ClockChủ Nhật, 12/02/2017 05:56

Tác động bằng chính sách

TTH - Tại hội nghị tổng kết ngành nông nghiệp của tỉnh năm 2016, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Cao đã chỉ đạo: “Cán bộ ngành nông nghiệp phải bám cơ sở, tổ chức hướng dẫn, bàn bạc, tìm giải pháp phát triển sản xuất một cách hiệu quả”. Chỉ đạo của ông Nguyễn Văn Cao làm tôi nhớ lại hình ảnh của những cán bộ khuyến nông cách đây chừng 20 năm.

Ngành nông nghiệp cần có nhiều hơn những cải tiến

Khi ấy, kinh tế của tỉnh chưa phát triển mạnh như bây giờ. Trong phát triển kinh tế, chủ yếu là nông nghiệp. Mà nông nghiệp cũng chủ yếu là sản xuất lúa.

Để nâng cao năng suất lúa, ngành nông nghiệp đã có chủ trương đưa cán bộ làm công tác khuyến nông về bám cơ sở, thực hiện “3 cùng” với nông dân: cùng ăn, cùng ở, cùng làm.

So với thời gian trước đây, bây giờ điều kiện kinh tế xã hội đã khác. Việc tiếp cận thông tin bây giờ thuận lợi hơn nhiều, trình độ tiếp thu khoa học của bà con nông dân cũng chủ động hơn. Vì vậy, có khi “3 cùng” không còn phù hợp nữa, nhưng không có nghĩa là nông dân không cần công tác khuyến nông. Với điều kiện mới, công tác khuyến nông cũng phải thay đổi cho phù hợp.

Công tác khuyến nông phải được xây dựng dựa trên hai chiều. Các tiến bộ khoa học kỹ thuật phải được phổ biến để áp dụng vào thực tiễn sản xuất. Và từ thực tiễn sản xuất, phải đúc kết những cách làm ăn hay, hiệu quả, qua đó nghiên cứu xây dựng qui trình sản xuất phù hợp.

Ở vế thứ hai là hết sức quan trọng. Trong nhiều năm qua, thực tiễn sản xuất của nông dân đã xuất hiện những mô hình sản xuất hay, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, vì chủ yếu xuất phát từ kinh nghiệm, từ mày mò cho nên không phải lúc nào cũng thành công như nhau. Và không phải cách làm hay nào cũng nhân rộng được. Chính vì vậy, rất cần những nghiên cứu, đúc kết thành quy trình kỹ thuật cụ thể. Ví dụ như trước đây, việc sản xuất hoa và các loại rau màu không nhiều như bây giờ. Từ nhu cầu sử dụng các loại thực phẩm này ngày càng tăng, để đáp ứng nhu cầu đó, nhiều vùng trồng rau, trồng hoa chuyên canh ở ven thành phố và các huyện, thị xã hình thành. Tuy nhiên, cách sản xuất của người dân còn quá phụ thuộc vào tự nhiên, việc áp dụng kỹ thuật, nâng cao điều kiện canh tác chưa nhiều.

Như chuyện trồng rau, hoa trong nhà kính, nhà bạt. Cách đây 5 năm, có dịp thăm một số vùng hoa, vùng sản xuất rau ở Đà Lạt, ngoài khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp cho các loại cây trồng này, bà con nông dân ở đây còn áp dụng nhiều cải tiến trong sản xuất. Hầu hết các nhà vườn được bắt hệ thống nước tự động nên giảm được chi phí sản xuất. Họ trồng cây trong các nhà kính, nhà che bạt nilon để hạn chế những tác động của môi trường, thời tiết. Hỏi một nông dân trồng hoa ở Đà Lạt, đầu tư một nhà bạt che nilon, dàn làm bằng tre là bao nhiều tiền, họ cho biết  khoảng 60 triệu đồng một ha. Với bà con nông dân của chúng ta, một người trồng chỉ vài sào rau, vài sào hoa thì chắc vốn đầu tư không phải quá sức đối với họ, nhưng không hiểu vì sao mà nông dân của chúng ta ít áp dụng.

