ClockThứ Năm, 28/11/2019 16:48

Tác nghiệp trong trận lũ lịch sử

TTH - Trận lũ lịch sử diễn ra từ ngày 1 - 5/11/1999 đã tàn phá dữ dội và gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản cho Thừa Thiên Huế. Toàn tỉnh có 373 người chết, 20 người mất tích; tài sản hư hỏng, mất mát ước tính ở thời điểm bấy giờ xấp xỉ gần 1.800 tỷ đồng.

Đầu tư phát triển lưới điệnTrường lớp giờ đã khang trangNhững bài học đắt giá

Tổng hợp những thiệt hại trên các lĩnh vực do trận lũ 1999 gây ra

Sự thiệt hại này, như nhận định của Bí thư Tỉnh ủy Ngô Yên Thi tại lễ truy điệu đồng bào, đồng chí đã hy sinh và tử nạn được tổ chức sau đó là đã “kéo tụt nền kinh tế - xã hội của tỉnh mất nhiều năm, đồng thời làm đảo lộn hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian đến. Đây là một thử thách hết sức cam go và quyết liệt đối với tỉnh ta trước thềm thế kỷ mới”.

Trong và sau trận “đại hồng thủy”, báo, đài đã cập nhật và liên tục đưa tin. Tổng bí thư Lê Khả Phiêu, Chủ tịch nước Trần Đức Lương, Thủ tướng Phan Văn Khải, Chủ tịch Quốc hội Nông Đức Mạnh cùng nhiều đồng chí lãnh đạo ở Trung ương và các địa phương đã trực tiếp về thăm, chỉ đạo.

Là người làm báo trực tiếp tác nghiệp trong suốt cả quá trình ấy, dù hai thập kỷ đã trôi qua, như nhiều đồng nghiệp khác, đến bây giờ tôi vẫn không thể quên hình ảnh người dân ở vùng thượng nguồn sông Hương nằm trên mái nhà chờ chết; hình ảnh của cô bé có tên là Diễm tay lật từng trang vở lấm lem bùn đất mếu máo “chỉ mong có sách vở để được đến trường”; là hình ảnh hàng chục con người dầm mình trong làn nước bạc áp đến mạn ca-nô để nhận từng gói mì ăn liền của đoàn cứu trợ. Có người miệng đang nhai ngấu nghiến nhưng theo bản năng, còn chìa tay xin thêm. Họ đã trải qua trên 3 ngày thiếu ăn, mất ngủ...

Hình ảnh đau lòng ấy  “lộ” ra khi lũ rút. Đó là sáng 5/11, cơ quan phân công anh Quý Hòa theo đoàn cứu trợ do anh Phan Công Tuyên phụ trách để đưa tin. Nơi đến là vùng thượng nguồn sông Hương, phía Dương Hòa.

Thủ tướng Phan Văn Khải thăm, tặng quà nhân dân xã Hương Thọ (Hương Trà) ảnh hưởng lũ 1999

Sau khi ghi hình đặc tả người đàn ông “vừa ăn, vừa ngửa tay xin”,  anh Quý Hòa rất muốn truyền ra Đài truyền hình Việt Nam - VTV. Có lẽ vì sợ hình ảnh nhạy cảm, có người cản, anh Quý Hòa quay quắt tìm gặp tôi. Xem xong, tôi khẳng định đây là hình ảnh tiêu biểu và đề nghị kỹ thuật cho truyền. Dù muộn một ngày, nhưng tối hôm đó (6/11), trong bản tin Thời sự lúc 19 giờ, VTV đã phát nguyên hình ảnh ấy kèm lời bình của BTV Thanh Lâm. Trăm nghe không bằng một thấy. Đồng bào trong, ngoài nước gọi điện về khóc nức nở.

Rạng sáng ngày 2/11/1999 tôi nhận điện thoại của Giám đốc Đài Truyền hình Huế Ngô Quang Ân: “Nhà mình đã bị lụt chắc không lên cơ quan được, anh chủ động ứng tiền, bố trí anh em tranh thủ làm tin để truyền cho Trung ương”.

Nhà Giám đốc Ân ở khu tập thể Bà Triệu bị lũ hẳn những nơi khác sẽ bị ngập sâu hơn. Nghĩ vậy, tôi vội mang theo áo quần dự phòng, đi dép, mặc quần short và không quên ghé quán mua thêm ít xôi cho anh em đến sớm chưa kịp ăn sáng. Trời mỗi lúc mỗi mưa to, vì lũ nên có nhiều phóng viên gọi đến xin phép vắng mặt.

