ClockThứ Ba, 31/03/2020 08:29

Tấm ảnh và bài thơ

TTH - Đoàn chúng tôi gồm 8 phóng viên và văn nghệ sĩ của Đài Phát thanh Giải Phóng đóng ở Thủ đô Hà Nội đã có mặt trên tuyến đường Trường Sơn trong Đại thắng mùa Xuân 1975 lịch sử.

Ngày ấy, mấy anh em trong đoàn đến một đơn vị điện ảnh thuộc Ban Tuyên huấn Khu ủy khu V để nhờ sang những tấm ảnh chụp dọc đường. Tại đây tôi không ngờ gặp lại Nguyễn Thành Vinh - bạn học cùng khóa, cùng khoa nhưng khác lớp ở Trường đại học Tổng hợp Hà Nội. Thành Vinh quê Quảng Bình, làm phóng viên Thông tấn xã Việt Nam ở địa bàn khu V. Vinh mang ba lô, túi xách, máy ảnh như sẵn sàng ra trận. Vinh là người dễ xúc động, vừa ôm lấy tôi, nói:

- Không ngờ gặp lại Khiêm ở đây! Tình hình chiến trường chuyển biến mau quá! Mình ở tuyến trước, mới về đơn vị đêm qua. Hôm nay chuyển tin, bài, ảnh ra Tổng xã.

Ngừng một lát Vinh nói:

- Gặp nhau ở đây vui quá! Khiêm còn ở đây phải không?

- Cũng không biết nữa, chắc là một, hai hôm nữa. Bọn mình sốt ruột lắm rồi! Cứ nhẩn nha, mà chiến thắng to quá!

Tôi nhắc lại với Vinh là còn nhớ buổi tiễn các bạn lên đường nhập ngũ ở địa điểm một huyện ngoại thành Hà Nội. Hôm đó các bạn gái trong khoa đứa nào cũng khóc. Vinh cho biết, đi đợt ấy không phải đứa nào cũng vào quân ngũ. Riêng khoa chúng tôi có Thành Vinh, Trần Quang, Lê Anh Tuấn và Vũ Xuân Hoạt làm phóng viên Thông tấn xã. Ở địa bàn khu V, ngoài Thành Vinh còn có Trần Quang là bạn học cùng lớp với tôi. Đang nói chuyện, bỗng Vinh ngừng lại, rút ra một bức ảnh chụp chân dung của Vinh đang ở chiến trường rồi nói, giọng trầm hẳn xuống, mắt ngấn lệ:

- Khiêm ơi! Gấp quá, không được gặp nhau nhiều. Mình vừa ở đồng bằng về, lại sắp đi công tác rồi. Sáng mai nếu Vinh không trở lại thì mình đã đi đồng bằng rồi. Gửi Khiêm tấm ảnh để nhớ ngày gặp nhau hôm nay.

Rồi giọng nhỏ hẳn lại, Vinh nói tiếp:

- Phóng viên ảnh hy sinh, bị thương nhiều lắm vì phải đi lên phía trước mới có tin ảnh. Nếu Vinh chết, Khiêm đưa tấm ảnh này về cho gia đình Vinh để thờ…

Nhận tấm ảnh, tôi nghẹn ngào không nói nên lời. Tôi cũng không nghe rõ những lời cuối cùng của bạn. Ảnh chụp Vinh mang quân phục, khuôn mặt toát lên vẻ cương nghị của chàng trai 25 tuổi. Phía sau là Trường Sơn hùng vĩ làm nền.

Vào hạ tuần tháng 3, chúng tôi di chuyển bằng ô tô, dừng chân ở một “bãi khách” cũng trên địa bàn khu V. Trời tối đã lâu. Xe ô tô đổ quân xuống ngày một nhiều. Bãi khách ồn ào tiếng xe, tiếng người không dứt. Bỗng có tiếng nói to: “Xe nào có Nguyễn Bỉnh Khiêm không? Có ai là Nguyễn Bỉnh Khiêm không?”. Tiếng gọi cứ lặp đi lặp lại. Tôi lặng người. Ai gọi đúng tên mình vào lúc này? Hồi hộp xen lẫn ngạc nhiên, tôi rối rít trả lời: “Có! Có! Có Khiêm đây! Tôi đây!”. Tiếng đáp lại: “Khiêm ơi! Cựu đây! Cựu đây! Cựu 10A đây!”. Trong ánh đèn pin lấp loáng, chúng tôi ôm lấy nhau. Cựu là bạn học cấp 3 cả ba năm trời. Đang học đại học thì Cựu đi bộ đội và đang làm cán bộ kỹ thuật cầu đường ở binh trạm.

