thông lệ quốc tế. Hiện nay, tài sản trí tuệ đóng góp lớn cho nền kinh tế các quốc gia vì vậy, cần có những quy định chặt chẽ về quyền sáng chế, bảo hộ sở hữu trí tuệ. Các quy định pháp luật cần tạo môi trường thông thoáng xác lập quyền cho các chủ thể, nhất là các chủ thể nghiên cứu nhận hỗ trợ từ ngân sách nhà nước theo hướng tạo điều kiện đăng ký, chuyển giao nhanh nhất, phân chia lợi ích đồng đều cho các bên liên quan liên quan đến sản phẩm sở hữu trí tuệ.

Sau khi tiếp thu, chỉnh lý từ các ý kiến trong Phiên họp thứ 8 Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ sẽ bổ sung, sửa đổi 103 điều của Luật Sở hữu trí tuệ. Trong đó có 12 điều chỉ sửa đổi, bổ sung về kỹ thuật, bãi bỏ một số quy định tại 5 điều; sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giá, Luật Hải quan, Luật Khoa học và Công nghệ, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công để đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

Các nội dung chính của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung tập trung vào các điều khoản liên quan quan đến quyền sở hữu trí tuệ đối với sản phẩm là kết quả của nhiệm vụ khoa học, công nghệ sử dụng nguồn ngân sách nhà nước; nhóm vấn đề liên quan đến nhóm quyền tác giả, quyền liên quan; quyền sở hữu công nghiệp; quyền với giống cây trồng.

Đặc biệt, đáp ứng các yêu cầu phát sinh trong thực tế xã hội thời gian vừa qua, dự thảo Luật bổ sung vào khoản 2, Điều 7 quy định về quyền tác giả, quyền liên quan đối với Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca với nội dung “Tổ chức, cá nhân thực hiện quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca không được ngăn chặn, cản trở việc phổ biến, sử dụng Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca".

Tại Hội thảo, các đại biểu nhất trí về tính cấp thiết của việc sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ đối với sự phát triển kinh tế của Việt Nam, đáp ứng các cam kết của Việt Nam trong các hiệp định quốc tế mà Việt Nam vừa ký kết, đặc biệt là hai hiệp định thương mại thế hệ mới là EVFTA và CPTPP.

Vai trò của quyền sở hữu trí tuệ ngày càng trở nên quan trọng bởi giá trị rất lớn mà nó mang lại trong bối cảnh cuộc Cách mạng kỹ thuật 4.0 đã thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của khoa học và công nghệ. Luật Sở hữu trí tuệ được hoàn thiện sẽ khuyến khích, tạo động lực cho sự sáng tạo, thúc đẩy những nỗ lực, cống hiến của nhiều cá nhân vào hoạt động cải tiến kỹ thuật, nghiên cứu khoa học nhằm tạo ra sản phẩm vật chất và tinh thần cho xã hội cũng như bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các chủ thể quyền sở hữu trí tuệ và ngăn chặn, chấm dứt hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Bảo đảm tính thống nhất và khả thi của Luật

Hội thảo cũng tập trung trao đổi, chia sẻ những ý kiến còn chưa đồng thuận, các vấn đề thực tiễn liên quan đến một số nội dung trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ.

Liên quan đến các điều khoản về quyền, trách nhiệm của chủ thể trung gian trên internet, ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông, Hội truyền thông số Việt Nam ý kiến, cần cụ thể hóa, chi tiết các điều khoản liên quan đến chủ thể trung gian trên internet, vì đây liên quan đến lĩnh vực công nghệ số đang phát triển mạnh mẽ cùng sự phát triển của công nghệ và quá trình toàn cầu hóa. Việc quy định chặt chẽ các điều khoản liên quan đến chủ thể trung gian trên internet góp phần bảo hộ tốt quyền, lợi ích của doanh nghiệp, người dân trong quá trình hội nhập quốc tế đang ngày càng sâu rộng.

Theo ông Nguyễn Quang Đồng, Dự thảo Luật cần phân loại rõ chi tiết và trách nhiệm đi kèm đối với từng chủ thể trung gian trên internet; trong điều kiện miễn trừ cần cụ thể hóa thêm về các khoản lệ phí, án phí trong trường hợp bị kiện ra tòa, tiền phát; quy định cụ thể hóa các trách nhiệm của chủ thể trung gian phải hợp tác, thực hiện nghĩa vụ cung cấp thông tin trong các vụ việc tranh chấp liên quan.

