ClockThứ Ba, 30/10/2018 14:00

Sức khỏe cũng phải đầu tư

TTH - Nhiều người đến với thể thao không chỉ rèn luyện sức khỏe mà còn giảm áp lực trong cuộc sống. Song, thời buổi hiện đại, chơi thể thao cũng phải chịu khó đầu tư.

Khi zumba, yoga thoát ra phòng kínhLạ mắt với yoga bay

Nhiều người trẻ cũng tìm đến thể dục thể thao để cải thiện sức khỏe

Nhiều năm trước khi nhắc đến tennis, nhiều người sẽ nghĩ đây là môn thể thao của nhà giàu. Thế nhưng, bộ môn này bây giờ đã trở nên phổ biến, được nhiều người chọn lựa để rèn luyện sức khỏe.

Anh Hồ Thanh Tú (TP. Huế) đến với tennis cách đây hơn 3 năm bảo rằng, môn thể thao này có nhiều yếu tố để giúp cuộc sống cân bằng hơn, không chỉ rèn luyện sức khỏe mà còn cải thiện được tinh thần cũng như trí lực. Thế nhưng, muốn chơi thể thao cũng chẳng… dễ dàng. Như lời anh Tú, không riêng gì tennis, đến với môn thể thao nào đi chăng nữa đòi hỏi người chơi cần có tinh thần tự giác, kiên trì và cố gắng tập luyện. Nhiều người đến với tennis cũng chỉ được dăm ba bữa bởi tâm lý ngại ngùng, ban đầu tập luyện sự thay đổi về thể chất khiến cơ thể người chơi mệt mỏi, các cơ chưa được theo khuôn khổ dẫn đến căng cứng, thậm chí đi lại khó khăn.

“Nhiều người nghĩ tennis là môn thể thao dành cho giới thượng lưu thế nhưng thời nay, rất nhiều người đã “dám” chơi môn này. Với những người mới tập chơi, tâm lý chung thường e ngại nên thiếu kiên trì. Ban đầu tôi cũng thế, nhưng càng chơi tôi càng thích nên quyết tâm theo đuổi. Để bằng bạn bằng bè, những ngày đầu cầm vợt, tôi phải thức dậy 4 giờ sáng để tập luyện, sau mỗi buổi tập cơ thể nhức mỏi, dần dà thành quen. Chiều mỗi ngày, ngoài giờ làm việc tôi lân la các sân bóng để chỉ xem các “bậc tiền bối” thi đấu, học hỏi kinh nghiệm. Sau hơn một năm tập tành, tôi đã tự tin cầm vợt để đánh”, anh Tú chia sẻ.

Dù đã khá phổ biến, nhưng đa phần người chơi tennis hiện nay đều thuộc vào dạng “có điều kiện”. Theo dân chơi tennis, so với các môn thể thao khác, chi phí đầu tư cho quần vợt thuộc vào dạng “cửa trên”. Lân la khắp các sân bóng, không khó để nhận thấy, chỉ tính sơ thế này: Người chơi tennis phải tự đầu tư chi phí trang phục gồm, một đôi giày hiệu Nike, Adidas,.. có giá trong khoảng 1 - 2 triệu đồng; vợt tennis giá khoảng 1,5 - 5 triệu đồng, ngoài ra còn chi phí sân bãi (trên dưới 150 nghìn đồng/giờ), tiền bóng và phí nhặt bóng, cước tennis… Người chơi sang còn mời cả HLV chỉ dạy riêng và chi phí không hề rẻ. Có người còn đặt dụng cụ thi để thi đấu ở nước ngoài. “Muốn chơi tennis chắc chắn phải đầu tư. Nhưng theo tôi, đầu tư về tinh thần quan trọng hơn vật chất vì không kiên trì sẽ không theo đuổi được bộ môn này. Với chi phí về vật chất thì người chơi có thể mua vợt tennis cũ để giảm chi phí”, anh Tú nói.

