ClockThứ Năm, 04/12/2014 11:14

Tài sản quý của doanh nghiệp

TTH - Với người lao động, vấn đề quan tâm hàng đầu là môi trường làm việc và thu nhập. Tuy nhiên, một con số đáng phải suy ngẫm vừa được đưa ra tại Hội thảo Chính sách tiền lương trong bối cảnh kinh tế thị trường và hội nhập, do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tổ chức cuối tháng 11 vừa qua. Đó là cả mức lương tối thiểu lẫn thu nhập bình quân của Việt Nam thuộc nhóm thấp nhất trong khu vực ASEAN.

Thu nhập bình quân của lao động Việt Nam ở mức 3,8 triệu đồng/tháng (181 USD), bằng hơn ½ Thái Lan (357 USD), chưa bằng 1/3 Malaysia (609 USD), gần 1/20 Singapore (3.547 USD). Vẫn biết mọi so sánh đều là khập khiễng, nhưng rõ ràng thu nhập thấp thì đời sống người lao động sẽ gặp nhiều khó khăn và nó tác động ngược trở lại đến năng suất lao động.

Bên cạnh thu nhập thấp, người lao động hiện còn chịu nhiều thiệt thòi do không ít doanh nghiệp cố tình “lách luật”, biến lao động thường xuyên thành lao động thời vụ để trốn tránh nghĩa vụ; nợ tiền bảo hiểm xã hội làm cho người lao động “thiệt đơn thiệt kép” khi mất việc, tai nạn lao động; không quan tâm đến cải thiện điều kiện làm việc, bảo hộ lao động dẫn đến nguy cơ tai nạn lao động cao, bệnh nghề nghiệp đeo đẳng.

Vấn đề thu nhập bình quân của người lao động còn thấp, nguyên nhân chủ yếu là do năng suất lao động ở nước ta còn thấp, dẫn đến hiệu quả sản xuất không cao, tiền lương lao động khó mà cải thiện. Thực tế, mức tăng trưởng lương ở Việt Nam cao hơn tăng năng suất lao động. Trong giai đoạn 2006-2010, tiền lương danh nghĩa trung bình tăng 26,8% mỗi năm. Ngay cả khi tính đến lạm phát vốn vẫn ở mức cao, tiền lương thực tế vẫn tăng 12,6% hàng năm. Trong khi đó, theo Báo cáo Lương Toàn cầu 2012 – 2013, được Tổ chức Lao động Quốc tế ILO công bố ngày 7-12 tại Thụy Sỹ, mức lương tháng trung bình trên thế giới tăng 1,2% năm 2011, giảm 3% so với năm 2007 và 2,1% so với 2010. Hiện nay, dù rất muốn tiếp tục tăng lương cho người lao động, nhưng Chính phủ đành phải tạm gác lại do mức bội chi ngân sách đang rất cao, mà chỉ cân đối tăng lương cho những đối tượng có thu nhập thấp, người nghỉ hưu, các đối tượng chính sách...

Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng hơn vào nền kinh tế khu vực và toàn cầu, việc cải cách chính sách tiền lương của Việt Nam cần được đảm bảo, vừa thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp vừa giúp người lao động hưởng thành quả công bằng từ tăng trưởng năng suất lao động. Để giải bài toán tăng thu nhập cho người lao động, chúng ta cần phải giải quyết tận gốc vấn đề- đó là nâng cao năng suất lao động. Muốn vậy, cần có sự đổi mới đồng bộ từ khâu quản lý Nhà nước đến quản trị doanh nghiệp, đổi mới khoa công nghệ, áp dụng những tiến bộ khoa học vào sản xuất. Trong đó, quan trọng nhất là việc đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng và tác phong sản xuất công nghiệp của lao động.

Thực tế nước ta hiện nay, cơ cấu lao động qua đào tạo giữa đại học, trung học chuyên nghiệp và công nhân kỹ thuật rất bất hợp lý với tỷ lệ 1- 1,5- 2,5; trong khi các nước trong khu vực là 1- 4- 10. Vì vậy, việc cơ cấu lại ngành nghề, bậc đào tạo cần có sự điều chỉnh phù hợp với nhu cầu sử dụng lao động của thị trường. Thực tế tại Công ty cổ phần Dệt May Huế cho thấy, khi công ty mở nhà máy may ở Phú Đa (Phú Vang), nhu cầu tuyển cán bộ có trình độ đại học chỉ khoảng chục người, nhưng có hơn 200 hồ sơ dự tuyển (không kể hồ sơ xin làm công nhân trực tiếp). Trong khi công ty rất cần lao động có trình độ cao đẳng, trung cấp chuyên ngành dệt may lại chẳng có hồ sơ nào. Đây cũng là thực trạng chung của nhiều ngành nghề lao động kỹ thuật ở nước ta.

Với các doanh nghiệp, quan tâm đến người lao động không chỉ là trách nhiệm mà còn là “bí quyết” để phát triển bền vững, bởi người lao động là tài sản vô giá. Khi được chăm sóc, được tin tưởng và tạo cơ hội tốt nhất, người lao động sẽ tạo nên sức mạnh tổng hợp để làm ra mọi tài sản khác của doanh nghiệp và đất nước. Nhờ vậy các doanh nghiệp sẽ duy trì được mục tiêu phát triển cân bằng, bền vững và người lao động được hưởng lợi trở lại, được đảm bảo việc làm và nâng cao mức sống.

Hoàng Giang
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Quẩn quanh chuyện ăn

Những thông tin cụ thể, chi tiết và chính xác mà công luận được tiếp nhận gần đây, và với mật độ ngày một dày hơn trên các kênh thông tin truyền thông, mạng xã hội lại một lần nữa đặt ra một câu hỏi nghi ngại. Nó không chỉ dừng lại ở chúng ta đang ăn gì, như thế nào mà là trong những thứ mà chúng ta đang ăn mỗi ngày, có bao nhiêu thực phẩm - cả lương thực nữa - là an toàn?      

Quẩn quanh chuyện ăn
Return to top