ClockThứ Tư, 08/03/2017 13:31

Tái diễn việc nuôi trồng trong vùng bảo vệ thủy sản

TTH - Khu bảo vệ thuỷ sản Hòn Voi - Vũng Đèo thuộc xã Lộc Trì (Phú Lộc) được UBND tỉnh ra quyết định thành lập ngày 12/11/2014 với quy mô 35 ha nhằm tăng cường công tác quản lý, bảo vệ bãi giống, bãi đẻ, nguồn lợi thủy sản.

Cảnh lưới sáo giăng kín khu bảo vệ

Gắn với việc thành lập các khu bảo vệ thủy sản (KBVTS), các cơ quan chức năng đã thực hiện nhiều giải pháp tích cực để phục hồi nguồn lợi thủy sản vùng đầm phá này, như thả các loại giống cá, tôm; thành lập các chi hội nghề cá; giao, phân quyền quản lý, khai thác mặt nước; tổ chức tuyên truyền, vận động bà con ngư dân tuân thủ các quy định về đánh bắt, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và sinh kế cộng đồng vùng đầm phá.

Trên khu vực đầm Cầu Hai, nhiều KBVTS được bảo vệ nghiêm ngặt, ý thức của cộng đồng ngư dân được nâng cao, các chi hội nghề cá đã phát huy được vai trò, trách nhiệm trong hoạt động quản lý, bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản. Nhờ vậy, thời gian gần đây, nhiều loài thủy sản đặc hữu ở vùng đầm Cầu Hai có dấu hiệu hồi phục tích cực như cá dìa, cá mú, cá nâu, cá ong hương, tôm, cua…Nhiều loài rong tảo ở các khu bảo vệ thủy sản Ðập Tây-Chùa Ma, xã Vinh Giang; Núi Quện, xã Lộc Bình… phát triển nhanh.

Tuy nhiên, một số khu bảo vệ không được chính quyền địa phương quản lý, giám sát tốt nên ngư dân vẫn tiếp tục có những hành vi xâm phạm kéo dài. Tại khu bảo vệ Hòn Voi – Vũng Đèo, xã Lộc Trì, một số ngư dân vẫn ngang nhiên tái diễn tình trạng nuôi trồng, khai thác thuỷ sản trong vùng nước ven bờ thuộc vùng bảo vệ thuỷ sản...

Ông Trần Văn H. ở thôn Lê Thái Thiện, xã Lộc Trì cho biết: Trước đây, xã Lộc Trì có khá đông ngư dân tham gia đánh bắt thủy sản trên đầm phá Tam Giang - Cầu Hai. Chính quyền địa phương cũng đã tổ chức các buổi họp dân, tuyên truyền, vận động những hộ gia đình tham gia đánh bắt thủy sản trên đầm phá vay vốn chuyển đổi nghề, đóng tàu tham gia đánh bắt xa bờ.

Sáo lưới ở khu bảo vệ thủy sản Hòn Voi - Vũng Đèo

Nhiều ngư dân ở đây đã chuyển từ đánh bắt nhỏ lẻ trên đầm phá sang các đội tàu đánh bắt xa bờ, một số tham gia làm dịch vụ cho các tàu đánh bắt xa bờ. Tuy nhiên, do đời sống khó khăn, nhiều ngư dân không đủ điều kiện đánh bắt xa bờ vẫn bám vào đầm phá, cố tình đánh bắt thủy sản trái phép tại các khu bảo vệ.

Ông Lê Minh Thịnh, Trưởng thôn Lê Thái Thiện, xã Lộc Trì cho biết, khi rộ lên việc ngư dân ở thôn đánh bắt trái phép trong vùng bảo vệ, thôn cùng chi hội nghề cá đã vận động bà con ngư dân tiến hành tháo dỡ. Hiện có 10 hộ đã tự nguyện tháo dỡ; còn 3 hộ nuôi tôm chắn lưới với diện tích hơn 2ha, không thuộc cư dân thôn Lê Thái Thiện và họ cho rằng đã được UBND tỉnh cho phép nên việc vận động tháo dỡ đang gặp khó khăn.

Các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương cần có biện pháp ngăn chặn kịp thời, hạn chế việc đánh bắt trái phép và tiếp tục tăng cường tuyên truyền sâu rộng đến từng người dân, để việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản và môi trường đầm phá được nhận thức đầy đủ là để bảo vệ lợi ích của mỗi một thành viên trong cộng đồng.

Vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai có 23 KBVTS với diện tích hơn 614 ha, gắn liền việc trao quyền khai thác mặt nước trên 16.000ha, chiếm 73% diện tích đầm phá cùng 47 chi hội nghề cá. Hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai có diện tích hơn 22.000 ha, được biết đến không chỉ là hệ đầm phá lớn nhất Đông Nam Á, với hệ sinh thái đặc trưng, đa dạng các loài động, thực vật mà còn là nơi sinh sống của hơn 300.000 người dân, chiếm 30% dân số tỉnh Thừa Thiên Huế.

Văn Nhân

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nông dân tham gia bảo vệ môi trường

Trong tiến trình xây dựng nông thôn mới (NTM), các cấp hội nông dân (HND), hội viên, nông dân (HVND) kết hợp triển khai phong trào “Ngày Chủ nhật xanh” nhằm nâng cao nhận thức của HVND trong bảo vệ môi trường đô thị, nông thôn “xanh - sạch - đẹp”.

Nông dân tham gia bảo vệ môi trường
Đa dạng thủy sản nuôi thích ứng biến đổi khí hậu

Trong điều kiện biến đổi khí hậu, môi trường diễn biến phức tạp thì việc thay đổi tư duy sản xuất, đa dạng hóa đối tượng nuôi thủy sản trên vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai là điều gần như tất yếu.

Đa dạng thủy sản nuôi thích ứng biến đổi khí hậu
Return to top