ClockThứ Tư, 08/07/2015 14:14

Sương gió đời rừng

TTH - Để có 120 ha rừng keo và trầm dó như ông Nguyễn Văn Tùy (58 tuổi, thôn Thuận Hóa, xã Lộc Bổn, huyện Phú Lộc), là cả một chặng đường gian nan với bao kỳ tích trên núi đồi. Ấy thế mà, ông vẫn “chốt” lại cuộc đời mình bằng câu nói: Bao năm trồng rừng giờ có thắng lợi nhưng vẫn chưa như ý muốn…

12 năm, một điểm dừng

Là một trong những người tiên phong trồng rừng ở Lộc Bổn, nhưng đối với ông Tùy, mười mấy năm đầu đã nếm đủ mùi đắng cay của thất bại. Ông Tùy bắt tay trồng rừng từ những năm đầu đất nước đổi mới, khi mà cái ăn, cái mặc đang còn chật vật trăm bề. Khi biết ông vác rựa lên rừng, đổ mấy chục triệu bạc khai hoang, ươm những mầm xanh cây bạch đàn đầu tiên không ít người cho rằng, ông “có vấn đề”.
Ông Nguyễn Văn Tùy bên cơ sở chưng cất dầu trầm của mình
Khoảng những năm 1988-1990, ông bắt tay khai hoang vùng đồi Lộc Bộc (xã Lộc Bổn) đến Khe Trăng (xã Xuân Lộc), ban đầu trồng 20 ha, lâu dần phát triển thêm 120 ha bạch đàn. Ông Tùy nhớ lại: “20 ha đầu tiên ở vùng Lộc Bộc, tui vay mượn, “nài nỉ” bà xã tổng thảy được 12 triệu đồng. Thuê nhân công, trả 5-6 nghìn/ngày; tiền giống 1 trăm đồng/cây. Khai hoang, đốt phát cả mấy tháng trời thì vùng đất cũng thành hình. Nhiều lần tui với người làm công suýt chết bởi bom mìn còn sót lại sau chiến tranh phát nổ.”
 
