ClockThứ Ba, 22/06/2010 07:18

Sương mù xứ Huế

TTH - Những hạt sương ban mai như biểu trưng cho sự trong trắng, thanh khiết, mong manh. Tiếc thay sự tồn tại của hạt sương thật ngắn ngủi.
Nhớ thời còn cắp sách đến trường, bước chân chập chờn trên những con đường đầy cây lá, mà không thể nhìn rõ những gì phía trước đoạn đường chúng tôi đang cất bước, cho dù với khoảng cách chỉ vài tầm tay.
 

Huế một sớm sương mù - ảnh Phan Hải Bằng
 
Thuở đó xứ Huế sương phủ dày đặc, trắng xoá cả đất trời, không thấy cả chiếc bóng chính mình. Trong các con đường đó, có con đường phượng bay (đường Đoàn Thị Điểm) đã gợi hứng cảm cho nhạc sĩ Trịnh Công Sơn viết ca khúc “Mưa hồng”:
 
Này em đã khóc chiều mưa đỉnh cao
Còn gì nữa đâu sương mù đã lâu
Em đi về cầu mưa ướt áo
Đường phượng bay mù không lối vào
Hàng cây lá xanh gần với nhau.
 
Cho đến hôm này, trên những con đường quanh co trong nội thành, những cành cây xanh vườn dài ra đan nhau, như những người bạn đang choàng vai đồng hành giữa màn sương mịt mù giăng kín. Bây giờ tôi vẫn rất thích bước vào cái thế giới mù mịt và hư ảo đó, bởi với tôi, cái thế giới thực quá nhàm chán và phiền muộn.
 
Sương xứ Huế thường xuất hiện vào cuối mùa thu và mùa đông, đặc biệt là những ngày đang lạnh, chợt có ánh mặt trời xuất hiện. Mỗi sáng sớm, hễ nhìn thấy sương mù thì hôm đó trời sẽ có nắng và tuỳ thuộc vào độ dày đặc của màn sương để biết được cường độ của ánh mặt trời. Sương càng nhiều, càng mù mịt thì nắng càng to. Mặc dù đang mùa mưa lạnh, nhưng hôm nào thấy sương mù xuất hiện thì những người bán hàng rong, những người kiếm gạo hàng ngày rất vui; vì các mệ, các o, chú và các em thơ biết rằng những ngày nắng sắp đến và sẽ thuận lợi cho họ trong việc đi lại để kiếm sống.
 
Có thể nói Huế là một thành phố đặc biệt về mặt văn hóa, không gian và địa lý, dòng sông Hương thơ mộng chia thành phố thành hai bờ nam bắc, tạo thành một khoảng trống trải dài dọc theo giữa hai bờ.
 
Phía nam là hệ thống hành chính và các công trình hiện đại, còn phía bắc là kinh thành, hệ thống các ao hồ, sông đào được giữ khá nguyên vẹn. Những dãy phố lúp xúp, những hàng cây lớn bé bủa vây quanh phố thị đã tạo nên những điểm nhấn trong một bức tranh trang nhã. Những yếu tố kể trên đã góp phần cho sương mù xuất hiện và tồn tại lâu hơn ở Cố đô khi có sự chênh lệch nhiệt độ rõ rệt giữa mặt nước các dòng sông, ao hồ và lớp không khí ẩm lơ lửng phía trên các sông, hồ.
 

Ảnh Phan Hải Bằng 
 
Buổi sáng thật sớm, thức dậy cùng tiếng chuông chùa, tiếng gà gáy, tiếng chèo đánh nhịp trên những chiếc thuyền lá tre của ngư dân để xua cá vào lưới,… hình ảnh cả kinh thành chìm trong màn sương trắng trông như một thiếu phụ ngái ngủ, trên toàn thân được phủ một tấm lụa mỏng mượt mà.
 
Khi những tia nắng đầu tiên như một ánh nhìn bị mê hoặc khiến những mảng sương tan dần, tia nắng vàng như những ngón tay gầy đang chầm chậm kéo nhẹ tấm khăn lụa, để lộ dần những vùng trắng hồng gợi cảm.
 
Nhớ một thời xa xưa, lang thang cùng bạn bè cho đến gần sáng, vào những đêm trăng, từ bờ nam ngang qua cầu trường tiền sẽ nhìn thấy trăng chênh chếch giữa màn sương mờ ảo phía tây bắc kinh thành. Lúc này, màu trăng vàng nhợt nhạt như người thiếu phụ đang bạo bệnh và vẫn cố dâng nét đẹp hiu hắt cho trần gian. Trong tâm thức tôi chợt hiện lên những câu thơ trong bài “Phong kiều dạ bạc” của Trương Kế. Hôm đó, tôi cảm tác những câu thơ:
 
Triệu triệu hạt sương trăng
Dệt khung trời ảo mộng
Đêm kinh thành hoang vắng
Tiếng quạ buồn mênh mông
 
Hương giang trắng tóc mẹ
Oằn vai gánh hai bờ
Mắt thuyền nhòe ánh lửa
Chuông nguyện vàng cơn mơ.
 
