ClockThứ Tư, 27/04/2016 10:07

Tái diễn khai thác cát biển

TTH - Tình trạng khai thác cát ven biển tái diễn ở một số địa phương huyện Phú Vang tuy không rầm rộ như thời gian trước, nhưng cũng tiềm ẩn nguy cơ sạt lở, ảnh hưởng môi trường bãi tắm.

Khai thác cát bừa bãi tại biển Vinh Thanh

Giữa trưa, con đường bê tông (thuộc thôn 5 và 6), dẫn ra biển Vinh Thanh vẫn có từng đoàn xe trâu từ 2-3 chiếc/lượt ra “ăn” cát. Các “lái” xe trâu xúc cát từ 2-3 xe một lượt, cách bờ biển chừng 4-5m. Tuy không tạo thành những hố sâu như các đợt khai thác trước đây, nhưng việc khai thác cát vô tội vạ như hiện nay cũng làm thấp bờ biển, rừng dương mất điểm tựa, gây nguy cơ sạt lở, xâm nhập mặn đe dọa vùng nuôi trồng thủy sản khi mùa mưa bão tới.

Theo các hộ dân, gần đây giá cát xây dựng lên cao nên các hộ dân có xe trâu, tận dụng khai thác cát biển làm vật liệu xây nhà hoặc bán cho các xe tải chở cát trong và ngoài xã với vài chục nghìn đồng/xe trâu. Ông N.V.Đ (thôn 5, xã Vinh Thanh) cho biết: “Xã cấm lấy cát lâu rồi, ở đây bà con chỉ ra kiếm vài xe vô làm nhà thôi. Cũng có mấy hộ lấy cát bán cho xe tải ở Vinh Hiền”. Chỉ “kiếm vài xe làm nhà”, nhưng theo quan sát của chúng tôi, từ buổi trưa đến cuối giờ chiều, ông Đ., chở chừng trên 15 chuyến. Các “lái” trâu khác cũng chở từng tốp vài xe, mỗi xe vài chục chuyến vào tập kết ở rừng dương, chờ xe tải tới lấy hoặc chở thẳng về nhà.

Theo quy định việc lấy đất, cát san lấp, làm vật liệu xây dựng phải có vùng quy hoạch của UBND tỉnh. Riêng vùng biển hiện không có quy hoạch nên nghiêm cấm khai thác cát dưới mọi hình thức. Tại các vùng biển, nếu người dân, doanh nghiệp khai thác cát ồ ạt làm vật liệu xây dựng, gây sạt lở biển, đe dọa rừng phòng hộ, vùng nuôi trồng thủy sản thì cần phải xử lý.

Cách đây vài năm, do tình trạng khai thác cát biển diễn ra rầm rộ, để lại hố sâu bên bờ biển nên chính quyền xã Vinh Thanh đã tiến hành nhiều biện pháp ngăn chặn, yêu cầu các hộ dân ký cam kết không tái phạm. Tuy nhiên, thời gian gần đây, các hố dân khai thác cát bề mặt, lấy nhiều điểm khác nhau nên không để lại hố sâu mà chỉ làm thấp bờ biển. Điểm khai thác cát ở thôn 5 và thôn 6 không chỉ ảnh hưởng bờ biển mà còn “đe dọa” bãi tắm Vinh Thanh với nhiều hàng quán buôn bán của các hộ dân. Nhiều điểm khai thác cát ở nơi này chỉ cách bãi tắm từ 150-200m.

Theo tìm hiểu, toàn xã Vinh Thanh có khoảng 30 hộ dân làm nghề lái xe trâu, chuyên khai thác cát biển làm vật liệu xây dựng gia đình hoặc bán, tập trung chủ yếu ở các thôn 2,5,6. Tình trạng khai thác cát còn diễn ra ở vùng biển thuộc xã Vinh Xuân cùng huyện.

Ông Nguyễn Trường Chính, Chủ tịch UBND xã Vinh Thanh cho biết: “Trước đây, các hộ lái xe trâu tham gia khai thác cát biển khá nhiều, giờ số xe trâu đã ít lại, do bà con chuyển đổi sang nghề khác. Xã từng làm tờ trình xin cấp trên quy hoạch, cấp điểm khai thác cát nhưng không được đáp ứng”. Ông Chính cũng thừa nhận: “Đối với các hộ làm nghề lái xe trâu, chủ yếu các thôn 2 và 6, địa phương đã yêu cầu các hộ dân này ký cam kết không tham gia khai thác cát ven biển. Tuy nhiên, hiện vẫn còn một số ít hộ khai thác bằng xe trâu, chủ yếu phục vụ xây dựng trong gia đình chứ không có chuyện khai thác cát bán cho xe tải chở ra ngoài địa phương. Cái này ở xã Vinh Hiền mới có”.

Hà Nguyên

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Dâng hương kỷ niệm 49 năm ngày giải phóng quê hương

Kỷ niệm 49 năm Ngày giải phóng quê hương Thừa Thiên Huế (26/3/1975 - 26/3/2024), chiều 25/3 tại nghĩa trang liệt sĩ huyện, Huyện ủy – HĐND – UBND – UBMTTQVN huyện Phú Vang đã tổ chức đặt vòng hoa, dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ.

Dâng hương kỷ niệm 49 năm ngày giải phóng quê hương
Quán triệt Chỉ thị 42 đến hội viên nông dân Phú Vang

Chiều 20/3, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ đã quán triệt Chỉ thị số 42-CT/TU, ngày 8/8/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy “Về định hướng xây dựng, phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” cho hơn 300 cán bộ, hội viên nông dân trên địa bàn huyện Phú Vang.

Quán triệt Chỉ thị 42 đến hội viên nông dân Phú Vang
Return to top