ClockThứ Hai, 21/08/2017 14:11

Tái cơ cấu nông nghiệp: Gỡ khó cho cánh đồng lớn

TTH - Thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, các địa phương đã xây dựng được cánh đồng lớn (CĐL) với sự “bắt tay” của nhiều doanh nghiệp (DN).

Đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp tại Quảng Điền.

Liên kết

Từ lâu, đầu ra cho hạt lúa trở thành bài toán “đau đầu” cho nhiều HTX. Điệp khúc “được mùa mất giá” ở nhiều địa phương do sản xuất manh mún, thiếu bền vững. Việc liên kết với các DN kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, hình thành CĐL chuyên canh lúa thịt, lúa giống và lúa hữu cơ đã tạo cho hạt lúa tính hàng hóa, người nông dân (ND) yên tâm sản xuất.

Ông Dương Văn Đầm (thôn Trung An, xã Phú Hồ) cho biết, trước đây ông trồng các giống lúa truyền thống, một phần để ăn, phần để bán ra thị trường là các chợ nhỏ nên giá cả bấp bênh. Nay được Công ty TNHH Giống cây trồng Liên Việt (Công ty Liên Việt) hỗ trợ trồng 6 sào, bao tiêu 100% sản phẩm lúa giống, được cung ứng giống đầu vào, các loại vật tư và thông qua HTX để “khấu trừ” sau mỗi mùa vụ. Hiện nay, giống Khang Dân, HT1 đạt năng suất 4- 4,2 tạ/sào, mỗi sào sau khi trừ chi phí lãi khoảng 600-700 nghìn đồng.

Ông Hồ Bạn, Giám đốc HTX NN Phú Hồ đánh giá, việc liên kết sản xuất với Công ty Liên Việt, đã giải quyết được lượng lúa dư thừa sau mỗi mùa vụ trong dân nên tránh được tình trạng tư thương ép giá dẫn đến bà con ND thua lỗ. “Với CĐL 20 ha lúa HT1 và Khang Dân của 35 hộ dân tham gia sản xuất, công ty cam kết thu mua lúa giống cho bà con ND “nhỉnh” hơn thị trường khoảng 1,3 nghìn đồng/kg, mang lại lợi nhuận khoảng 12 triệu đồng/ha, ổn định, lãi cao hơn so với sản xuất truyền thống”.

Ông Lê Hữu Roăng, Giám đốc Công ty Liên Việt cho biết: ND liên kết với công ty tham gia sản xuất trên CĐL ngoài được bao tiêu sản xuất, còn phải tuân thủ quy trình sản xuất, dưới sự giám sát của cán bộ kỹ thuật trong phòng trừ sâu bệnh, loại thải những hạt lúa lai trong quá trình trồng; việc thu hoạch cũng phải tập trung để tránh lẫn lộn với nguồn giống khác. Công ty cũng đã đầu tư 2 máy sấy khô lúa công suất 20 tấn/10 giờ nên chất lượng nguồn lúa giống luôn đảm bảo.

Năm 2016-2017, HTX NN Đông Toàn (xã Hương Toàn, TX.Hương Trà) liên kết với Công ty CP Vật tư nông nghiệp (VTNN) tỉnh, xây dựng CĐL sản xuất cây lúa thịt với diện tích gần 30 ha (trên tổng số 60 ha toàn xã). Được chính quyền địa phương hỗ trợ, HTX Đông Toàn đã bố trí quỹ đất, thực hiện vùng đất chuyên canh hai giống lúa NA2 và BT7 cho 65 hộ tham gia tại hai đội sản xuất Giáp Trung và Giáp Kiềng.

“Với năng suất từ 3,5-3,7 tạ/sào, Công ty VTNN tỉnh tiến hành bao tiêu sản phẩm, mua lúa thịt với giá chênh lệch thị trường từ 500-600 đồng/kg, người trồng lúa lãi 500-600 nghìn đồng/sào”, ông Đoàn Dàng, Giám đốc HTX NN Đông Toàn, khẳng định.

 Cánh đồng lớn sản xuất giống NA2 trên địa bàn xã Phú Lương, Phú Vang

Còn nhiều vướng mắc

Theo Sở NN&PTNT, tình hình sản xuất nông nghiệp có nhiều chuyển biến tích cực. Trong đó, riêng cây lúa, vụ đông xuân 2016-2017 đạt năng suất 62,4 tạ/ha, sản lượng đạt gần 178.500 tấn, cao nhất từ trước đến nay. Bước đầu đã kết nối với DN hình thành các CĐL chuyên canh cây lúa thịt, lúa giống và lúa hữu cơ như với Công ty CP Giống Cây trồng và Vật nuôi tỉnh (410 ha), Công ty VTNN tỉnh (28ha), Công ty TNHH MTV Quế Lâm Miền Trung (146 ha), Công ty Liên Việt (20ha).

Ông Cái Văn Thám, Chi cục trưởng Chi cục TT&BVTV tỉnh cho biết, theo đề án tái cơ cấu nông nghiệp tỉnh giai đoạn 2016-2020, đến năm 2020, sẽ đưa tỷ lệ sử dụng giống lúa xác nhận đạt 98% diện tích gieo cấy, diện tích lúa CĐL có liên kết với các DN trong tiêu thụ sản phẩm gần 6.000 ha (hiện tại mới 3.900 ha). Theo đó, sẽ triển khai, nhân rộng thêm CĐL tại các địa phương như Quảng Điền, Phong Điền, Hương Trà, Phú Vang, Hương Thủy.

