ClockThứ Năm, 28/01/2016 15:57

Tái cơ cấu ngành thủy sản: Cần giải pháp căn cơ

TTH - Để phát huy tối đa tiềm năng, thúc đẩy phát triển sản xuất, ngành thủy sản tiến hành tái cơ cấu theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và bền vững.

Mừng và lo

Ông Đặng Duy Đấu, một hộ nuôi trồng thủy sản ở xã Hương Phong (TX Hương Trà) chia sẻ: “Gần đây, người dân được các cơ quan chức năng tổ chức tập huấn, chuyển giao các tiến bộ khoa học, kỹ thuật trong trồng. Chất lượng thủy sản tăng nhờ đưa nhiều loại cá ngon, có giá trị kinh tế vào sản xuất. Người dân chuyển sang nuôi xen ghép tôm-cua-cá, tuy lãi không cao nhưng khá an toàn, hạn chế tối đa thiệt hại do dịch bệnh”. Các loại thủy sản có chất lượng, giá trị kinh tế cao được người dân mở rộng diện tích nuôi như cá dìa, cá đối mục, ong bầu, cá nâu, cá mú, hồng mỹ, chình, lươn đồng… Nhiều hộ ở các vùng đầm phá thoát nghèo, vươn lên khá giả nhờ nuôi cá. Nuôi tôm chân trắng trên cát tuy vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhưng mở ra hướng đi mới trong phát triển thủy sản.

Ngư dân Thuận An trúng đậm cá thu

 

Cách đây hơn một năm, số tàu đánh bắt xa bờ toàn tỉnh chỉ 265 chiếc, đến nay có 325 tàu đánh bắt xa bờ, tăng 60 chiếc. Riêng tàu công suất lớn 400 CV trở lên từ 38 chiếc tăng lên 92 chiếc. Trước đây, các tàu xa bờ chủ yếu đánh bắt cá nục, cá cơm, cá hố, bạc má, cá sòng… thì nay chuyển sang đẩy mạnh đánh bắt các loại cá ngừ, cá thu, chủa, cá cờ, cá cam có giá trị kinh tế cao. Ông Trần Vẹn ở xã Lộc Tiến (Phú Lộc) phấn khởi: “Nghị định 67 của Chính phủ đã tạo động lực cho ngư dân quyết tâm bám biển, cải hoán, đóng mới tàu công suất lớn để vươn khơi. Tôi và các con tự bỏ vốn đóng mới thêm 2 chiếc tàu đánh bắt xa bờ và làm dịch vụ hậu cần”.

Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành thủy sản vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Ông Trần Gia Duy, Phó Chủ tịch UBND xã Điền Hương (Phong Điền) cho biết, hệ thống thủy lợi, ao lắng, xử lý môi trường… ở các vùng nuôi tôm chân trắng trên địa bàn xã, cũng như các địa phương khác chưa được xây dựng. Các trang thiết bị máy móc kiểm tra chất lượng nguồn giống còn hạn chế, người dân chọn giống chủ yếu bằng cảm quan, mắt thường. Nhiều nơi đã hình thành vùng nuôi tôm 5-10 ha, song chủ yếu tự phát, không có tổ chức nào quản lý… Điều đó dẫn đến tôm nuôi thường xảy ra dịch bệnh, thiệt hại lớn. Nhiều hộ bị thua lỗ, nợ nần vì tôm chết.

Chủ tịch UBND xã Phú Thuận (Phú Vang)-Đặng Tiến Tùy cho rằng, đánh bắt xa bờ còn thiếu công nghệ, như thiết bị dò cá, đèn LED (tiết kiệm năng lượng), hệ thống lưới quá ngắn, thấp nên chưa phát huy hiệu quả. Công nghệ bảo quản chưa có, ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng sản phẩm, sản lượng bị giảm khoảng 20%/năm, tương đương 7.000 tấn, trị giá trên 100 tỷ đồng. Số tàu đánh bắt xa bờ tăng nhanh, nhưng hệ thống âu thuyền, bến cảng bị xuống cấp, quy mô không đáp ứng yêu cầu. Một số cảng biển bị bồi lấp, khiến việc ra vào, neo đậu tàu thuyền gặp nhiều khó khăn…

Hướng đến hiệu quả, bền vững

Mục tiêu trong tái cơ cấu ngành thủy sản là nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và bền vững. Để thực hiện có hiệu quả mục tiêu này, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Lê Trần Nguyên Hùng cho rằng, giải pháp căn cơ là cần đầu tư cơ sở hạ tầng, chuyển giao khoa học công nghệ mới, hiện đại cho nuôi trồng và đánh bắt thủy sản. Xác định nuôi tôm chân trắng là chủ lực, việc đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi, ao lắng, xử lý môi trường là yêu cầu cấp thiết. Mới đây, UBND tỉnh có quyết định đầu tư hơn 100 tỷ đồng xây dựng trạm bơm, kênh mương thoát nước, ao xử lý môi trường… cho vùng nuôi tôm trên cát ở Ngũ Điền (Phong Điền).

