ClockThứ Ba, 03/01/2023 07:00

Tận dụng mọi nguồn lực để hướng đến thành phố trực thuộc Trung ương

TTH - Nhìn lại những thành quả trong năm qua và định hướng phát triển trong năm 2023, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương đã có cuộc trò chuyện với Báo Thừa Thiên Huế.

Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị sớm trở thành hiện thực chính bằng lộ trình cụ thể của ngành y tếPhát triển văn hóa, con người Huế theo tinh thần Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trịĐầu tư trọng điểm để nâng tầm vị thế cho văn hóaPhát huy vai trò chủ lực trong thực hiện Nghị quyết 54 của Bộ Chính trịXem xét thông qua thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thừa Thiên HuếThực hiện Nghị quyết 54 - NQ/TW của Bộ Chính trị: Tầm nhìn xa cho giáo dục Thừa Thiên Huế

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương

Trong tiến trình phát triển của tỉnh năm 2022, ông đánh giá kết quả kinh tế – xã hội như thế nào?

Năm 2022, trong bối cảnh tình hình thế giới và trong nước gặp nhiều khó khăn, nhưng tỉnh đạt được nhiều kết quả khá toàn diện trên các ngành, lĩnh vực: 14/14 chỉ tiêu chủ yếu thực hiện đạt và vượt kế hoạch đề ra; tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt 8,56%, cao nhất trong nhiều năm trở lại đây, cao hơn mức bình quân chung của cả nước (khoảng 8%), đứng thứ 38/63 tỉnh/thành phố, thứ 7/14 tỉnh/thành khu vực Bắc Trung bộ và Duyên Hải miền Trung. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt khoảng 28.000 tỷ đồng. Thu ngân sách Nhà nước đạt trên 12.700 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 1,23 tỷ USD, tăng 11,4%. Đặc biệt, lĩnh vực du lịch đã phục hồi mạnh mẽ.

Thêm một điểm sáng của tỉnh phải được kể đến, đó là nỗ lực rất lớn trong công tác cải cách thủ tục hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh; kết quả năm 2021, Thừa Thiên Huế đứng đầu cả nước về chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI); thứ 4 cả nước về chỉ số CCHC; thứ 8 cả nước về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; thứ 2 cả nước về ứng dụng CNTT.

Không gian đô thị Huế không chỉ đẹp, khang trang mà hướng đến sự sang trọng và hiện đại, thân thiện môi trường. Ảnh: MC

Sau 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết 83/NQ-CP của Chính phủ, tỉnh cũng đạt được nhiều kết quả hết sức quan trọng.

Ngày 21/9/2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành 2 Nghị quyết quan trọng: Nghị quyết 26 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 1210 ngày 25/5/2016 về phân loại đô thị và Nghị quyết 27 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 1211 ngày 25/5/2016 về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính (trong đó có tính đến yếu tố đặc thù đối với Thừa Thiên Huế); Chính phủ ban hành Nghị định 84 ngày 20/10/2022 về việc thành lập và quy chế hoạt động Quỹ Bảo tồn di sản Huế; Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1261 ngày 19/10/2022 phê duyệt Nhiệm vụ Quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên Huế đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065. Đây chính là cơ sở hành lang pháp lý và nền tảng, động lực hết sức quan trọng trên hành trình xây dựng Thừa Thiên Huế thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Để đạt được những thành quả đó, ngoài nỗ lực của các cấp chính quyền, người dân, vai trò của doanh nghiệp khá quan trọng. Ông có chia sẻ gì về sự hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp?

Hiện nay, trong 6.000 doanh nghiệp đang hoạt động, có trên 60% doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ, trên 30% doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp. Thu từ doanh nghiệp năm 2022 trên 7.500 tỷ đồng, tăng gần 20% so với năm ngoái, chiếm 58,55% tổng thu ngân sách toàn tỉnh. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 8,5% so với năm 2021, giá trị sản xuất ước đạt 42.340 tỷ đồng, tăng 10% so cùng kỳ; ...

Các chuyến tàu container đầu tiên cập cảng Chân Mây sẽ tạo ra động lực phát triển kinh tế mới

Không chỉ tạo ra của cải vật chất, đóng góp vào sự phát triển kinh tế của tỉnh, giải quyết việc làm cho hơn 90.000 lao động; nhiều doanh nghiệp, doanh nhân còn có ý thức trách nhiệm cao đối với cộng đồng, tích cực tham gia vào các hoạt động an sinh xã hội, như hỗ trợ công tác phòng, chống dịch COVID-19; hỗ trợ, tạo sinh kế cho người nghèo; trao học bổng cho trẻ em nghèo hiếu học; ủng hộ đồng bào bị thiên tai, bão lũ,…

Nhận thức được tầm quan trọng của doanh nghiệp, tỉnh đã và đang triển khai nhiều nhiệm vụ, giải pháp, các chính sách hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp tỉnh. Đồng thời, các doanh nghiệp trong tỉnh cũng phát huy tinh thần tự lực, tự cường, vượt mọi khó khăn; thực hiện tốt các chủ trương, đường lối chính sách của Nhà nước; chủ động xây dựng chiến lược, kế hoạch sản xuất, xây dựng văn hóa doanh nghiệp,… Từ đó, quy mô và hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp ngày càng được cải thiện, phát triển, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của địa phương, tăng kim ngạch xuất khẩu, tăng thu ngân sách tỉnh. 