Từ đó, tôi nghĩ rằng, để khuyến khích người nông dân cải tiến một phần điều kiện sản xuất, ngành nông nghiệp nên nghiên cứu để đưa ra một qui trình chuẩn. Từ đó khuyến nghị cho nông dân cách làm; khuyến nghị với chính quyền có những giải pháp hỗ trợ. Nếu như người nông dân thiếu vốn, ngành nông nghiệp đề xuất với chính quyền xây dựng chính sách hỗ trợ. Ban đầu có thể làm ở quy mô nhỏ, sau đó nhân rộng dần ra. Ban đầu Nhà nước hỗ trợ một phần sau đó người nông thấy lợi họ tự động bỏ vốn làm. Nếu thiếu vốn thì bàn bạc cơ chế thế nào để nông dân được vay vốn.

Trong thực tiễn cuộc sống, chính quyền làm tốt việc xây dựng cơ chế chính sách để hỗ trợ phát triển, tạo môi trường tốt thì chắc chắn nông nghiệp sẽ phát triển thuận lợi. Gần đây trong phát triển trồng rừng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã làm một việc rất hay là hướng dẫn, hỗ trợ cho những người trồng rừng tham gia chương trình cấp chứng chỉ rừng trồng theo tiêu chuẩn FSC (phát triển rừng bền vững). Hay chương trình hỗ trợ nuôi bò bán thâm canh ở huyện Phong Điền gặt hái được những thành công và bây giờ cách làm này đã lan tỏa ra một số địa phương khác.

Vai trò của Nhà nước tác động để phát triển một ngành nào đó chính là xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích để ngành đó phát triển. Như hiện nay, nhu cầu thực phẩm sạch, thực phẩm an toàn là đòi hỏi của cuộc sống, nếu ngành chức năng như nông nghiệp, thương mại hướng dẫn cho người dân phương thức sản xuất an toàn, kiểm tra giám sát để người dân làm đúng, cấp giấy chứng nhận nguồn gốc xuất xứ, tạo điều kiện kết nối giữa sản xuất và thị trường thì chắc chắn rằng phương thức sản xuất thực phẩm sạch sẽ phát triển.

Việc sản xuất nông nghiệp của Việt Nam nói chung và Thừa Thiên Huế nói riêng chưa hình thành được chuỗi liên kết đi từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Mỗi một khâu hoạt động tách rời nhau. Điều này góp phần tạo nên các tầng nấc trung gian thu mua và phân phối sản phẩm nên giá cả và việc tiêu thụ sản phẩm hết sức bị động. Ở đây rất cần sự tác động của Nhà nước bằng cơ chế, chính sách giúp hình thành chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Ví dụ như hỗ trợ để xây dựng các điểm cung cấp thực phẩm sạch ra thị trường. Ban đầu có thể hỗ trợ, tạo điều kiện về mặt bằng. Khi ngành này lớn mạnh rồi thì giảm dần việc hỗ trợ hoặc thu tiền để đủ bù đắp. Làm như vậy sẽ tạo cơ hội cho nông sản sạch phát triển.

Bài: NGUYÊN LÊ - Ảnh: HẢI TRIỀU

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cán bộ cấp chiến lược là tầng lớp "tinh hoa" của đất nước

Tại Phiên họp đầu tiên của Tiểu ban Nhân sự Đại hội XIV của Đảng ngày 13/3/2024, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu chỉ đạo với chủ đề: "Một số vấn đề cần được đặc biệt quan tâm trong công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIV của Đảng".

Cán bộ cấp chiến lược là tầng lớp tinh hoa của đất nước
Cần có cơ chế, chính sách động viên đội ngũ văn nghệ sĩ

Tại buổi gặp các nghệ sĩ được phong tặng danh hiệu NSND, NSƯT, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương đã đề nghị Sở Văn hóa và Thể thao tham mưu, trình HĐND tỉnh ban hành sớm cơ chế, chính sách cho đội ngũ văn nghệ sĩ trên địa bàn tỉnh để động viên, khuyến khích cho những công hiến, tài năng của các nghệ sĩ.

Cần có cơ chế, chính sách động viên đội ngũ văn nghệ sĩ
HƯỚNG DÒNG VỐN VÀO LĨNH VỰC ƯU TIÊN:
Nhiều cơ chế, chính sách cho vay được mở rộng

Vấn đề này đã được ông Phạm Bá Nam, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh chia sẻ cùng Thừa Thiên Huế Cuối tuần khi trao đổi về hoạt động tín dụng năm 2024, trong bối cảnh kinh tế trong nước và quốc tế đang tác động tiêu cực đến tình hình hoạt động của doanh nghiệp.

Nhiều cơ chế, chính sách cho vay được mở rộng
Return to top