ClockThứ Sáu, 04/10/2019 15:00

Sửa quần áo: “Năng nhặt chặt bị”

TTH - Sửa quần áo thường được ví là nghề “lượm bạc cắc”, nhưng “siêng nhặt chặt bị” những người thợ làm nghề này vẫn tạo cho mình được một lượng khách đều và thu nhập khá ổn định.

Không những sửa quần áo theo yêu cầu, anh Thắng còn tư vấn thêm cho khách

Cửa tiệm sửa quần áo của anh Thắng nhỏ chưa đầy 10m2 nép mình ở gốc đường Trường Chinh (TP. Huế) nhưng lúc nào cũng nhộn nhịp khách qua lại. Người thì lên gấu quần, người thì chít eo áo, người thì thay dây kéo… Không chỉ sửa chữa quần áo cũ, lượng khách mua đồ mới rồi đi sửa cũng rất đông.

Rời cửa tiệm của anh Thắng với vẻ mặt khá hài lòng, chị Yến (ở đường Hoàng Quốc Việt ) cho biết: Bây giờ chủ yếu mua đồ online qua mạng nên không thể vừa ý như đi thử trực tiếp nhưng cơ bản là mẫu mã mình thích, còn rộng, hay chật một xíu mình có thể đi sửa. Cũng chính vì thế mà tôi hay “ghé thăm” mấy tiệm sửa quần áo, mua 10 cái thì cũng có trên 5 cái đi sửa rồi.

May đồ mới đã khó, sửa đồ cho vừa ý khách còn khó hơn, cũng như nghề thợ may, nghề sửa quần áo đòi hỏi sự tỉ mỉ, kiên trì. Để cái áo, cái quần khi sửa được đẹp, làm khách hài lòng người thợ phải có kiến thức về thời trang, may mặc để tư vấn thêm cho khách hàng. Có cái chỉ sửa năm, mười phút là xong, nhưng có cái chả khác gì may lại hoàn toàn, phải mất vài ngày mới hoàn thành.

Ngoài 30 tuổi và có hơn 10 năm tuổi nghề, anh Thắng chia sẻ: Nghề này cũng chẳng khác gì làm dâu trăm họ, không những phải tỉ mỉ, cẩn thận từng đường kim, mũi chỉ, mà còn cần phải khéo léo trong giao tiếp với khách, tư vấn những cái hợp lí. Nhất là việc hẹn trả hàng ngày nào thì phải giữ uy tín, không để khách phải lui tới nhiều lần, phải làm hài lòng khách để họ còn quay lại với mình. Không những vậy khi nhận sửa những mẫu quần áo của các hãng nổi tiếng mình còn học hỏi thêm được cách may, kiểu may mới.

 

Nghề sửa áo quần đưa lại thu nhập ổn định cho nhiều người

Chị Hòa (50 tuổi), nhiều năm sửa quần áo ở chợ Xép đường Trần Quang Khải (phường Phú Hội, TP. Huế), làm việc không ngừng tay. Sửa quần áo không đơn giản là lên lai, bóp ống... mà sửa tất tần tật. Nhiều người đưa áo quần đến sửa, nếu đơn giản thì chỉ cần đi chợ xong là đồ cũng xong để mang về. Với phương châm "đẹp, rẻ và nhanh", chị Hòa luôn làm hài lòng những người đến với cửa tiệm của mình.

“Có những cái áo quần nếu nhận sửa thì tiền sửa còn đắt hơn tiền mua mà sửa lại thì đồ cũng không đẹp hơn nên tôi hay thường nói với khách đừng sửa kẻo tốn tiền. Mặc dù làm để kiếm sống, nhưng làm nghề gì cũng phải có tâm, mình kiếm được đồng tiền nhưng khách hàng cũng phải nhận lại được điều tốt nhất. Có như thế, khách đi rồi vẫn nhớ tới mình để quay lại”, chị Hòa bộc bạch.

