ClockThứ Hai, 27/01/2020 06:19

Tà áo năm xưa còn mãi

TTH - Vào dịp lớp tôi kỷ niệm 40 năm ngày ra trường Đồng Khánh, từ sáng sớm, vẫn như thuở còn đi học, mọi người áo dài trắng, nón trắng, xe đạp chờ nhau trước cổng trường, cùng tìm lại ký ức tuổi thơ.

Áo dài đi lễ đầu năm

Cựu nữ sinh Đồng Khánh Huế (nay là Trường THPT Hai Bà Trưng) sinh hoạt kỷ niệm ngày ra trường

Hôm ấy, trời Huế trong vắt, trên con đường Lê Lợi xanh. Chúng tôi đạp xe qua cầu Trường Tiền, vòng lên đồi Thiên An cắm trại, mang theo thức ăn, nước uống vì Lâm trường Tiền Phong cấm lửa nghiêm ngặt, bảo vệ lá phổi xanh của Huế. Ra về, chúng tôi quây quần bên nhau trước công viên trường, trên vạt cỏ non bên bến đò Thừa Phủ. Lạ lùng thay, du khách đang dạo bước trên con đường này đã đưa cao máy ảnh, máy quay phim bấm lia lịa, họ cười và nói những lời thân thiện. Ôi, đẹp quá! Très belle! So beautiful!...

Trước khi lên Huế, tôi đã học ở những ngôi trường làng, đi học với vài ba bộ áo quần đơn sơ, đứa con nhà giàu, cao lắm có chiếc áo đầm. Tuổi thơ tôi khắc sâu hình bóng mạ tôi khi người vuốt lại áo dài cho phẳng phiu, chuẩn bị đi ra ngoài. Thời ấy, với các loại vải nội hóa vừa với túi tiền, mạ tôi may được mấy cái áo dài màu khói hương, da chai, mỡ gà, khoai tía, và phin vải trắng. Hễ ra khỏi nhà là mạ tôi mặc chiếc áo dài tùy vào công việc như đi chợ, đi kỵ, đi đám cưới, đi chùa, thăm tết…

Đi chợ, lắm khi vì vội nên người khoác áo dài và chỉ gài ba hột nút ở cổ áo, nách và eo, nhưng trông vẫn lịch sự. Tôi mê mẩn nhìn khi mạ tôi đứng trước gương búi tóc và mặc áo dài phin vải trắng, thầm ước lớn thêm chút nữa, tôi sẽ được mặc áo dài như thế. Thời ấy, đi bất kỳ đâu, tôi đều thấy phụ nữ mặc áo dài.

Tôi lên Huế và được vào học trường Đồng Khánh, ngôi trường nữ trung học lớn nhất miền trung, là ước mơ của biết bao nữ sinh. Mùa tựu trường, Huế rợp một trời chim câu áo trắng trong nắng sớm, sương thu đậu trên mi mắt và tóc học trò. Tôi thỏa niềm mong ước được mặc áo dài suốt tuần dù nắng hay mưa. Có những lần, giờ ra chơi, nhiều bạn đứng nhìn ngắm Hoàng Thị Ngọc Quỳnh, học ban B. Quỳnh cắt tóc demi-garçon và mặc bộ áo dài quần trắng vải poplin nylon, may giản dị, suông rộng, không chít eo, thật dễ thương.

Thời chúng tôi, áo dài tay raglan là thịnh hành, thân áo xuống quá đầu gối nên di chuyển dễ dàng khi đi bộ cũng như xe đạp, cổ áo cao từ một đến hai, ba phân. Không riêng Đồng Khánh, các trường khác, kể cả trường Tây Jeanne d’Arc, hầu hết nữ sinh đều mặc áo dài trắng, trường Kiểu Mẫu thì áo dài màu xanh da trời… là những màu biểu trưng nét tinh khôi của học sinh tuổi mới lớn...