Đang chuyện trò thì chúng tôi phải chia tay. Hôm sau, sau bữa cơm chiều, Cựu đến. Lúc này, tôi mới có dịp nhìn bạn kỹ hơn. Cựu chững chạc hơn, phong sương hơn. Gần 7 năm tốt nghiệp trường cấp 3, chúng tôi mới gặp lại nhau. Cựu nói:

Tao có gặp mấy đứa học với bọn mình đi bộ đội đi qua đây. Thằng Lê Văn Bân 10C, thằng Trần Hữu Thường 10A lớp mình, thằng Trần Văn Giáo 10B… Mà chỉ gặp một lúc rồi chia tay thôi!

Hôm sau Cựu lại đến chơi, lần này có thêm một cô bạn bộ đội đi cùng, tên là Kim Liên, quê ở Hà Tĩnh, là nữ chiến sĩ, nhưng khác đơn vị. Kim Liên da tái xanh, bị sốt rét. Chúng tôi chào hỏi nhau, rồi chuyện trò về tuổi trẻ, về chiến sự, về Trường Sơn… Vốn là một học sinh giỏi văn hồi học cấp 3, Cựu giờ đây là một tác giả thơ của trung đoàn, sư đoàn. Lúc chia tay, Cựu tặng tôi bài thơ, nó nói:

- Đây là bài thơ tặng Khiêm để nhớ lần “Gặp nhau trên đỉnh Trường Sơn”.

Mấy hôm sau, đoàn chúng tôi có mặt ở Đà Nẵng mới được giải phóng. Thật bất ngờ tôi và Trần Quang, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam - bạn học đại học đã cùng nhau dạo phố Đà Nẵng. Bên kia đèo Hải Vân, Thừa Thiên Huế đã giải phóng gần 10 ngày rồi. Sau này tôi mới biết Lê Văn Bân, Trần Hữu Thường và mấy bạn nữa học cùng khóa ở Trường cấp 3 Vĩnh Linh (Quảng Trị) đã ngã xuống ở chiến trường.

Bài thơ của Văn Cựu tặng trong buổi chia tay trên đường Trường Sơn tôi vẫn giữ dù giấy đã ngã màu. Những vần thơ phơi phới lý tưởng của tuổi trẻ và tình bạn trong chiến tranh. Tôi vẫn giữ bức ảnh của Nguyễn Thành Vinh  hôm trước bạn ra trận, với lời dặn: “Nếu Vinh chết thì gửi lại cho gia đình mình” để thờ... Mỗi khi nghĩ đến bài thơ và bức ảnh, lòng tôi lại rưng rưng….

Minh Khiêm 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Người anh cả của Đại đội 20 trinh sát

“Anh là một người chỉ huy mẫu mực, hết lòng vì đồng đội trong cuộc sống cũng như công việc; gần gũi, và luôn dành những tình cảm thân thương đối với tất cả cán bộ, chiến sĩ trong toàn đơn vị”. Đó là nhận xét của cán bộ, chiến sĩ của Đại đội 20 trinh sát về khi nói về Chính trị viên (CTV) Đại đội, Thượng úy Ngô Văn Lực.

Người anh cả của Đại đội 20 trinh sát
Những người đi tìm đồng đội ở nước bạn Lào

Hơn 30 năm qua, những cán bộ, chiến sĩ Đội 192, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh vẫn ngày đêm miệt mài hành quân nơi núi rừng nước bạn Lào để tìm kiếm, cất bốc, đưa hài cốt các liệt sĩ về với đất mẹ yêu thương, góp phần xoa dịu những mất mát của gia đình các thân nhân liệt sĩ.

Những người đi tìm đồng đội ở nước bạn Lào
Người y tá hết lòng vì đồng đội

Năm 2022, chàng thanh niên trẻ Trần Lê Anh Tài (Hương Thủy) viết đơn đăng ký tình nguyện thực hiện nghĩa vụ công dân với Tổ quốc. Khi được học tập, rèn luyện trong quân ngũ, Tài đã phát huy được phẩm chất, năng lực của mình, luôn được cấp trên đánh giá cao, đồng đội yêu quý.

Người y tá hết lòng vì đồng đội

TIN MỚI

Return to top