Do Minh Thục là nữ, sợ ở lại bất tiện nên tôi cho về; số còn lại, phân cặp một biên tập, một quay phim. Đại Dương - Dương Chiến về “rốn lũ” Phú Hiệp; Phú Thạnh - Bá Thanh “bám” theo lãnh đạo; Hồng Thảo - Quốc Phương tác nghiệp ở vùng nam sông Hương. Anh Ngọc Toan, vì lớn tuổi nên lo chuyện "bếp núc".

Phân công xong, tôi lội về Ban chỉ huy phòng bão lụt ở số 4 Trần Cao Vân. Đứng ở tầng 2 nhìn xuống, đường Hà Nội nước đã biến đường thành sông. Đúng 10 giờ mất điện. Đúng 12 giờ, tất cả hệ thống điện thoại cố định không liên lạc được.

Để duy trì sự chỉ đạo, các anh: Ngô Yên Thi, Hồ Xuân Mãn, Nguyễn Văn Mễ quyết định dời “sở chỉ huy” về tầng 2 của Bưu điện Huế ở đường Hoàng Hoa Thám, nơi vừa lập 8 đường dây nóng. Nhờ có nó nên hàng ngày chúng tôi đều FAX nội dung và truyền hình ảnh cho VTV; thậm chí, trưa ngày 3 và tối ngày 5/11 còn lập cầu truyền hình.

Trở lại với ngày tác nghiệp đầu tiên: 2/11. Nhóm Dương Chiến thuật lại: “Khi vượt sông Đông Ba, nào ngờ đến giữa dòng thì thuyền bị đẩy xuống quá cầu Thanh Long, chèo chống mãi đến trưa mới tiếp cận được Phú Hiệp, lúc này ở đây nước mấp mé mái nhà. Bấm máy, video báo DEW - do bị ẩm nên máy không ghi hình được!”.

Thuở đó, chúng tôi chỉ được trang bị máy ghi hình rẻ tiền - VHS nên thường bị DEW do tác nghiệp trong môi trường quá ẩm. Khi không có điện, muốn khởi động, chỉ còn cách dùng hơi ấm của con người để “sưởi” cho máy; nhờ áp dụng cách này mà Dương Chiến ghi được cảnh nhà cửa bị cuốn trôi trên sông Hương và lũ đang mấp mé cầu Trường Tiền; còn Bá Thanh ghi được cảnh người chết là nhờ tranh thủ khi đoàn của Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Hồ Xuân Mãn dừng lại thăm hỏi bà con ở Hương Trà đã tận dụng hơi nóng của cơ thể khi lội nước để sấy máy.

Có câu chuyện đến giờ nhớ lại vẫn thương. Đó là trưa 2/11.Thấy nước đang dâng, tôi đề nghị tìm mọi cách tiếp cận cho được Khách sạn Morin, vì chỉ đứng ở tầng cao của khách sạn này mới “đón” được cảnh lũ tràn qua cầu Trường Tiền. Nghĩ đến cảnh nguy hiểm vừa diễn ra ban sáng, tôi không phân công mà chỉ đề nghị, ai tự nguyện thì lên đường. Điểm lại có 4, gồm 1 biên tập là Phú Thạnh và 3 quay phim là Ngọc Toan, Dương Chiến, Bá Thanh. Khi đoàn xuất phát tôi thấy có thêm anh Võ Triết của TRT.

Đến chiều cả nhóm lục tục quay về trong tâm trạng của người lính thất trận.

Do không thuê được thuyền, họ lội bộ. Khi đến ngã tư Trần Cao Vân - Phạm Hồng Thái thì bị lũ đẩy dạt vào tường rào của Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp. May có ca-nô công an ứng cứu nên mới về được cơ quan.Tôi hoảng hồn khi phát hiện cả nhóm không ai biết bơi!

Sáng 3/11, điểm lại, Phòng Thời sự chỉ còn đúng 6 người. Do máy ghi hình chiếc bị DEW, chiếc thì hết pin, buộc tôi đi đến quyết định cho cạy tủ của những quay phim vắng mặt để tái trang bị; nhờ vậy mà các phóng viên: Đại Dương - Dương Chiến; Phú Thạnh - Bá Thanh; Quốc Phương - Hồng Thảo có đủ phương tiện tác nghiệp.

Từ ngày 4/11, ở phía Nam sông Hương, một số nơi nước bắt đầu rút.