Từ xa xưa, nhạc sĩ tài danh lãng tử Văn Cao đã đến thành phố này và để lại cho Huế những vần thơ tuyệt đẹp: “Một đêm đàn lạnh trên sông Huế/ Ôi! Nhớ nhung hoài vạt áo xanh”. Phong Sơn sống tha hương, đã viết về thành phố của mình và “em” qua mấy nét nhẹ nhàng: “Rất Huế là vì tóc em xanh/ Chảy dài trên áo trắng tinh anh…”. Đỗ Trung Quân có lần thổ lộ: “Mỗi khi ra phố, thấy các em nữ sinh trong tà áo trắng, không biết tôi còn tương tư cho đến bao giờ?”. “Bao giờ biết tương tư”, Ngọc Chánh - Phạm Duy chỉ mấy nét chấm phá thôi đã khắc họa nên một người con gái đẹp để yêu mà không nói nên lời “Tà áo em phơi bày, ngón tay em dài, tiếng yêu không lời…”. Giáo sư thỉnh giảng của Trường đại học Văn khoa Huế-Nguyễn Ngọc Lan-dạt dào cảm xúc khi đứng trên lầu đại học nhìn xuống và ông đã gọi Lê Lợi là “Con đường trắng” mỗi khi nữ sinh Đồng Khánh tan trường.

Thời tiết Huế, nhiều năm nắng và mưa như hai thái cực, nhà thơ Phùng Quán nói về thành phố của mình thật đúng: “Nắng, bùn hóa đá. Mưa, đá hóa bùn…”. Dù vậy, nữ sinh vẫn bền bỉ với áo dài. Mùa mưa, trường Đồng Khánh cho học sinh mặc áo dài xanh bleu marine, nhưng cũng ít người mặc vì vẫn thích màu áo trắng. Những tháng rét mướt mùa đông, với những chiếc áo len đủ màu khoác bên ngoài áo dài, sân trường như ấm áp lên với những đàn bướm rực rỡ từ đâu bay về dập dìu trong giờ ra chơi.

Chiếc áo dài qua bao thời kỳ đã có những đổi thay cho hợp “mốt” thời trang. Những năm 1960, áo dài kéo xuống gần chấm đất, cổ áo cao từ năm đến bảy phân rồi hạ xuống ba, bốn phân, có lúc không còn phân nào, là áo dài cổ tròn, sau cùng là áo cổ thuyền. Thập niên này, chiếc áo dài tha thướt ấy đẹp mê hồn bởi cái “lưng ong”. Thân áo bấy giờ có một sợi dây vải nhỏ xíu được kết dính vào bốn “panh” càng tôn thêm vẻ đẹp của thân hình thiếu nữ. Thời ấy, các nữ minh tinh màn bạc, các ca sĩ thành danh đều trong chiếc áo dài kín đáo mỗi khi họ xuất hiện trước công chúng, rất duyên dáng, nền nã, thanh nhã, quyến rũ lạ thường!

Đất nước thanh bình, giấc mơ ngàn đời đến trong vỡ òa nước mắt và nụ cười. Áo dài dần trở lại với Huế, không chỉ trường học mà còn các ngành hàng không, bưu điện, ngân hàng…

Xem Lễ hội áo dài các kỳ Festival Huế, từ năm 2000 đến năm 2014, tôi cảm ơn Ban Tổ chức, nhà thiết kế Minh Hạnh, Sĩ Hoàng và nhiều nhà thiết kế khác, đặc biệt là nhà thiết kế người Tây Ban Nha Chu La… đã xem áo dài là máu thịt, là nguồn cảm hứng sáng tạo làm cho áo dài Việt Nam thăng hoa, hóa thân vào thời trang hiện đại, để nó không mất đi trước cuộc sống ngày càng tốc độ mà vẫn bền vững với thời gian - chính danh là văn hóa mặc thuần Việt đã có từ ngàn xưa của phụ nữ Việt Nam.

