ClockThứ Bảy, 07/10/2017 05:46

“Sửa đổi lối làm việc” mãi nguyên giá trị thời sự

TTH - Cách đây 70 năm, mùa thu tháng 10/1947, khi nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa non trẻ mới ra đời được hơn 2 năm, dưới bút danh X. Y. Z, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”. Tuy “Sửa đổi lối làm việc” ra đời đã khá lâu, những đến nay vẫn còn nguyên giá trị, vẫn đang là yêu cầu cấp thiết trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay.

UVTV Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nguyễn Thái Sơn (bên trái) chúc mừng các thí sinh đoạt thành tích cao trong cuộc thi tìm hiểu chỉ thị, nghị quyết của Đảng, gắn với Chỉ thị 05 về học Bác. Ảnh: Anh Phong

Tác phẩm gồm 6 vấn đề lớn về xây dựng Đảng, mang tính lý luận, tính chỉ đạo thực tiễn sâu sắc: I. Phê bình và sửa chữa; II. Mấy điều kinh nghiệm; III. Tư cách và đạo đức cách mạng; IV. Vấn đề cán bộ; V. Cách lãnh đạo; VI. Chống thói ba hoa.

Tất cả những vấn đề, khía cạnh nêu trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” đều nhất quán theo một chủ đề sâu sắc là “xây dựng, chỉnh đốn Đảng” . Và cụm từ “chỉnh đốn Đảng” được Hồ Chí Minh dùng nhiều lần trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”.

Mở đầu tác phẩm, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Đảng ta hy sinh tranh đấu, đoàn kết, lãnh đạo Nhân dân, tranh lại thống nhất và độc lập. Công việc đã có kết quả vẻ vang”, song “một khuyết điểm rất to” của cán bộ, đảng viên là sao nhãng việc học tập và đã bắt đầu nhiễm ba thứ bệnh chủ quan, hẹp hòi và ba hoa. Người coi những thói hư, tật xấu đó là “bệnh” đạo đức.

Trong tác phẩm, Người còn nhấn mạnh tới “bệnh” chủ nghĩa cá nhân. Vì chủ nghĩa cá nhân rất độc hại, nó sinh ra các thứ bệnh rất nguy hiểm: tham lam, lười biếng, kiêu ngạo, hiếu danh, vô kỷ luật, hẹp hòi, cục bộ địa phương, óc lãnh tụ. Để chữa 8 “bệnh” này, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu: “Từ nay, chúng ta cần phải thiết thực học tập, sửa chữa các khuyết điểm. Vì có tẩy sạch các khuyết điểm, công việc mới có thể tiến bộ”.

Sửa chữa khuyết điểm, theo Bác, phương pháp tốt nhất, hiệu quả nhất là “phê bình”. Từ đó Người đề ra “Cách phê bình” cho cán bộ, đảng viên, nhằm nâng cao phẩm chất chính trị và năng lực hoạt động của cán bộ: “Mục đích phê bình cốt để giúp nhau sửa chữa, giúp nhau tiến bộ. Cốt để sửa đổi cách làm việc cho tốt hơn, đúng hơn. Cốt đoàn kết và thống nhất nội bộ. Vì vậy, phê bình mình cũng như phê bình người phải ráo riết, triệt để, thật thà, không nể nang, không thêm bớt. Phải vạch rõ cả ưu điểm, cả khuyết điểm. Đồng thời chớ dùng những lời mỉa mai, chua cay, đâm thọc. Phê bình việc làm chứ không phê bình người.”. Người yêu cầu “Phải sửa lối làm việc của Đảng”. “Sửa đổi lối làm việc” là để “mỗi cán bộ, mỗi đảng viên làm việc đúng hơn” và làm “đúng”, làm “khéo”  thì “thành tích của Đảng còn to tát hơn nữa”.

Đảng ta luôn luôn coi trọng cả đức, cả tài. Nhưng Người chỉ rõ: “Có tài phải có đức, có tài không có đức, tham ô hủ hoá có hại cho Nhà nước. Có đức không có tài, như ông Bụt ngồi trong chùa, không giúp ích gì được ai”. Đức của người cán bộ, đảng viên là đạo đức cách mạng. Người coi đạo đức cách mạng là “nền tảng”, là “cái gốc” của người cán bộ.

Bằng những chủ trương đúng đắn, cùng với sự vào cuộc quyết liệt của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, những yếu kém, khuyết điểm về đạo đức trong bộ máy của Đảng, Nhà nước, xã hội được phát hiện, chấn chỉnh kịp thời, xử lý nghiêm minh theo đúng pháp luật. Đáng chú ý, Đảng ta luôn coi trọng và thực hiện tốt quy luật tồn tại, phát triển văn hóa Đảng là “lấy dân làm gốc, vì lợi ích của Nhân dân, dựa vào Nhân dân, phát huy vai trò làm chủ, tinh thần trách nhiệm, sức sáng tạo và mọi nguồn lực của Nhân dân”.

Bước vào thời kỳ đổi mới, giữa môi sinh của nền kinh tế thị trường, “một bộ phận không nhỏ” cán bộ, đảng viên bị cám dỗ và đua đòi chạy theo lối sống tầm thường, thấp hèn của chủ nghĩa cá nhân, không ít cán bộ đã thoái hóa, gây thiệt hại nặng nề cho Đảng, Nhà nước trên nhiều mặt. Trước thực tiễn đó, Đảng ta tiếp tục có Nghị quyết về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ,  nhằm  xây dựng Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, “là đạo đức, văn minh”.

Kết quả, công tác xây dựng Đảng qua gần 30 năm đổi mới (1986-2016) đã đạt được những thành tựu nhất định, cả về nhận thức lý luận và thực tiễn. Tuy nhiên, Văn kiện Đại hội XII đã chỉ rõ: Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của không ít tổ chức Đảng còn thấp, thậm chí có nơi mất sức chiến đấu; tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống, bệnh cơ hội, giáo điều, bảo thủ, chủ nghĩa cá nhân và tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên còn diễn ra nghiêm trọng; hiện tượng xa dân, những nhu cầu, bức xúc của Nhân dân chậm được giải quyết và giải quyết chưa thật triệt để... Những hạn chế, khuyết điểm đó làm giảm lòng tin của cán bộ, đảng viên và Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ.

Trong cuộc vận động lớn "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh", chúng ta càng làm sống lại và vận dụng tốt những quan điểm, những phương pháp chỉ dẫn trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” để thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị gắn với thực hiện các Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI và XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Trong đó, phải mạnh mẽ, kiên quyết trong quản lý, rèn luyện và đổi mới tác phong, lề lối làm việc; xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên mẫu mực về phẩm chất đạo đức và lối sống; luôn đoàn kết, thống nhất và gắn bó mật thiết với Nhân dân, được Nhân dân tin yêu và kính trọng; có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ ngang tầm với yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong thời kỳ mới.

  NGUYỄN VĂN THANH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Dâng hương tưởng niệm 123 năm ngày mất thân mẫu Bác Hồ

Đại diện sở ngành và TP. Huế đã tham dự lễ dâng hương, tưởng niệm 123 năm ngày mất bà Hoàng Thị Loan (1901-2024) – thân mẫu Chủ tịch Hồ Chí Minh do Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế tổ chức vào sáng 31/1 tại Nhà bia tưởng niệm địa điểm mai táng bà Hoàng Thị Loan ở núi Bân (phường An Tây, TP. Huế).

Dâng hương tưởng niệm 123 năm ngày mất thân mẫu Bác Hồ
Return to top