ClockThứ Tư, 01/04/2015 05:56

Sức sống nông thôn mới

TTH - Từ sau ngày quê hương, đất nước hoàn toàn thống nhất, Đảng, Nhà nước có nhiều chính sách cho nông thôn. Dấu ấn phải kể đến là Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM).

Đường làng sạch đẹp

Đổi thay

Thông tin từ Cục Thống kê tỉnh, đến cuối năm 2014, tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn chỉ còn 6,64%, thu nhập bình quân đầu người 20,7 triệu đồng, tăng 24,4% so với năm trước... Toàn tỉnh có 9 xã hoàn thành 19/19 tiêu chí NTM, trong đó 6 xã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM...
Ghé thăm Điền Hòa (Phong Điền) đúng vào dịp kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng quê hương. Những tuyến đường làng, ngõ xóm đều được bê tông. Những dãy nhà kiên cố, hai tầng mọc san sát. Các công trình nhà văn hóa cộng đồng thôn, xã được đầu tư xây mới, nâng cấp khang trang...
Bí thư Đảng ủy Điền Hòa - Đặng Văn Nhân tự hào: “Cùng với chính sách của Đảng, Nhà nước, thành quả hôm nay còn có sự đóng góp rất lớn về vật chất, công sức của toàn thể cán bộ, Nhân dân. Đến nay địa phương không còn nhà tạm bợ, dột nát, số hộ nghèo chỉ còn vài chục, chủ yếu rơi vào diện neo đơn, tàn tật, mất sức lao động...”.
Về Ngũ Điền, chúng tôi cảm nhận được sự đổi thay nhanh chóng của các vùng quê bên phá Tam Giang. Dọc theo các tuyến đường liên xã, liên thôn nhộn nhịp các dịch vụ phục vụ đời sống sản xuất, sinh hoạt cho người dân. Những cánh đồng lúa mênh mông, chạy dài ngút tầm mắt, năng suất bình quân đạt trên dưới 60 tạ/ha, cao gấp rưỡi, gấp đôi so với 5 năm về trước. Nhiều mô hình chăn nuôi heo, bò, trồng rau màu... cho thu nhập trên 100 triệu đồng mỗi năm... Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Điền Nguyễn Văn Cho cho biết: “Thu nhập bình quân đầu người ở các xã Ngũ Điền từ 25 triệu đến trên 30 triệu đồng/năm”.
Ngược về xã Quảng Công (Quảng Điền), chỉ chưa đầy vài chục phút bằng xe máy, chúng tôi có thể đến được khắp nơi trên địa bàn xã này. Theo ông Võ Đông Thi, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Công, từ ngày triển khai xây dựng NTM, phần lớn những con đường đều được thảm nhựa, bê tông. Giao thông nông thôn, giao thông nội đồng được xây dựng, mở rộng, tạo thuận lợi cho người dân đưa cơ giới vào sản xuất. Nông dân giờ đây ra đồng chỉ mất 5-10 phút đi bằng xe máy. Các thiết bị cơ giới như máy cày, máy gặt lúa... được người dân mua sắm phục vụ sản xuất, giải phóng sức lao động và nâng cao năng suất, hiệu quả cây trồng. Nếu như cách đây chừng 10 năm, năng suất lúa chỉ 40-45 tạ/ha, thì nay tăng lên trên dưới 60 tạ. Sau thu hoạch, nông dân dễ dàng vận chuyển nông sản về nhà, hoặc đưa đi tiêu thụ bằng xe cơ giới... Đến nay thu nhập bình quân đầu người toàn xã đạt 23,1 triệu đồng/năm, tăng 3 triệu đồng so với năm trước; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 11,27%, có 15/19 tiêu chí đạt chuẩn NTM.
Thúc đẩy sản xuất

Ông Phạm Đình Văn, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh khẳng định, đến nay, hệ thống trường học, trạm y tế ở nông thôn được xây dựng cơ bản hoàn thiện, kiên cố, hai, ba tầng khang trang, đáp ứng nhu cầu giáo dục, khám chữa bệnh cho Nhân dân. Mạng lưới chợ nông thôn từ đồng bằng đến vùng núi đang dần hoàn thiện, không còn cảnh chợ tạm, dột nát. Nhà văn hóa cộng đồng ở các địa phương được đầu tư xây mới, nâng cấp khang trang...