Nuôi xen ghép được xác định là mô hình bền vững, ít dịch bệnh, mang lại nguồn thu nhập khá cho người dân. Các địa phương phối hợp với ngành nông nghiệp, tổ chức tuyên truyền, vận động và hướng dẫn người dân tăng mật độ nuôi nhằm nâng cao năng suất, hiệu quả kinh tế. Tiềm năng nuôi trồng thủy sản trên các hồ chứa thủy lợi, thủy điện cần được khai thác, phát huy. Thực tế cho thấy, nhiều hộ thuê mặt nước ở các hồ chứa, nuôi cá lồng mang lại hiệu quả cao… Trong nuôi trồng thủy sản nói chung cần thay đổi hình thức từ nhỏ lẻ, hộ cá thể sang mô hình cộng đồng, nhóm hộ, tổ hợp tác, hợp tác xã. Đây là hình thức sản xuất hiệu quả, đồng thời chia sẻ rủi ro, dịch bệnh, giống, nguồn vốn…

Theo Chủ tịch Hiệp hội Nghề cá tỉnh - Nguyễn Lương Hiền, ngành thủy sản cần nâng cao chất lượng thủy sản, an toàn sinh học nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường trong tiến trình hội nhập. Các hộ dân cần được chuyển giao khoa học kỹ thuật, công nghệ nuôi trông thủy sản theo hướng công nghiệp, hạn chế tối đa sử dụng hóa chất, kháng sinh. Các thiết bị máy móc kiểm tra chất lượng tôm giống cần được quan tâm đầu tư. Giống mua về trước khi thả nuôi phải ương dưỡng, theo dõi và xử lý mầm bệnh. Sử dụng chế phẩm sinh học trong quá trình nuôi trồng nhằm tạo ra sản phẩm an toàn, đáp ứng yêu cầu thị trường ngày càng khắt khe, nhất là trong tiến trình hội nhập.

Ông Lê Trần Nguyên Hùng kiến nghị, trước yêu cầu nâng cao hiệu quả đánh bắt xa bờ, Nhà nước cần sớm đầu tư xây dựng, nâng cấp các âu thuyền, bến cảng neo đậu tàu thuyền. Ngành thủy sản và các địa phương cần tổ chức tập huấn nâng cao năng lực đánh bắt xa bờ, vận động ngư dân mạnh dạn nâng cấp, cải hoán, đóng mới tàu công suất lớn; mua sắm, thay đổi công nghệ đánh bắt hiện đại như máy dò cá, đèn LED (tiết kiệm năng lượng đến 80%). Lưới đánh bắt hải sản phải được mở rộng cả chiều dài lẫn chiều cao. Ngư cụ cần đa dạng, hiện đại, hướng đến khai thác nhiều đối tượng có giá trị kinh tế cao như cá ngừ đại dương xuất khẩu. Chuyển đổi việc bảo quản hải sản, sang công nghệ bảo quản mới, hiện đại hơn nhằm hạn chế thất thoát và đảm bảo chất lượng hải sản… Trong khai thác sông đầm cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ kinh phí, phương tiện, nhiên liệu cho các chi hội nghề cá, đảm bảo quản lý, khai thác tài nguyên một cách hiệu quả và bền vững.

Bài, ảnh: Hoàng Triều
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tìm giải pháp để sân khấu Việt 'cất cánh'

Nếu như năm 2022, sân khấu Việt có sự tăng tốc, bứt phá mạnh mẽ cả về lượng và chất, sang năm 2023, sân khấu Việt lại có phần ảm đạm. Đâu là lý do của tình trạng này và làm thế nào để sân khấu Việt "cất cánh" trong những năm tiếp theo là một “bài toán khó” mà những người yêu sân khấu đang nỗ lực tìm lời giải.

Tìm giải pháp để sân khấu Việt cất cánh
Đề xuất giải pháp hoàn thành 130.000 căn nhà ở xã hội

Tại hội nghị do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì về tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội diễn ra ngày 16/3, Bộ Xây dựng đã kiến nghị nhiều giải pháp để đảm bảo mục tiêu hoàn thành 130.000 căn hộ nhà ở xã hội trong năm 2024.

Đề xuất giải pháp hoàn thành 130 000 căn nhà ở xã hội

TIN MỚI

Return to top