“Cá nhân ông Nguyễn Văn Tùy là thành viên đóng góp nhiệt thành cho hoạt động của Hội Nông dân; tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động ở địa phương mỗi vụ thu hoạch rừng. Bằng những đóng góp của mình, ông Tùy đã được trao các loại bằng khen, giấy khen về nông dân sản xuất giỏi các cấp”, ông Nguyễn Văn Tân, Chủ tịch Hội Nông dân xã Lộc Bổn.
Sau một thời gian, thấy cây phát triển tốt, ông tiếp tục đầu tư thêm 120 ha bạch đàn, chi phí hết hơn 100 triệu đồng. Về sau, ông nhận ra rằng, cây bạch đàn với vùng đất Lộc Bổn không hợp thổ nhưỡng, khí hậu, rụng lá chết thưa cả vùng đồi. Những cây sống trồng gần 10 năm mà chỉ bằng bắp tay, không lớn nổi. Gọi người về mua cây, đều nhận được cái lắc đầu ngao ngán. Sau khi “bán tống bán tháo” 140 ha bạch đàn được hơn 100 triệu đồng, ông Tùy trở về con số 0 tròn trĩnh với hành trình trồng rừng 12 năm thất bại…
Tiền tỷ trên núi đồi
Ông Tùy thường bảo, đời mình như cây trầm dó vậy. Chắt chiu hạt trầm từ nhựa sống của cây để vun đắp lên những giác trầm dậy hương cuộc đời. Hành trình 12 năm thất bại trồng rừng giúp ông nhận ra giống cây keo lai và cây dó trầm có thể giúp ông đổi đời.
Những diện tích khai hoang, được chính quyền cấp giấy CNQSDĐ, ông chuyển sang trồng 40 ha cây dó trầm (60.000 cây) và 80 ha cây keo. Cũng nhờ tiếp tục nghề buôn lợn, trâu bò, ông duy trì được vốn và chuyên tâm vào việc trồng rừng. Ban đầu, ông trồng xen 20 ha cây dó trầm trong rừng keo, thấy cây phát triển tốt, hợp với thổ nhưỡng, năm 2007, ông tiếp tục đầu tư trồng thêm 20 ha.
Ông Tùy tâm sự: “Tiếp tục với nghiệp rừng, nhiều người nói tui điên thật. Những năm 2000, tui dám vay ngân hàng cả tỷ bạc để đầu tư vô cây trầm dó và cây keo. Hồi đó giống 800 đồng/cây, công 150 nghìn đồng/người/ngày. Giờ đây, với chừng đó diện tích, tui thu “cuốn chiếu” cây keo mấy đợt, một phần trả nợ ngân hàng, phần đầu tư tiếp tục cho cây trầm dó.”
Từ năm 2006-2008, ông Tùy thu bình quân mỗi năm khoảng 15 ha rừng keo, rồi tiếp tục trồng lại trên diện tích mình vừa khai thác. Cứ mỗi ha rừng keo cho thu lãi 60-70 triệu đồng sau khoảng 6 năm trồng. Giờ đây, cây keo đã khai thác qua mấy đợt, chỉ còn lại các loại cây nhỏ từ 1-5 năm tuổi.
Ông Tùy bộc bạch: “Với tui, chỉ muốn lấy rừng keo để “nuôi” rừng dó trầm. Bởi, cây dó trầm hiện nay đã đạt tuổi đời bình quân từ 8-13 năm rồi. Cây dó càng để lâu giá trị của trầm càng tăng. Tui mới vô dầu đợt đầu thử nghiệm mấy nghìn cây vào giữa năm 2013, kết quả rất khả quan.”
Ông Tùy muốn giữ lại rừng cây dó chưa bán vì ông đã nghiên cứu kỹ thuật vô dầu tạo trầm cho cây. Ông muốn sản phẩm dó trầm của mình đạt chất lượng như mong muốn. Hiện nhiều chuyên gia cũng như các lái buôn trầm, đến vườn của ông Tùy đều đánh giá vườn cây của ông có chất lượng và số lượng “đạt đỉnh” nhất của những tay trồng trầm ở miền Trung.
Ông Tùy nhẩm tính: “Thế này nhé, tui tính giá thị trường nếu “rớt” hết sức, cùng các rủi ro khác mình gặp, với vườn 60.000 cây dó trầm của tui, chỉ cần lấy giá 500 nghìn đồng/cây, tui có trong tay 30 tỷ đồng rồi. Mà tui chưa thấy ai bán cây dó trên dưới 10 năm tuổi với giá 500 nghìn/cây hết, nhất là cây dó ở miền Trung ni.”
Chia sẻ về bí quyết trồng cây dó trầm, ông Tùy bảo, cây dó là một loài cây khó tính, nếu người trồng không theo dõi, chăm sóc kỹ, bơm thuốc đúng cách thì bệnh sâu ăn lá sẽ “hủy diệt” ngay vườn cây. Bài học về một người bạn trồng trầm dó ở Đồng Nai với vườn cây 60 ha. Sau một thời gian bỏ bê, không chăm sóc, cây nhiễm bệnh, chỉ còn hơn 1.000 cây khai thác được, đã cho ông thấy được điều đó.
Theo tính toán của ông, với giá thị trường hiện nay, cây dó đường kính 50cm, chu vi khoảng 150cm có giá 100 triệu đồng. Hiện, một số diện tích cây dó trầm của ông Tùy đã đạt đường kính từ 25-30 cm, chu vi gần 100cm.
Để quản lý, chăm sóc với một diện tích gồm 120 ha cây keo và dó trầm, trên nương rẫy ông Tùy luôn thường trực cả mười lao động và cần một đội ngũ lành nghề để vô thuốc, tạo dầu đạt chất lượng cho cây.
Cũng nhờ rừng mà ông nuôi được 5 người con khôn lớn, học hành thành tài. Hai người con trai đầu Nguyễn Văn Việt, Nguyễn Văn Ngữ hiện đang “tiếp quản” sự nghiệp trồng rừng của cha mình.
Đưa tinh dầu trầm “xuất ngoại”
Không chỉ gắn với nghiệp trồng rừng, năm 2013, ông Tùy còn đầu tư 2 tỷ đồng đưa cơ sở chưng cất tinh dầu trầm dó vào hoạt động với 40 lò nấu. Cơ sở nấu tinh dầu được đặt ngay tại vườn cây dó trầm của ông Tùy với 5 công nhân luôn thường trực làm việc.
Trong thời gian qua, ông mới chiết xuất được 50 lít dầu trầm, bán cho các thương lái xuất sang thị trường Ấn Độ. Ông Tùy cho biết: “Nấu tinh dầu trầm khó như “ngậm ngải tìm trầm” vậy. Nhiều mẻ tui nấu thất bại, không có dầu là chuyện thường. Bởi thế, hàng không có thường xuyên. Cứ 1 tấn cây dó trầm (gồm cả giác trầm và gỗ) nấu ra được 1 lít tinh dầu trầm. Nghề quá công phu và tốn kém nguyên liệu nên 1 lít tinh dầu trầm hiện tui bán cho thương lái đã lên đến 8.000-9.000 USD mới có lãi.”
Hiện, theo ông Tùy, nhiều khách hàng đặt nấu tinh dầu trầm với giá rất cao, nhưng do thiếu nguyên liệu nên ông chưa đáp ứng được. “Nấu tinh dầu trầm là nghề khó nhưng nếu có đầu ra ổn định, nguồn nguyên liệu dồi dào, nắm vững kỹ thuật chưng cất, thì có thể nói đây là một nghề “hái ra tiền”- ông Tùy khẳng định.
Hà Nguyên
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nguy cơ thiếu nước và xâm nhập mặn

Ngày 19/4, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh cho biết, trong 24 giờ qua, tại tỉnh Thừa Thiên Huế đã xảy ra nắng nóng và nắng nóng gay gắt trên diện rộng, có nơi đặc biệt gay gắt.

Nguy cơ thiếu nước và xâm nhập mặn
Thoát nghèo, ổn định cuộc sống

Nguồn vốn vay từ Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND) đã giúp nhiều hội viên, nông dân (HVND) Phong Sơn (Phong Điền) có điều kiện thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng.

Thoát nghèo, ổn định cuộc sống
Nhiều dự án sinh kế từ Quỹ Hỗ trợ nông dân

Từ nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND), Hội Nông dân (HND) các cấp đã giải ngân, tổ chức nhiều dự án (DA) sinh kế mang lại hiệu quả thiết thực cho hội viên, nông dân (HVND).

Nhiều dự án sinh kế từ Quỹ Hỗ trợ nông dân
Return to top