ClockThứ Tư, 24/04/2019 08:05

Tái tạo rừng cảnh quan

TTH - Nhìn từ một góc độ khác, có thể gọi tên điều này khi 132 ha rừng sản xuất tại địa bàn huyện Phú Lộc mà UBND tỉnh trình HĐND tỉnh chuyển sang rừng phòng hộ, đã được thông qua tại kỳ họp bất thường hôm qua – 23/4.

Bài học từ một vụ án hủy hoại rừngGần 700 người tham gia diễn tập phòng cháy chữa cháy rừngDu lịch sinh thái từ rừng ngập mặn Quảng Lợi

Theo tờ trình của UBND tỉnh, 132ha này đều nằm trên địa bàn huyện Phú Lộc, thuộc hai xã Lộc Bình (109,97 ha) và Lộc Vĩnh (22,03 ha). Đây cũng là vùng rừng bao quanh hai khu du lịch nghỉ dưỡng lớn, có tầm cỡ quốc tế như Laguna, Minh Viễn. Việc tái tạo, tổ chức lại một không gian xanh lâu bền cũng có thể được xem như là một hạ tầng chiến lược cho sự ổn định và phát triển dài lâu. Mặt khác, vấn đề này cũng đã được cân nhắc kỹ khi thông qua rà soát của UBND tỉnh, diện tích rừng này đạt các tiêu chí rừng phòng hộ, lại có độ dốc cao, gây khó khăn trong việc chăm sóc, thu hoạch, lợi ích mang lại không lớn, lại tiềm ẩn nguy cơ cháy trong quá trình chăm sóc, thu hoạch.

Vấn đề còn lại là việc đánh giá tác động và giải quyết sinh kế của người dân ở vùng rừng được chuyển loại này, nhất là đối với 79,78ha rừng trồng (phần còn lại là 44,60 ha rừng tự nhiên và 7,62ha đất trống). Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, do những hạn chế đã kể trên, người dân ở khu vực này cũng mong muốn Nhà nước thu hồi, chuyển đổi và việc đền bù sẽ tạo nguồn lực cho các hộ trồng rừng có điều kiện thay đổi sinh kế cũng như thay đổi phương thức sản xuất. 

Đây là những lý do có tính thuyết phục. Cũng cần phải nhận thấy rằng, việc chuyển đổi rừng này cũng là việc làm tất yếu và phải đầu tư khi chuyển hướng phát triển kinh tế từ nông-lâm nghiệp sang du lịch – dịch vụ với sự đầu tư của các nhà đầu tư tầm cỡ; nguồn khách tầm cỡ. Từ đó, chuyển dịch và thay đổi cơ cấu ngành nghề, nguồn thu và cả thu nhập, mức sống của người dân trên địa bàn. Trong một cái nhìn dài hơi hơn, có thể thấy là việc chuẩn bị không gian xanh, vùng xanh để mời gọi các doanh nghiệp đầu tư vào văn hóa, du lịch và dịch vụ cũng là điều phải được tính toán trước như một cách mời gọi xanh. Đó cũng là một giá trị tăng thêm trong việc thuyết phục các nhà đầu tư bên cạnh các tài nguyên sẵn có.

Nhân chuyện chuyển loại rừng, tái tạo cảnh quan cho các khu du lịch quốc tế, có lẽ cũng cần phải đưa vào kế hoạch để có hướng tái tạo lại rừng cảnh quan vùng ven thành phố Huế để nối tiếp những vùng xanh, chuỗi xanh… Đó cũng là tạo sự liên kết về một thành phố văn hóa, thành phố bốn mùa hoa mà tỉnh đang hướng đến với những hành động rất cụ thể.

Minh Hà

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tín hiệu vui từ việc bán tín chỉ carbon rừng

Năm 2023, ngành lâm nghiệp đánh dấu cột mốc rất quan trọng khi lần đầu tiên Việt Nam bán thành công 10,3 triệu tín chỉ carbon rừng (10,3 triệu tấn CO2) thông qua Ngân hàng Thế giới (WB) với đơn giá 5 USD/tấn, thu về 51,5 triệu USD (khoảng 1.200 tỷ đồng). Đây là bước khởi đầu về tiềm năng bán tín chỉ carbon rừng.

Tín hiệu vui từ việc bán tín chỉ carbon rừng
Return to top