ClockThứ Tư, 25/11/2015 18:30

Tạm biệt dã quỳ

TTH - Năm nay mùa đông xem chừng vẫn đến muộn. Đã vào những ngày cuối tháng 11 mà nắng vẫn còn vàng óng. Mưa cũng chỉ là mưa qua. Áo gió trên vai ai đó chừng như chỉ là kiểu nhớ về một chút se sắt. Vài cái khăn choàng cũng chỉ là cách làm duyên, hay ngồ ngộ trên cổ, trên tay của mấy anh chàng mê phượt.

Nhưng tháng 11 đang là mùa lá rụng. Những chiếc lá bé xíu, bay có khi lả tả trong không trung và đôi lúc, đậu thành đám vàng lá trên mũi xe. Có khi nó trông thật xinh như cách làm duyên khi vướng vào tóc thiếu nữ. Mỗi tội là các cô gái trẻ phóng xe cũng nhanh, nên không đủ thời gian cho cái nhìn lâu. Mà bàn về lá, có khi lại bị xếp vào loại sến sẩm, nhưng mà đúng là những cái nhìn theo kiểu cơ xưa, giờ cũng bắt đầu xa vắng.

Trôi mãi trong nhịp sống, có những khi là quên mất mình trong những công việc khỏa lấp, nên có đôi khi chững lại, chợt nhận ra, không biết là từ bao giờ, người ta thường thích ngóng nhìn những cái xa mình, ở ngoài mình hoặc không thuộc về mình và khát khao lắm. Thế nên nhiều khi cứ phải đến rạp với hoa vàng và cỏ xanh mà bỏ quên nhiều điều dễ thương ngay bên cạnh mình. Chẳng hạn như tiếng chim nghe thương khi chúng líu ríu hoài phía ngoài cửa sổ, va đập giữa những vách tường vôi vữa và mái nhà tôn; như những cánh hoa tiểu muội líu xíu bên hiên nhà, tiếng bước chân nghe đã quen trong công sở, tiếng gõ trên bàn phím và cả khi một đôi mắt quen thuộc nhưng mệt mỏi vừa ngước lên làm người đối diện chùng lòng. Như một ngày, sẽ thấy thiếu và ngột ngạt đến chừng nào nếu những người gặp nơi cầu thang không chia nhau nụ cười...

Thì cũng là cứ vẩn vơ thế, chứ lòng mình cũng đang loay hoay với một màu cũ, khi cái lạnh đã thon thót về trên vàng hoa của dã quỳ. Cái xốn xang trong một sớm mai khi chạm vào cái lạnh khác để mang về một nỗi nhớ khác. Bây giờ thì đã là mùa phai khi không thể mãi ngược chiều gió, và dã quỳ thuộc về nơi chốn khác. Gió dã quỳ là một cách mình đã từng gọi tên, khi trôi giữa mịt mùng hoa và bụi trên ngày mà Quốc lộ 14 còn thắc thỏm. Nhưng có lẽ bây giờ cũng thế thôi, những vạt hoa vẫn vàng thắm trong gió lạnh. Vẫn bất cần và ương ngạch thường khi.

Không biết tại vì sao dã quỳ thường được mặc định cho Tây Nguyên, dù hoa vẫn màu vàng ấy, bất cần nở trong sáng lạnh ngày Ba Vì. Bất cần đến ngại ngần, dù hoa vẫn chỉ là hoa thôi chứ đâu phải là màu của day dứt...?

Hình như mình đã ngày thẳm với vàng hoa, nên giờ dù bạn có í ới từ miền đất trên cao, mình vẫn muốn gửi một lời thì thầm về sự tạm biệt, để quay trở lại với những dễ thương mình có mỗi ngày.

Cúc Lam
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Thừa Thiên Huế - Hành trình và khát vọng”

Đó là chủ đề của Trại sáng tác văn học, nghệ thuật do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật tỉnh khai mạc sáng 15/4 tại làng cổ Phước Tích, xã Phong Hòa (Phong Điền).

“Thừa Thiên Huế - Hành trình và khát vọng”
Ba luôn ở bên con

Một sớm mùa thu, tôi rẽ sương cũng mẹ đi vào lối vắng. Ở nơi đây, cảnh vật thường xuyên thay đổi, dù một năm mẹ con tôi đến những bốn, năm lần. Sự thay đổi ấy ứng với từng mùa, khi những hàng cây thi nhau lột xác, lũ chim chóc thay lời ca tiếng hát, mây trời và làn nước cũng thường biến đổi sắc màu theo từng tháng năm. Ở nơi đó, bên một dòng sông nhỏ có một khoảnh đất là nơi yên nghỉ của ba tôi. Thời gian thấm thoắt thoi đưa, thoáng chốc ngày ba từ giã cõi đời cũng đã ngót nghét gần mười năm. Mười năm đó, từ nỗi đau tận cùng đến đau đáu khôn nguôi, trong mẹ con tôi đã chuyển thành tĩnh lặng thương yêu.

Ba luôn ở bên con
Từ chuyến phượt khám phá làng Vân...

Gần đây, phượt trở thành trào lưu và sở thích của rất đông bạn trẻ. Xu hướng phượt không đơn thuần chỉ là trải nghiệm các cung đường khó hay khám phá văn hóa, vùng đất nơi mình đến mà còn kết hợp Teambuilding (xây dựng đội nhóm), các kỹ năng sinh tồn, đôi khi lồng ghép thêm hoạt động thiện nguyện.

Từ chuyến phượt khám phá làng Vân
Lão ngư kể chuyện đi biển

Những kinh nghiệm đi biển "xương máu" được truyền đời trong các gia đình ngư dân. Khi chưa có máy móc hiện đại, kinh nghiệm sóng nước là cứu cánh sinh kế của họ.

Lão ngư kể chuyện đi biển
Return to top