ClockThứ Năm, 15/12/2011 07:05

Sức nóng của nghệ thuật đương đại...

TTH - Các tác phẩm sắp đặt làm từ những loại vật liệu rất đỗi bình thường như tre nứa, củi mục, giấy báo... với sự kết hợp của ánh sáng bỗng trở nên khác lạ và đẹp vô cùng. Đó là ấn tượng mà người xem cảm nhận được tại Triển lãm workshop sắp đặt mang đậm chất nghệ thuật đương đại diễn ra tại Trường đại học Nghệ thuật Huế.

“Nổ”- Lãng mạn và bất ngờ

Rất đông người xem đã hồi hộp chờ đợi đến giờ phút tác phẩm “Nổ” của nghệ sĩ Paul Schwer được trình diễn. Những mảnh thủy tinh trong suốt được sơn màu và bố trí trong không gian của ánh sáng nhiều màu sắc. Bằng các phương pháp chiếu sáng khác nhau, dưới sức nóng của nhiệt độ, khói bốc lên chầm chậm đầy huyền ảo và những mảnh vỡ nhiều màu bắt đầu bung ra như những đốm hoa sáng. Nhiều người xem gần như nín thở bởi sự hồi hộp và cả lo lắng: Liệu những mảnh “hoa kính” kia sẽ nổ như thế nào.
 

"Nổ" với các mảnh kính màu của Paul Schwer

“Ánh sáng là cái gì đó rất tốt đẹp và hấp dẫn trong cuộc sống. Tôi muốn làm cho nó trở nên hấp dẫn, nghệ thuật hơn! Không chỉ là cấu trúc mà tôi muốn tìm ý tưởng mới hơn cho vật liệu kết hợp với ánh sáng, nghệ sĩ Paul Schwer cho biết. Từ năm 2000, ở Đức đã bùng nổ các triển lãm sắp đặt về ánh sáng, màu sắc và sự rung động của nhiệt độ. Các bạn thấy đấy, vật liệu trong suốt như kính khi kết hợp với ánh sáng, màu sắc và nổ bung dưới sức nóng của nhiệt độ trở nên rất lãng mạn và tạo sự bất ngờ. Mọi người lo lắng những mảnh kính sẽ bung ra như thế nào, đó chính là sự tương tác của nghệ thuật với người xem. Khán giả không hình dung ra tác động của nó, bản thân tôi - tác giả của tác phẩm cũng không hình dung được hoàn toàn về tác phẩm trình diễn sẽ “nổ” như thế nào”.
 

Tác phẩm sắp đặt "không đề"

Triển lãm sắp đặt ánh sáng – Thú vị và đầy sức “nóng”
Không chỉ bất ngờ với trình diễn “Nổ’ của Paul Schwer, người xem rất ngạc nhiên bởi những ý tưởng sáng tạo độc đáo toát lên từ các tác phẩm sắp đặt của những nghệ sĩ trẻ Trường đại học Nghệ thuật Huế và các hội viên, nghệ sĩ Huế, Đà Nẵng, Hà Nội tham gia Dự án “Học viện mở châu Âu” tại Việt Nam. Tác phẩm sắp đặt “không đề” của nhóm học viên cao học Nguyễn Thị Thanh Mai, Nguyễn Thị Lan, Nguyễn Hữu Trâm Kha là một ví dụ. Là chùm hình tượng những khuôn ngực người phụ nữ bằng chất liệu nilon trong suốt in bóng xuống nền nhà, từ sự tương phản của ánh sáng và bóng gợi sự bay bổng của nghệ thuật, nhóm tác giả muốn chuyển tải đến người xem thông điệp vẻ đẹp của người phụ nữ luôn là vẻ đẹp vĩnh hằng, vẻ đẹp ghi dấu của người phụ nữ trong cuộc sống luôn được tôn vinh.
 

Với sự kết hợp của ánh sáng, tác phẩm làm bằng tre nứa trở nên sống động

Triển lãm workshop sắp đặt là một trong ba triển lãm thuộc Dự án "Học viện mở châu Âu" tại Việt Nam nhằm tăng cường giao lưu, đối thoại giữa các nghệ sĩ châu Âu và Việt Nam, gợi mở những ý tưởng sáng tạo và làm phong phú thêm các phương pháp đào tạo nghệ sĩ trẻ. Dự án này đã được tiến hành vào năm 2010 và tiếp tục vào năm 2011 với sự tham gia chung của EUNIC: Viện Goethe, Hội đồng Anh và Đại sứ quán Áo. Trường đại học Nghệ thuật Huế được chọn là đơn vị chủ trì tổ chức dự án tại Huế. Trong khuôn khổ của dự án, ba nghệ sĩ Paul Schwer, Barney Steel và Thomas Feuerstein đến từ châu Âu đã có những hoạt động nghệ thuật tại Huế thông qua sự trình diễn và hội thảo về những ý tưởng mới cũng như khuyến khích đối thoại về các lĩnh vực sắp đặt, nhiếp ảnh, thiết kế đồ họa và nghệ thuật video.

