ClockThứ Ba, 03/10/2017 05:56
LUỒNG LẠCH CẢNG CHÂN MÂY:

Tái diễn tình trạng mất an toàn

TTH - Một lần nữa, Công ty CP Cảng Chân Mây có văn bản gửi UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan chức năng đồng loạt vào cuộc giải quyết tình trạng đặt đáy lưới trên luồng tàu, vùng đậu tàu tại Cảng Chân Mây (huyện Phú Lộc) uy hiếp nghiêm trọng an toàn luồng lạch tại đây.

Ngư dân đặt ngư lưới cụ trong khu vực luồng lạch Cảng Chân Mây

Vẫn còn ngư dân khai thác

Theo thống kê của UBND xã Lộc Vĩnh, toàn xã có hơn 200 hộ dân ở các thôn Bình An 2 và Phú Hải, chuyên làm nghề khai thác tôm hùm và một số loài hải sản trong và ngoài khu vực Cảng Chân Mây. Từ công tác vận động, kiểm tra, nhắc nhở, số hộ vào khai thác trong luồng tàu, nơi đậu tàu đã giảm rõ rệt, ngư dân chuyển qua khai thác ở các vùng biển ở mũi Ếch, núi Dòn, bãi Bàng. Tuy nhiên, vì lợi nhuận, sinh kế, bất chấp lệnh cấm, nhiều ngư dân vẫn vào luồng lạch của Cảng Chân Mây để đặt ngư lưới cụ.

Gần đây, xuất hiện một số ngư dân đặt ngư lưới cụ, lặn bắt ốc ở các thân tàu đậu đỗ tại cảng gây mất an toàn. Dù chưa bước vào vụ chính khai thác tôm hùm giống nhưng hiện hoạt động của ngư dân đang gây mất an toàn luồng lạch khu vực Cảng Chân Mây.

“Cảng Chân Mây là vùng nước vịnh, hải sản nhiều, bà con trước đây khai thác ở khu vực này. Tuy nhiên, mấy năm trở lại đây, chính quyền vận động, tuyên truyền, số lượng ngư dân dặt đáy rớ đã giảm. Chúng tôi đã chấp hành, nhưng mong chính quyền hỗ trợ người dân trong việc chuyển đổi nghề hoặc mua sắm mới ngư lưới cụ để thay đổi vùng, phương thức khai thác”, ngư dân Nguyễn Văn Thông giãi bày.

Việc đặt ngư lưới cụ khai thác thủy hải sản của ngư dân đang tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông đường thủy tại Cảng Chân Mây

Ông Nguyễn Ngọc Phiến, Chủ tịch Hội Nông dân xã Lộc Vĩnh cho rằng, để giải quyết dứt điểm tình trạng ngư dân khai thác các loại hải sản trong khu vực cảng, ngoài việc tuyên truyền vận động, các chế tài xử lý, căn cơ vẫn là việc giải quyết công ăn việc làm, chuyển đổi nghề cho ngư dân. “Bà con chỉ biết làm nghề biển, trong khi theo tính toán, bình quân đất nông nghiệp ở đây chỉ 0,2 sào/khẩu nên ngư dân gặp khó trong việc chuyển đổi nghề, chuyển vùng khai thác”, ông Phiến khẳng định.

Ông Lê Công Minh, Chủ tịch UBND xã Lộc Vĩnh thông tin, để đối phó với tình trạng người dân trở lại nghề khai thác hải sản trái phép trong luồng lạch Cảng Chân Mây, đã nhiều lần xã tiến hành họp các hộ dân, quán triệt chỉ thị của UBND tỉnh về việc thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn hàng hải khu vực cảng biển Chân Mây.

UBND huyện Phú Lộc cũng đã chỉ đạo UBND xã Lộc Vĩnh phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức họp dân nhằm phổ biến, tuyên tuyền giáo dục pháp luật về các quy định nghiêm cấm việc khai thác thủy sản, đặt đăng, đáy rớ ngư lưới cụ và chướng ngại vật trong vùng nước cảng biển Chân Mây, vận động Nhân dân tự giác tháo dỡ đáy rớ, ngư lưới cụ đang khai thác trái phép trong vùng cảng.

Tăng cường kiểm tra

Ông Huỳnh Văn Toàn, Tổng Giám đốc Công ty CP Cảng Chân Mây cho biết, trước tình trạng tái diễn việc đặt ngư lưới cụ trong luồng lạch Cảng Chân Mây, mới đây, đơn vị đã có văn bản gửi UBND tỉnh đề nghị tăng cường việc kiểm tra, xử lý vi phạm.