Nhà ngoại giao Tôn Nữ Thị Ninh nói rằng: “Nhiều trang phục truyền thống của các nước trên thế giới, mỗi loại có những nét riêng, độc đáo, nhưng áo dài là một trang phục kết hợp được các yếu tố đẹp, duyên dáng “lặn vào trong” chứ không phô trương, hào nhoáng”. Ông Võ Quang Yến, Việt kiều Pháp cho hay: Cách đây mấy năm, đài truyền hình Pháp đã chiếu một phim phóng sự về Huế tựa đề “Thành phố áo dài trắng”.

Đã nhiều năm nay, mỗi lần qua phố vào ngày thứ hai, tôi thích đi đường Nguyễn Trường Tộ vòng ra Lê Lợi để nhìn ngắm các em nữ sinh Trường THPT Hai Bà Trưng đi học và lúc các em tan trường, nhìn ngắm áo dài, tóc thề và tuổi thanh xuân. “Ngày ấy đâu rồi, ngày ấy đâu rồi, cho tôi tìm lại một ngày ấu thơ…”, cho tôi tìm lại màu áo đơn sơ…

Ngày nay, nữ công chức mặc áo dài đi làm vào ngày thứ hai đầu tuần và được miễn vé khi mặc trang phục này tham quan quần thể di tích Cố đô Huế những ngày lễ, Tết. Trong mắt của mọi người bây giờ Huế đã đẹp hơn. Ước mong không chỉ cơ quan, trường học, mà cả trong nhịp sống đời thường, áo dài được mặc rộng rãi hơn, nhiều ngày hơn và trở thành một thành phố áo dài…

Bài, ảnh: Hoàng Thị Thọ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Áo dài Huế, một nét rất riêng

“Áo dài trở thành một nét văn hóa của phụ nữ Việt Nam nói chung. Với phụ nữ Huế nói riêng, áo dài là niềm tự hào, bởi áo dài Huế đã là một thương hiệu được “đóng đinh” trong lòng mọi người. Để áo dài được thăng hoa, tôn vinh thì sự lan tỏa, quảng bá của chị em, của hội viên phụ nữ trên toàn tỉnh là điều hết sức cần thiết. Hình ảnh người phụ nữ Huế trong chiếc áo dài truyền thống chính là một nét đẹp, một nét văn hóa rất riêng của Huế”, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ chia sẻ tại buổi gặp mặt phụ nữ Thừa Thiên Huế nhân dịp kỷ niệm 114 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3.

Áo dài Huế, một nét rất riêng
Ra mắt bộ sưu tập áo dài lấy cảm hứng từ âm nhạc Trịnh Công Sơn

Tiếp nối thành công của các bộ sưu tập “Xưa và nay”, “Nhật Nguyệt”, “Em đến từ nghìn xưa”, “Vũ khúc gấm lụa”, “Bóng – Hình”…, tối 14/12, nhà thiết kế Trịnh Hoàng Diệu sẽ ra mắt bộ sưu tập áo dài mới mang tên “Màu thời gian” trong chương trình nghệ thuật, trình diễn thời trang “Diệu – Màu thời gian” tại TP. Hồ Chí Minh.

Ra mắt bộ sưu tập áo dài lấy cảm hứng từ âm nhạc Trịnh Công Sơn
Áo dài Việt & góc nhìn từ Hanbok

Áo dài, một sản phẩm đặc trưng, là một trong những yếu tố quan trọng làm nên hồn cốt dân tộc Việt Nam. Nhưng để áo dài thực sự trở thành thương hiệu quốc gia nổi tiếng, sản phẩm công nghiệp sáng tạo - công nghiệp văn hóa, có lẽ chúng ta còn phải nỗ lực rất nhiều. Những gì mà người Hàn Quốc đã làm cho Hanbok chính là một trong những cách làm hay mà chúng ta cần tham khảo.

Áo dài Việt  góc nhìn từ Hanbok

TIN MỚI

Return to top