Phong trào chơi thể dục thể thao đang lan rộng trong cộng đồng, từ trường học đến công sở. Bóng đá là môn thể thao được đông đảo người dân lựa chọn. Các sân bóng cỏ nhân tạo tại TP. Huế hiện luôn trong tình trạng “đắt hàng”. Đa phần ở mỗi cơ quan, trường học hay một nhóm người cũng có thể thành lập riêng một đội bóng để rèn luyện sức khỏe, thậm chí thi thố. Nhắc đến bóng đá, nhiều người nghĩ rằng ai cũng có thể chơi được và kiên trì để chơi. Nhưng thực tế, không phải vậy. Anh Nguyễn Văn Thanh, nhân viên văn phòng hàng tuần đều đặn 3 buổi chiều xỏ giày ra sân, nói: “Với tôi, tuần nào không được chơi bóng thì chân cẳng… buồn thiu. Mặc dù là môn thể thao phổ biến, ai cũng có thể chơi nhưng bóng đá cũng phải đầu tư. Cá nhân phải trang bị trang phục (ít nhất 2 bộ áo quần), rồi đóng góp tiền để lo chi phí sân bãi, nước uống với đội bóng. Tôi đá bóng 3 trận/tuần, tính sơ sơ chi phí cả mấy trăm ngàn đồng/tuần, chưa kể phí… lai rai”.

Theo anh Thanh, trong rèn luyện thể thao, đầu tư vật chất chỉ là chuyện nhỏ. Người thực sự muốn nâng cao sức khỏe phải đầu tư cả thời gian và công sức, bởi chơi thể thao không phải ngày một, ngày hai. Với môn bóng đá, nhiều cơ quan đơn vị thành lập đội bóng chỉ một thời gian ngắn rồi… nghỉ. Lý do thường là thiếu hụt thành viên hoặc thành viên không thu xếp được thời gian dẫn đến nản.

Ngày nay, thể dục thể thao là một phần quan trọng trong cuộc sống bởi liên quan đến trực tiếp sức khỏe mỗi người. Phong trào này phát triển kéo theo đó nhưng dịch vụ đi kèm có dịp ăn nên làm ra. Bởi, muốn chơi thể thao người chơi sẽ phải đầu tư. Ví dụ, muốn đá bóng phải có trang phục; chơi cầu lông, quần vợt phải đầu tư vợt, giày; đạp xe thì phải mua xe đạp… Có người đầu tư hàng chục triệu đồng.

Trong xu thế hiện nay, với nhiều người, công việc và gia đình chiếm khá nhiều thời gian. Thời gian dành cho thể thao có phần hạn chế. Do vậy, nhiều gia đình tự đầu tư những dụng cụ như, máy chạy bộ, giàn tập đa năng, con lăn, máy tập cơ bụng, ghế tạ tại nhà để chủ động hơn trong việc rèn luyện sức khỏe. Những loại dụng cụ này có mức giá từ vài triệu đến vài chục triệu đồng. “Với đặc thù công việc, tôi không thể đều đặn đến các phòng tập gym mỗi ngày để cải thiện sức khỏe. Do vậy, tôi tự đầu tư một máy chạy bộ ở nhà để không chỉ bản thân mình mà các thành viên trong gia đình cùng tập luyện. Cách tập này giúp tôi chủ động về thời gian, không chịu tác động bởi yếu tố thời tiết và rất thuận tiện”, anh Phan Văn Đông (TP. Huế), chia sẻ.

Dù đầu tư có phần tốn kém, song những người đam mê thể thao đều có được những cái lợi mà không phải có tiền có thể mua được là sức khỏe, tinh thần lạc quan, năng động hơn. Thế nên, cũng dễ hiểu là tại sao ngày nay dù nhiều người chưa thật sự có điều kiện về thời gian, vật chất vẫn cố gắng đầu tư cho thể thao.

Bài, ảnh: L.Thọ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thoát nghèo, ổn định cuộc sống

Nguồn vốn vay từ Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND) đã giúp nhiều hội viên, nông dân (HVND) Phong Sơn (Phong Điền) có điều kiện thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng.

Thoát nghèo, ổn định cuộc sống
Học Bác về bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe Nhân dân

Đảng, Nhà nước hết sức quan tâm đến công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân, coi nghề y là nghề đặc biệt. Đây là vấn đề mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm đề cập. Tư tưởng đó phản ánh chiều sâu nhân văn của chế độ XHCN, dễ hiểu, dễ làm theo.

Học Bác về bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe Nhân dân
Xung kích, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng.

Với chủ đề "Tuổi trẻ Thừa Thiên Huế xung kích, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng", Tháng Thanh niên năm 2024 là dịp để tuổi trẻ toàn tỉnh phát huy vai trò xung kích, tình nguyện góp sức cùng hệ thống chính trị xây dựng quê hương ngày càng phát triển.

Xung kích, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng

TIN MỚI

Return to top