Theo ông Toàn, từ nhiều năm trước, dưới sự quan tâm chỉ đạo của UBND tỉnh, hàng năm từ đầu tháng 10 dương lịch, các ban ngành đã tổ chức ra quân các đợt cao điểm ngăn chặn việc đặt ngư lưới cụ trái phép, xử lý khai thác thủy hải sản trái phép tại khu vực Cảng Chân Mây. Trong năm 2016, nhìn chung tình hình được kiểm soát tương đối tốt, nhưng vẫn có một số vụ việc xảy ra. Cụ thể, ngày 20/12/2016, ngư dân manh động mang hung khí truy đuổi công nhân của Cảng Chân Mây ngay trên cầu cảng. Ngày 20/03/2017, khi tàu du lịch Nautica đang cập cầu Cảng Chân Mây đã xuất hiện một số ngư dân lặn quanh thân tàu để bắt ốc làm những người có trách nhiệm hết sức quan ngại.

Cảng Chân Mây là cảng biển nước sâu tổng hợp, đang được triển khai nâng cấp. Hàng năm sản lượng hàng hóa thông qua cảng đạt trên 2 triệu tấn. Theo Công ty CP Cảng Chân Mây, năm 2016 cảng đón 86.356 khách và năm 2017, dự kiến số lượng khách cập cảng tăng mạnh, tăng khoảng 40% so với năm 2016, với 150.522 khách và thủy thủ đoàn sẽ cập cảng.

“Năm 2017, mưa bão đến sớm hơn, số lượng các cơn bão, gió mùa trên Biển Đông sẽ tăng lên từ 13-15 cơn với diễn biến bất thường do El Nino. Vì vậy, Công ty CP Cảng Chân Mây tiếp tục đề xuất với UBND tỉnh, Ban giám đốc Công an tỉnh, UBND Huyện Phú Lộc, cùng các ban ngành liên quan tiếp tục tăng cường việc kiểm tra, xử lý dứt điểm tình trạng khai thác thủy hải sản trái phép tại khu vực Cảng Chân Mây; có kế hoạch sớm để tập trung tuyên truyền, ngăn chặn và xử lý kịp thời các ảnh hưởng xấu do việc vi phạm đăng đặt đáy lưới trên luồng tàu, vùng đậu tàu nhằm đảm bảo an toàn cho tàu ra vào cảng Chân Mây”, ông Toàn đề xuất.

Ngày 25/9, Văn phòng UBND tỉnh đã có văn bản yêu cầu Sở GTVT, các thành viên đoàn kiểm tra liên ngành xây dựng kế hoạch, tổ chức kiểm tra, ngăn chặn việc khai thác thủy hải sản trái phép, bảo đảm an ninh, an toàn giao thông luồng lạch hàng hải tại Cảng Chân Mây; Công an tỉnh chỉ đạo lực lượng công an huyện, công an xã tập trung thực hiện công tác tuyên truyền vận động, để người dân tự giác chấp hành; đồng thời tiến hành điều tra, có chế tài xử lý, xử phạt nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm, tái phạm theo quy định.

Bài, ảnh: Hà Nguyên

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Mở không gian, tạo động lực phát triển - Kỳ 4: Hướng đến thành phố đáng sống, an toàn và thịnh vượng

Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch tỉnh) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là bước tiến quan trọng. Tỉnh đã nhanh chóng bắt tay vào việc triển khai, thực hiện quy hoạch. Một thành phố trực thuộc Trung ương đang được hình thành, và Huế hứa hẹn sẽ trở thành nơi đáng sống, an toàn và thịnh vượng.

Mở không gian, tạo động lực phát triển - Kỳ 4 Hướng đến thành phố đáng sống, an toàn và thịnh vượng
DỰ ÁN TUYẾN ĐƯỜNG BỘ VEN BIỂN:
Bàn giao toàn bộ mặt bằng trước tháng 6/2024

Dự án tuyến đường bộ ven biển qua tỉnh Thừa Thiên Huế và cầu qua cửa Thuận An (TP. Huế) đang được chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng (GPMB), tiến độ thi công trên công trường, nhằm hoàn thành công trình vào tháng 3 năm 2025.

Bàn giao toàn bộ mặt bằng trước tháng 6 2024
Return to top