Với những người thợ sửa quần áo, nghề này không cần thiết phải có một cửa tiệm to, khang trang mà chỉ cần tiện đường, nhất là ở các địa điểm gần chợ thì sẽ thu hút được khách; đồ nghề cũng đơn giản, chỉ cần một chiếc máy may, ít vật dụng gồm kéo, phấn, thước dây, bàn là…

Sự phát triển không ngừng của thời trang may mặc với nhiều mặt hàng, mẫu mã phong phú, đa dạng và nhu cầu mua sắm áo quần ngày càng nhiều của người dân thì không những sửa áo quần cũ mà nhu cầu sửa áo quần mới cũng tăng lên. Nhờ đó, nghề sửa quần áo vẫn được duy trì và “sống khỏe” đến ngày nay. Mặc dù tiền công sửa quần áo không cao, chỉ từ 10-20 ngàn đồng một lần sửa, nhưng đối với những người thợ sửa áo quần đã theo nghề thì xác định lấy công làm lãi.

Với anh Bi (đường Đặng Văn Ngữ), nghề sửa quần áo tuy thu nhập không cao nhưng nó cũng là công việc ổn định, giúp anh có thu nhập để nuôi hai con ăn học. Trước đây anh từng làm công nhân may tại xí nghiệp, mặc dù lương cũng khá nhưng thời gian lại gò bó, đi làm xa nhà nên anh quyết định nghỉ việc, mở tiệm sửa quần áo ngay tại nhà. Vốn khéo tay, sáng tạo nên những chiếc áo, quần anh Bi nhận sửa đều sửa rất đẹp, trả đúng hẹn, giá cả lại phải chăng, nhất là khi nhận hàng phải nói rõ giá để khách cân nhắc, nên luôn được lòng khách hàng.

“Đừng nghĩ nghề này ít vốn, dễ làm mà làm qua loa, chỉ cần một lần sửa xấu là khách sẽ “từ” mình ngay. Do đó, có sửa đơn giản hay phức tạp gì thì cũng phải tỉ mỉ từng đường kim, mũi chỉ. Ki cóp từng đồng vậy đó nhưng mỗi tháng tôi cũng thu nhập trên dưới chục triệu đồng”, anh Bi chia sẻ.

Không những làm việc luôn có tâm với nghề mà những người thợ sửa quần áo còn sẵn sàng “bảo hành” sản phẩm của mình, khách không vừa ý chi tiết nào đều được chỉnh sửa lại theo yêu cầu mà không bị mất thêm chi phí. Chính vì luôn làm "vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi”, những người thợ sửa quần áo vẫn có được lượng khách và thu nhập ổn định.

Bài, ảnh: Thảo Vy

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Những nông dân thu nhập tiền tỷ

Thông qua phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi (SXKDG), trên địa bàn tỉnh xuất hiện nhiều điển hình nông dân thu nhập tiền tỷ.

Những nông dân thu nhập tiền tỷ
UNCTAD kêu gọi hỗ trợ mạnh mẽ hơn cho các nước thu nhập trung bình

Phát biểu tại hội nghị cấp cao vừa được tổ chức ở Maroc, Phó Tổng thư ký Hội nghị Liên hiệp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) Pedro Manuel Moreno cho biết, các nước thu nhập trung bình đang phải vật lộn với những thách thức nghiêm trọng và thiếu sự hỗ trợ cần thiết, đặc biệt là trong việc tiếp cận tài chính.

UNCTAD kêu gọi hỗ trợ mạnh mẽ hơn cho các nước thu nhập trung bình
Thu nhập khá từ vườn ao chuồng

Không ngại khó, ngại khổ, bằng đôi tay của mình, chị Trương Thị Bé (sinh năm 1973) hội viên Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Phong Sơn, huyện Phong Điền đã quyết tâm vươn lên thoát nghèo, làm giàu trên đất quê hương. Sau một thời gian gầy dựng, đến nay, mô hình vườn, ao, chuồng (VAC) của chị Bé đã cho thu “quả ngọt”, với thu nhập gần 200 triệu đồng/năm. Chị cũng là điển hình hội viên phụ nữ làm kinh tế giỏi tại địa phương.

Thu nhập khá từ vườn ao chuồng

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top