Họa sĩ Nguyễn Đức Huy, Trưởng phòng Khoa học Công nghệ - Hợp tác quốc tế, Trường đại học Nghệ thuật Huế, chia sẻ: “Chúng tôi đã tổ chức nhiều triển lãm sắp đặt nhưng trước đây là những triển lãm sắp đặt đồ vật, còn lần này là sắp đặt ánh sáng. Không ai hình dung được những tác phẩm làm từ que củi, giấy báo... là cái gì, chỉ khi ánh sáng bật lên, những cái quen thuộc bỗng trở thành cái khác, sống động và nghệ thuật hơn. Từ triển lãm này, quan điểm về nghệ thuật ánh sáng được phục dựng lại...”. Cũng theo họa sĩ Nguyễn Đức Huy, “Chúng ta phải thay đổi cách nghĩ làm cho tác phẩm sống động thế nào. Người xem và người làm phải tin vào mình vì nếu nghĩ mình làm không đẹp thì không bao giờ mình bằng họ và mình thua cuộc! Mục tiêu của triển lãm này là tạo nên sự tương tác giữa nghệ thuật với người xem và để cho nghệ sĩ trẻ, giảng viên của trường giao lưu, học hỏi, tiếp cận cái mới trong nghệ thuật và có những ý tưởng sáng tạo mới mẻ - đương đại là ở đó”.
TS. Phan Thanh Bình, Hiệu trưởng Trường đại học Nghệ thuật hào hứng: “Triển lãm thực sự là một sân chơi nghệ thuật có ý nghĩa thực tiễn không chỉ với sinh viên, giảng viên của trường, nghệ sĩ Huế mà còn là sự kiện nghệ thuật hữu ích đối với các nghệ sĩ trẻ Việt Nam và những người yêu thích, cổ vũ cho nghệ thuật đương đại. Qua đây cho thấy sức nóng của đời sống mỹ thuật đương đại đang lan tỏa và nhu cầu nghệ thuật của người dân lớn nhưng nhà trường, xã hội chưa đáp ứng được. Chẳng hạn từ trình diễn tác phẩm “Nổ”, chúng ta có thể thấy xã hội có những nhu cầu khao khát nghệ thuật khác nhau và người ta hiểu phương Tây đang quan tâm gì. Vì thế, đối tượng nghệ thuật phải quan tâm sự hội nhập xem quốc tế đang làm gì, phải giữ vững truyền thống đồng thời phải kết nối trong nghệ thuật đương đại. Chúng tôi đã rút ra được kinh nghiệm quý báu gì trong Trình diễn sắp đặt về nghệ thuật tranh làng Sình mà trường đăng ký tại Festival Huế”.
 

Ngọc Hà

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

220 năm quốc hiệu Việt Nam

“220 năm quốc hiệu Việt Nam – những chặng đường lịch sử (1804-2024)” là chủ đề cuộc hội thảo khoa học do Hội Khoa học Lịch sử tỉnh tổ chức, diễn ra sáng 23/4 tại TP. Huế.

220 năm quốc hiệu Việt Nam
Đưa triển lãm di sản văn hóa Huế đến Điện Biên

Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế ngày 22/4 cho biết, trong khuôn khổ các hoạt động năm Du lịch quốc gia 2024 và Kỷ niệm 70 năm Ngày chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024) diễn ra tại Điện Biên, đơn vị đã đưa triển lãm chuyên đề “Huế - Di sản văn hoá, điểm đến tiềm năng” giới thiệu đến với công chúng.

Đưa triển lãm di sản văn hóa Huế đến Điện Biên
Hội thi tuyên truyền kỷ niệm Ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn đến Huế

Hội thi tuyên truyền lưu động kỷ niệm 65 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn (19/5/1959 - 19/5/2024) do Cục Văn hóa cơ sở, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức sau khi đi qua nhiều tỉnh, thành đã đến Huế trình diễn vào tối 21/4 tại Trung tâm Văn hóa – Điện ảnh tỉnh, 41A Hùng Vương, TP. Huế.

Hội thi tuyên truyền kỷ niệm Ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn đến Huế
Return to top