Ông Lê Văn Thăng, Trường Đại học Bách Khoa, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung quy định về cơ chế, tỷ lệ phân chia lợi ích đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước là rất cần thiết, giải quyết được những bất cập trong thực tiễn liên quan đến vấn đề này. Đồng thời, tạo cơ sở, động lực cho các tổ chức chủ trì thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước chủ động đăng ký xác lập quyền sở hữu trí tuệ với sản phẩm sáng chế; khai thác, chuyển giao, hợp tác thương mại hóa sản phẩm…

Về lĩnh vực liên quan đến bảo hộ sáng chế sở hữu trí tuệ giống cây trồng, ông Hoàng Lê Khang, Phó Giám đốc Trung tâm khảo, kiểm nghiệm giống và sản phẩm cây trồng Nam Bộ đánh giá, từ khi có các chế định pháp luật quy định về bảo hộ giống cây trồng đã giúp xuất hiện nhiều hơn các giống cây trồng mới, năng suất cao, sản phẩm lúa, ngô, nông sản tăng cao, phát triển thị trường chuyển nhượng giống sôi động, phong phú.

Theo ông Hoàng Lê Khang, thực tiễn tại Việt Nam cho thấy, cần sửa đổi các quy định của pháp luật hiện nay về định giá giống, cây trồng mới, bởi còn gây khó khăn, không phù hợp với thực tế, dẫn đến giá sản phẩm giống, cây trồng mới hiện nay thường thấp hơn giá trị thực tế rất nhiều. Với các sản phẩm giống, cây trồng là sản phẩm nghiên cứu từ nguồn đầu tư ngân sách nhà nước cần giao cho cơ quan nghiên cứu, sáng tạo chủ động trong hoạt động đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ, chuyển giao, thương mại hóa để đảm bảo tính kịp thời, phù hợp với yêu cầu thực tế của đặc thù trong nghiên cứu giống, cây trồng.

Tại hội thảo, các đại biểu đã trao đổi, đóng góp ý kiến sửa đổi Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ trong các vấn đề liên quan đến công tác quản lý, thực tiễn triển khai Luật Sở hữu trí tuệ trong cuộc sống nhằm hoàn thiện tính thống nhất và tính khả thi của Luật nhằm phát huy tính đổi mới sáng tạo, phát huy giá trị khởi nghiệp, đóng góp hơn nữa vào sự phát triển nền kinh tế đất nước.

Theo TTXVN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

UNESCO bổ sung 18 địa điểm mới vào Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu

Trong cuộc họp lần thứ 219 vừa được tổ chức tại Paris (Pháp), Ban điều hành của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) đã thông qua việc bổ sung 18 địa điểm mới vào Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu của UNESCO, nâng tổng số công viên địa chất toàn cầu lên 213, thuộc 48 quốc gia trên khắp thế giới.

UNESCO bổ sung 18 địa điểm mới vào Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu
Tăng kíp, phân luồng phục vụ khám bệnh sau tết

Sau kỳ nghỉ tết dài ngày, lượng người dân đến khám chữa bệnh ngày đầu năm tăng hơn thường lệ. Các bệnh viện đã chủ động xây dựng kế hoạch, bổ sung nhân lực hỗ trợ nhằm tránh tình trạng chờ đợi; thậm chí có nơi khám xuyên trưa cho bệnh nhân ngoại tỉnh…

Tăng kíp, phân luồng phục vụ khám bệnh sau tết
Bổ sung nguồn vốn kết dư, hoàn thiện hạ tầng nghề cá

Các dự án (DA) đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng nghề cá được triển khai từ nguồn vốn bồi thường của Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh, triển khai trên địa bàn tỉnh đến nay đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. UBND tỉnh đề xuất Trung ương, các bộ ngành bố trí nguồn vốn kết dư để tiếp tục đầu tư một số công trình nâng cấp hạ tầng thủy sản trên địa bàn.

Bổ sung nguồn vốn kết dư, hoàn thiện hạ tầng nghề cá
Giữ ấm cho người bệnh ngày đông

Cùng với khám chữa bệnh, các bệnh viện đã quan tâm đầu tư trang thiết bị chăm sóc, giữ ấm khi trời chuyển lạnh. Người bệnh được hưởng các tiện nghi đảm bảo sức khoẻ, nâng cao thể trạng, yên tâm điều trị… ​

Giữ ấm cho người bệnh ngày đông

TIN MỚI

Return to top