Do mất liên lạc nên lãnh đạo tỉnh phân công nhau về các huyện  nắm tình hình. Tôi đề nghị anh Đinh Hiếu (Phòng Chuyên mục) theo đoàn của Bí thư Tỉnh ủy Ngô Yên Thi đi Quảng Điền; phân công cặp Phú Thạnh-Bá Thanh theo đoàn của Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Hồ Xuân Mãn ra Phong Điền; Đại Dương - Dương Chiến theo Đại tá Giám đốc Công an tỉnh Bạch Hiền về Phú Vang.

Biết đường 49B bị vỡ mở ra cửa biển mới ở Hòa Duân, dân chết nhiều, nhưng theo Đại tá Bạch Hiền “ca nô không tài nào sang được”. Hết quay phim, tôi đặt vấn đề mượn anh Ngọc Nam (Công an) cùng BTV Hồng Thảo theo đoàn của Đại tá,  Phó Giám đốc Công an Nguyễn Xuân Hùng về Phú Lộc, khi biết nơi có nhiều người chết do bị núi lở.

Sau 3 ngày, 3 đêm thiếu ăn và mất ngủ, lại liên tục dầm trong nước bạc nên đến ngày 5/11, khi nước đã rút, tôi đề xuất cho số anh em đã kiệt sức được nghỉ ngơi.

Tôi nhớ nhất là đêm đầu tiên. Cả một ngày dầm trong nước bạc nhưng đêm ấy, 7 anh em chỉ còn đúng 5 gói mì ăn liền. Khi còn chừng một bát, thấy mọi người nhường nhau, Bá Thanh trút hết vào tô rồi mang đi. Tôi hỏi, sao Thanh không ăn?  

- Dạ em mang xuống cho bà ở dưới này.

“Bà ở dưới này” có tên là Thẻo quê ở Vinh Hưng - Phú Lộc đang sống tại khu định cư Trường An. Bà gánh hàng thuê ở chợ Đông Ba, trên đường về nhà thì bị kẹt, thương tình anh em đón lên ca nô đưa về cơ quan trú lại.

Nay Bá Thanh đã qua đời nhưng tính nhân văn và việc làm đầy sáng tạo trong những ngày lũ dữ của phóng viên quay phim này vẫn luôn đọng lại trong ký ức của tôi.

Chính nhờ những con người xông pha như thế nên hậu thế mới có dịp hình dung phần nào về trận lũ lịch sử 1999 qua những thước phim tư liệu.

Bài, ảnh: Phạm Hữu Thu

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Biến đổi khí hậu có thể khiến GDP toàn cầu năm 2050 giảm gần 20%

Một nghiên cứu do chính phủ Đức hỗ trợ cho thấy đến giữa thế kỷ này, thiệt hại đối với nông nghiệp, cơ sở hạ tầng, năng suất và sức khỏe con người do biến đổi khí hậu ước tính có thể lên đến khoảng 38.000 tỷ USD/năm, tức gần 1/5 GDP toàn cầu, bất kể nhân loại có cắt giảm khí carbon gây ô nhiễm mạnh mẽ đến đâu.

Biến đổi khí hậu có thể khiến GDP toàn cầu năm 2050 giảm gần 20
Rừng A Lưới bị cháy do sét đánh

Vụ cháy rừng ở A Lưới được xác định xảy ra vào sáng sớm 17/4, phải đến chiều cùng ngày, các lực lượng mới dập tắt. Đến ngày 18/4, các lực lượng vẫn tiếp tục kiểm tra, theo dõi nhằm ngăn chặn kịp thời lửa rừng có thể tái bùng phát.

Rừng A Lưới bị cháy do sét đánh
Mỹ hứng chịu con số kỷ lục về thảm họa “tỷ USD” trong năm 2023

Dữ liệu từ Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia (NOAA) cho biết Mỹ đã hứng chịu nhiều trận lũ lụt, hỏa hoạn và các thảm họa khí hậu khác gây thiệt hại hàng tỷ USD (mỗi thảm họa) trong năm 2023 và nhiệt độ trung bình của nước này cao thứ năm trong lịch sử.

Mỹ hứng chịu con số kỷ lục về thảm họa “tỷ USD” trong năm 2023
Trao 90 suất quà hỗ trợ tiểu thương chợ Khe Tre

Ngày 5/12, Hội Chữ thập đỏ tỉnh cùng UBND huyện Nam Đông tổ chức gặp mặt động viên, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của các tiểu thương chợ Khe Tre sau vụ thiệt hại do hỏa hoạn.

Trao 90 suất quà hỗ trợ tiểu thương chợ Khe Tre
Return to top