Tiếc rằng chưa có bài thơ nào tả cảnh, tả tình ở xứ Huế về ánh trăng tờ mờ trong màn sương buổi sớm, về tiếng quạ kêu, tiếng chuông chùa Thiên Mụ lửng lơ giữa kinh thành và ánh đèn vàng hắt lên từ những chiếc thuyền của ngư dân đang bủa cá vào lúc ba bốn giờ sáng một cách tuyệt hảo như bài “Phong kiều dạ bạc”. Thôi đành mượn mấy câu của thi nhân Trương Kế và xin đổi địa danh Cô Tô là Phú Xuân và Hàn Sơn là Thiên Mụ để tả cảnh, tả tình vào một sớm mù sương ở kinh thành Huế:
 
Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên
Giang phong ngư hoả đối sầu miên
Cô Tô thành ngoại Hàn Sơn tự
Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền
 
Khi tiếng đại hồng chung đầu tiên phát ra từ khuông viên chùa Thiên Mụ, lan tỏa theo khoảng trống giữa dòng sông, như để thức tỉnh và phá tan sự u minh đang ám nặng vào tâm trí của con người, âm thanh vang ra từ đại hồng chung tiếp nối nhau nhịp nhàng cho đến tiếng chuông thứ 108. Có lẽ lúc này màn sương trắng mờ vẫn chưa tan trên bầu trời Cố đô.
 
Còn nhớ một đêm cuối năm, mình tôi lang thang quanh thành phố, phố đã vắng hoe chỉ còn những người canh giữ chợ hoa ở các công viên. Từ Phu Văn Lâu, dưới những ánh đèn đường vàng võ, hắt hiu tôi chợt phát hiện cuộc hành trình tuyệt vời của vô vàn hạt sương hành quân qua cầu Phú Xuân, vượt sông, lúc này trong tâm trí tôi gợi lên hình ảnh những đợt nam tiến trong lịch sử nước Việt.
 
Mầm móng nam tiến ở nước ta đã có từ thời xa xưa, đặc biệt sang triều đại nhà Lê, do sự phân tranh của hai chúa Trịnh - Nguyễn mà cuộc nam tiến của vị chúa Nguyễn đã làm nên sứ mệnh lịch sử, để cuối cùng dải đất phương nam đã có trong bản đồ nước Việt Nam, rồi những cuộc nam tiến tiếp nối sau này đã làm cho màu sương trở thành màu huyết dụ.
 
Xứ Huế vào những ngày mù sương, khi những tia nắng mặt trời bắt đầu xuất hiện, mọi vật hiện rõ dần giữa không gian. Lúc này, trên dòng Hương giang mờ ảo, trắng đục như một dòng sữa chảy dài ra vô tận, bất chợt một chiếc thuyền nan sẩm màu ló dạng tạo nên bức thuỷ mặc trữ tình. Rồi hình ảnh một dãy núi xa xăm dần lộ ra giữa nền trời vời vợi tạo nên cảnh sơn thủy hữu tình.
 
Dọc theo hai bờ sông Hương ống kính của các nghệ sỹ nhiếp ảnh bấm liên tục. Sương mù không chỉ xuất hiện quanh quất ở thành phố Huế, mà còn có ở những vùng ngoại ô như đồi Thiên An, chùa Thiên Mụ, Vỹ Dạ, Thuỷ Thanh, tạo ra những bức tranh kỳ ảo của xứ Huế. Khi chiều xuống, một màn sương mỏng manh lay lất trong không gian, gây nên ảo giác về một nơi chốn mơ hồ của đời người. Tấm màn như được gắn kết vô vàn hạt cườm nước li ti thay đổi sắc độ theo thời gian, từ màu trắng mờ sang phớt hồng, rồi vàng mơ, tím nhạt và sau cùng chìm vào đêm tối.
 
Sự hình thành sương mù là một quy luật của tự nhiên, đã góp phần tăng thêm nét cổ kính, lãng mạn và huyền ảo cho một vùng đất văn hó có đầy đủ phẩm cách của một nghệ sỹ.
 
Lê Huỳnh Lâm
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Trùng tu di tích đình làng

Là địa phương có khá nhiều đình làng và di tích văn hóa lịch sử, thời gian qua TP. Huế ưu tiên nguồn lực bố trí vốn đầu tư nâng cấp, trùng tu các công trình đình làng nhằm góp phần bảo tồn và phục hồi, hướng đến tổ chức các hoạt động văn hóa, du lịch tại các di tích.

Trùng tu di tích đình làng
Sách Huế trong Hội Sách Quốc gia

Nhân Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3 năm 2024, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Thông tin – Truyền thông, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội tổ chức chuỗi sự kiện chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam.

Sách Huế trong Hội Sách Quốc gia
Return to top