Thể thao

Sức bền tuổi tác

ClockThứ Hai, 08/08/2016 06:07
TTH - Xem những trận bóng bàn của người cao tuổi TP. Huế, nhiều khán giả thắc mắc: “Tại sao U70 – 80 vẫn chơi tốt?”. Câu trả lời được các cụ đáp lại bằng hình ảnh những giọt mồ hôi trong tập luyện.

Hội thao người cao tuổi TP. Huế hằng năm vẫn kéo được đông đảo khán giả đến xem, trong đó có môn bóng bàn. Ngoài những người lớn tuổi đến cổ vũ, trên khán đài còn xuất hiện nhiều gương mặt trẻ.

Trận bóng bàn hội thao người cao tuổi thành phố Huế lần thứ XV – năm 2016

So với thể dục dưỡng sinh và cờ tướng, bóng bàn cần nhiều sức và kỹ thuật chuyên môn hơn. Người chơi không chỉ di chuyển liên tục mà còn phải nhanh tay, lẹ mắt. Thế nhưng, suốt 15 năm qua kể từ khi môn bóng bàn xuất hiện tại hội thao, chưa năm nào những người am hiểu bóng bàn chê kỹ thuật của người cao tuổi. Họ thi đấu như một vận động viên chuyên nghiệp, xử lý các pha bóng khó đầy tự tin. Chính kinh nghiệm chơi thể thao lâu năm giúp các cụ đẩy độ gay cấn của trận đấu đến đỉnh.

Anh Nguyễn Đông Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Thể dục thể thao TP. Huế kể, có những trận đấu của các cụ khiến người xem không thể rời mắt. Mỗi trận đấu dài 15 – 20 phút, nhưng cũng có những trận bóng bàn kéo dài đến 30 phút, khiến người xem phải thừa nhận “gừng càng già, càng cay”.

Tại sân bóng bàn của Trung tâm Thể dục thể thao TP. Huế, mỗi tuần từ thứ ba đến chủ nhật, người cao tuổi từ khắp các phường tập trung về đây để tập luyện từ 7 giờ sáng đến 12 giờ trưa. Họ tự bỏ tiền ra thuê sân tập, mua bàn, dụng cụ. Mỗi năm, bên cạnh hội thao cấp thành phố, các cụ lại tổ chức ít nhất 2 giải đấu để giao lưu (giải chào mừng Ngày Giải phóng quê hương Thừa Thiên Huế 26/3 và chào mừng Ngày Quốc tế người cao tuổi 1/10). Ông Phan Hòa, Chủ nhiệm CLB cho rằng, chính việc đề ra nội quy, điều lệ, đồng thời các thành viên hướng dẫn kỹ thuật cho nhau đã giúp họ “chuyên nghiệp hóa” trong từng trận đấu.

Đam mê chính là yếu tố giúp từng cá nhân người cao tuổi trong CLB quyết tâm tập luyện. Minh chứng rõ nhất là câu trả lời của các cụ: “Ngày nào không tập, ngày đó ăn mất ngon”. Trong danh sách các cụ thường xuyên tập luyện, những cái tên như Nguyễn Văn Thanh (85 tuổi), Đoàn Quýnh (83 tuổi),… trở thành hình ảnh đẹp tại các trận thi đấu thể thao. Cũng vì vậy, mỗi lần có hội thao người cao tuổi, trên khán đài lại râm ran những lời bàn tán tích cực, trong đó có cả những người con của các cụ. “Đến tuổi nghỉ hưu buồn tay buồn chân nên nhiều khi ba tôi hay bực bội, cáu gắt con cháu. Từ ngày ông chơi bóng bàn, sức khỏe vừa tốt và tính tình ông cũng vui vẻ hẳn lên”, một khán giả kể với người bên cạnh.

Ngoài các giải đấu nội bộ, các cụ còn “đem quân đi đánh xứ người”, liên kết với các tỉnh bạn thi đấu giao hữu, cọ xát kinh nghiệm tại Quảng Trị, Quảng Bình, Đà Nẵng,… Ngoài niềm vui, thể thao giúp các cụ sống lành mạnh và làm gương cho con cháu.

Lê Hữu Phúc

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thế hệ lao động Gen X có thể đối mặt với khủng hoảng thất nghiệp

Trong một báo cáo mới, những người lao động thuộc thế hệ Gen X từ 45 tuổi trở lên có thể đang gánh chịu gánh nặng của cuộc khủng hoảng thất nghiệp toàn cầu, nhất là khi đại dịch COVID-19 đang làm dày thêm những thách thức hiện tại đối với người lao động lớn tuổi.

Thế hệ lao động Gen X có thể đối mặt với khủng hoảng thất nghiệp
Sức chứa & sức bền

Hơn 2 triệu lượt khách trong năm 2015. Năm 2016 là 2,5 triệu lượt và 2017 này, Quần thể di tích Cố đô Huế đón 2,9 triệu lượt khách. Doanh thu từ vé tham quan tăng từ 205 tỷ đồng lên 262 tỷ đồng và năm 2017 gần 310 tỷ đồng.

Sức chứa  sức bền
Return to top