Kỳ họp thứ 5 HĐND tỉnh đã thông qua nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội năm 2023. Ông có thể cho biết một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội cần phải tập trung thực hiện và các giải pháp?

Năm 2023 là năm rất quan trọng trong tiến trình thực hiện mục tiêu đưa cả tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Vì vậy, tỉnh đặt mục tiêu tăng trưởng GRDP 9 - 10%; GRDP bình quân đầu người 2.670 - 2.760 USD; vốn đầu tư toàn xã hội tăng 10%; thu ngân sách phấn đấu đạt 13.000 tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu tăng từ 12% trở lên.

Để tạo nền tảng quan trọng cho lộ trình sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, tỉnh sẽ dốc toàn lực tập trung hoàn thành và triển khai hiệu quả các quy hoạch, đề án quan trọng. Trong đó, hoàn thành các quy hoạch, đề án như, Quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên Huế đến năm 2050, tầm nhìn đến năm 2065; Đề án phân loại đô thị Thừa Thiên Huế trực thuộc Trung ương, bao gồm phân loại đô thị loại IV đối với đô thị Phong Điền; Quy hoạch Bảo tồn và phát huy giá trị Quần thể di tích Cố đô Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Đề án thành lập thành phố trực thuộc Trung ương trên cơ sở địa giới hành chính Thừa Thiên Huế; Xây dựng Đại học Huế trở thành Đại học Quốc gia.

Các tuyến đường đi bộ dọc sông Hương đã được kết nối “liền mạch” phục vụ người dân và du khách. Ảnh: Diệu Trương

Tập trung huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực tạo đà thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Nâng cao hiệu quả sử dụng và quyết liệt đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, ưu tiên cho các công trình hạ tầng trọng điểm, cấp thiết, có tính lan tỏa, động lực.

Cơ cấu lại ngân sách Nhà nước theo hướng tăng dần tỷ trọng chi đầu tư phát triển, giảm tỷ trọng chi thường xuyên, đảm bảo nguồn lực thực hiện các chính sách an sinh xã hội và điều chỉnh tiền lương. Tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh nhằm thu hút đầu tư khu vực kinh tế tư nhân và huy động vốn trong dân, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, cơ sở sản xuất; chú trọng phát triển kinh tế tập thể… Cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Nền kinh tế sẽ theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của các ngành dựa trên các lợi thế ngành dịch vụ, công nghiệp công nghệ cao và kinh tế biển.

Ngoài ra, chất lượng, hiệu quả quy hoạch cũng phải được nâng cao, kèm với đó là tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng để phát triển đô thị và phát triển khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp…

Nhiều cá nhân, tổ chức đang quan tâm đến mô hình thành phố trực thuộc Trung ương mà tỉnh hướng đến. Ông có thể giúp người dân hình dung về mô hình thành phố trong tương lai?

Căn cứ Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phân loại đô thị, tiêu chuẩn đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính. Hiện nay, sau khi bàn bạc, thống nhất, cơ bản mô hình thành phố trực thuộc Trung ương mà Thừa Thiên Huế đang hướng đến là thành phố có 9 đơn vị hành chính cấp huyện (bao gồm: 3 quận, 2 thị xã và 4 huyện). Theo đó,  TP. Huế hiện hữu sẽ chia thành 2 quận. TX. Hương Thủy thành lập thành quận. Huyện Phong Điền thành lập thành thị xã. TX. Hương Trà nhập thêm địa giới hành chính xã Dương Hòa (hiện thuộc TX. Hương Thủy). Nhập huyện Phú Lộc và huyện Nam Đông thành một huyện mới. Các huyện: Phú Vang, Quảng Điền, A Lưới giữ nguyên hiện trạng.

Khi thành lập thành phố trực thuộc Trung ương, số đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh sẽ giảm 10 đơn vị hành chính cấp xã, từ 141 đơn vị xuống còn 131 đơn vị.

Trân trọng cảm ơn Chủ tịch về cuộc trò chuyện!

LÊ THỌ (thực hiện)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

CHÀO MỪNG ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ KHỐI CƠ QUAN VÀ DOANH NGHIỆP TỈNH LẦN THỨ VII, NHIỆM KỲ 2020-2025
Bước phát triển của nhiệm kỳ

Nhiệm kỳ qua, trong điều kiện tiến hành sắp xếp tổ chức, bộ máy và cán bộ, nhưng dưới sự lãnh đạo trực tiếp và thường xuyên của Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy, Đảng ủy Khối Cơ quan và Doanh nghiệp (CQ&DN) tỉnh và các tổ chức cơ sở (TCCS) Đảng trực thuộc tiếp tục giữ vững vai trò hạt nhân chính trị, tăng cường đoàn kết, bám sát thực tiễn, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội nhiệm kỳ 2015-2020 đạt được những kết quả quan trọng trên các lĩnh vực.

Bước phát triển của nhiệm kỳ

TIN MỚI

Return to top