Để thực hiện được bước đột phá này, ngay từ năm 2014, UBND tỉnh đã có Quyết định số 1906 về việc ban hành quy định tiêu chí CĐL trên địa bàn tỉnh, trong đó có CĐL cho cây lúa. Cụ thể, ngoài tiêu chí bắt buộc như phù hợp với quy hoạch địa phương; áp dụng đồng bộ quy trình sản xuất được thống nhất giữa các bên tham gia liên kết; có ít nhất một trong các hình thức liên kết sản xuất và tiêu thụ đối với sản phẩm lúa thông qua hợp đồng. Diện tích cây lúa theo CĐL là vùng sản xuất tập trung, có quy mô diện tích ít nhất 20 ha (đối với lúa thịt) và 10 ha (đối với lúa giống). Vùng sản xuất tập trung đối với cây lúa là cánh đồng được tạo bởi các thửa ruộng liền bờ, liền khoảnh.

Tiêu chí CĐL đối với cây lúa là 20 ha. Thế nhưng, nhiều địa phương diện tích ruộng lúa còn manh mún, chưa tập trung. Từ năm 2013-2014, CĐL thực hiện thành công nhất là Thủy Thanh (Hương Thủy) và Phú Hồ (Phú Vang) với 2 giống HT1 và BT7 do người dân tự thấy được lợi ích, tự nguyện phá bờ vùng bờ thửa phục vụ sản xuất.

“Tuy nhiên, hiện nay việc hình thành CĐL đang đối diện với một số khó khăn như công tác dồn điền đổi thửa chưa thực hiện hiệu quả tại một số địa phương, vốn, kỹ thuật, cơ chế cho DN còn hạn hẹp, việc tổ chức thực hiện khó khăn do tính đồng bộ không cao nên nhiều lúc DN cũng nản lòng”, ông Thám nói.

“Cần phải thay đổi tư duy “tiểu nông”, trang bị kỹ thuật, vốn đầu tư cho ND thông qua các buổi tập huấn, hội nghị đầu bờ, lồng ghép vốn trong xây dựng NTM. Các địa phương tiếp tục vận động, thu hút đầu tư từ ngân sách, từ nguồn vốn đầu tư nước ngoài, tăng hợp lý tỷ trọng vốn đầu tư từ ngân sách tỉnh. Bởi, theo dự kiến tổng nhu cầu vốn đầu tư giai đoạn 2016-2020 cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng nông nghiệp, phục vụ sản xuất là 6.800 tỷ đồng.

Các địa phương có tiềm năng lợi thế về sản xuất lúa, chính quyền địa phương cần chú trọng quy hoạch dồn điền đổi thửa, tăng cường liên kết với các DN, chuyển giao kỹ thuật cho người ND và hình thành các tổ, nhóm sản xuất có sự liên kết giữa các ND trong nhóm hộ; giữa ND và DN để chủ động khâu tiêu thụ”, ông Thám đề xuất

Vùng sản xuất lúa kháng rầy

Toàn tỉnh hàng năm đưa vào sản xuất khoảng 52 nghìn ha lúa, năng suất bình quân đạt 62 tạ/ha. Vụ hè thu năm nay ngành nông nghiệp đã phát triển thêm một số vùng chuyên canh sản xuất các giống lúa kháng rầy, lúa hữu cơ với các giống như HP28, PC6, DT34, HP05, ĐT39, BT7. Đây là các giống lúa ngắn ngày, cho chất lượng thơm ngon.

Bài, ảnh: Hà Nguyên

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Gỡ khó cho đầu tư khu công nghiệp sinh thái

Với mục tiêu đặt ra là đến năm 2030, khoảng 40-50% địa phương trong cả nước có kế hoạch chuyển đổi các khu công nghiệp hiện hữu sang khu công nghiệp sinh thái và 8-10% địa phương có định hướng xây dựng khu công nghiệp sinh thái mới, nhu cầu vốn đầu tư là rất lớn.

Gỡ khó cho đầu tư khu công nghiệp sinh thái
Ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp.

Nông nghiệp huyện Phú Lộc đang từng bước chuyển dịch theo hướng hàng hóa, ứng dụng khoa học, kỹ thuật, công nghệ mới nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Sản xuất gắn với bảo quản, chế biến, quảng bá và liên kết tiêu thụ sản phẩm nên người dân yên tâm.

Ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp
Dấu ấn khuyến nông

Dù có những lúc thăng trầm, nhưng đến thời điểm này ngành nông nghiệp tỉnh đã có bước chuyển mình đáng ghi nhận, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế của tỉnh. Trong sự chuyển biến chung đó phải kể đến dấu ấn quan trọng của hoạt động khuyến nông.

Dấu ấn khuyến nông
Thị trường carbon: Chìa khóa chuyển đổi xanh

Thị trường carbon được coi là một trong những công cụ quan trọng trong việc giảm nhẹ phát thải khí nhà kính với chi phí của doanh nghiệp và xã hội thấp, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050” của Việt Nam.

Thị trường carbon Chìa khóa chuyển đổi xanh
Phát triển nông nghiệp tuần hoàn, công nghệ cao

Trên cơ sở kinh tế nông nghiệp tuần hoàn (NNTH), nhiều nông dân các địa phương đã xây dựng mô hình, tổ hợp trang trại chăn nuôi khép kín an toàn sinh học (ATSH), mang lại thu nhập cao và góp phần bảo vệ môi trường.

Phát triển nông nghiệp tuần hoàn, công nghệ cao
Return to top