Giao thông nội đồng thuận lợi, nhiều hộ mạnh dạn mở rộng diện tích canh tác, chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy sản. Hộ bà Đỗ Thị Chanh ở xã Hương Hòa (Nam Đông) trước đây chỉ trồng một vài ha cao su, từ ngày có đường sá đi lại thuận lợi, tư thương đến tận vườn thu mua mủ nên mạnh dạn mở rộng diện tích lên gần 9 ha. Gia đình bà Chanh giờ đây không chỉ thoát nghèo mà còn trở nên giàu có. Nhiều hộ trên địa bàn huyện Nam Đông trồng từ một đến vài ha cũng thoát được nghèo, vươn lên khá. Các loại nông sản khác, như chuối, rau, đậu lạc, mướp đắng... cũng dễ dàng tiêu thụ, người dân chỉ cần mất vài chục phút đưa ra chợ bán, thậm chí các lái buôn vào tận vùng sản xuất để thu mua. Cách đây 5 năm về trước, từ mỗi ha canh tác cho thu nhập vài chục triệu đồng, nay tăng lên từ 50 triệu đến trăm triệu đồng.
Tận dụng lợi thế giao thông, thủy lợi, nhiều hộ trên địa bàn tỉnh đầu tư mở rộng diện tích chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy sản. Mấy năm gần đây, trên địa bàn tỉnh có đến hàng ngàn mô hình trang trại, gia trại chăn nuôi lợn, gà cho thu nhập từ vài trăm triệu đến cả tỷ đồng. Nhiều hộ chăn nuôi bò lai vươn lên khá giả... Chị Trần Thị Tỵ, chủ trang trại chia sẻ: “Tận dụng tiềm năng, lợi thế vùng rú cát ở Quảng Điền, sau khi bàn bạc, vợ chồng tôi quyết định thuê đất đầu tư lập trang trại nuôi gà quy mô 5.000-6.000 con, mỗi năm doanh thu trên tỷ đồng”. Nhiều mô hình nuôi trồng các đối tượng thủy sản mới có giá trị kinh tế cao, như cá hồng, cá chẽm, cá mú, tôm sú, tôm chân trắng... thu lãi từ 100 triệu đến hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Từ kinh phí hỗ trợ hàng chục tỷ đồng của Chương trình Mục tiêu Quốc gia Xây dựng NTM, các địa phương đã ứng dụng, sản xuất thành công nhiều mô hình mới, như nuôi bò bán thâm canh, nuôi cá hồng Mỹ, nuôi lợn, gà trên đệm lót sinh học, trồng chuối hàng hóa, trồng tre lấy măng... Hầu hết các mô hình đều cho thu nhập cao, nhiều triển vọng, đang được các địa phương tiếp tục nhân rộng. Một số loại nông sản đã được xây dựng và đăng ký nhãn hiệu, thương hiệu, là trà rau má Quảng Thọ, gạo Hương Cốm Thủy Thanh, tương măng Phong Mỹ... Ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, có thương hiệu nên giá trị nhiều loại sản phẩm tăng cao. Gạo chất lượng Thủy Thanh có giá trên dưới 30 ngàn đồng/kg, cao hơn các loại gạo thông thường từ 10-15 ngàn đồng; mỗi ha rau má cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm... Có điều kiện về kinh tế, thu nhập cao, những năm qua nhiều hộ xây được nhà kiên cố khang trang và các công trình vệ sinh sạch sẽ, góp phần đổi thay diện mạo NTM.
Bài và ảnh: HOÀNG TRIỀU
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Dấu ấn khuyến nông

Dù có những lúc thăng trầm, nhưng đến thời điểm này ngành nông nghiệp tỉnh đã có bước chuyển mình đáng ghi nhận, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế của tỉnh. Trong sự chuyển biến chung đó phải kể đến dấu ấn quan trọng của hoạt động khuyến nông.

Dấu ấn khuyến nông
Tạo động lực thúc đẩy hợp tác xã phát triển

Những năm gần đây, Liên minh Hợp tác xã (HTX) tỉnh đã phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ các HTX. Trong đó, hoạt động ký kết thi đua do Liên minh HTX phát động là động lực giúp các HTX nâng cao hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần để HTX phát triển bền vững.

Tạo động lực thúc đẩy hợp tác xã phát triển
Ứng phó hạn, mặn

Diễn biến thời tiết phức tạp, nắng nóng dự báo gay gắt kéo dài khiến nguy cơ thiếu nước sản xuất nông nghiệp và xâm nhập mặn.

Ứng phó hạn, mặn
Xung kích trên mặt trận kinh tế

Phát huy vai trò xung kích, các cấp bộ Đoàn ở Hương Trà đã có nhiều hoạt động tích cực tham gia xây dựng thị xã, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển. Nổi bật trong đó là phong trào phát triển các mô hình kinh tế do thanh niên làm chủ...

Xung kích trên mặt trận kinh tế
Ứng phó nguy cơ dịch bệnh gia súc, gia cầm

Các biện pháp phòng, chống được triển khai đồng bộ, có hiệu quả nên đến thời điểm này, dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm (GSGC) chưa xảy ra. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm, tái bùng phát dịch bệnh GSGC.

Ứng phó nguy cơ dịch bệnh gia súc, gia cầm
Return to top