ClockThứ Bảy, 21/02/2015 06:40

Tạm biệt mưa đông...

TTH - Cái góc ngồi ở ban công, nhìn ra ngó thênh thang vậy mà sao cứ thấy lòng mông lung. Cuối đông. Lá trông già và cũ lắm. Nhưng ít ra thì cũng có chỗ còn lá, chứ như gốc cây quan trước cổng chỉ còn lại cành. Khẳng khiu một cách tội nghiệp. Mình quen rồi, chứ nhiều người không biết, mỗi khi trông lên lại chặc lưỡi, cây gì mà khô, sao chủ nhà không chặt luôn đi rồi trồng cây khác có hơn không?
 

Mưa mãi làm ngày thật dài. Trốn vào loay xoay công việc cuối năm mãi mà chừng như không thấy vơi, mình còn thấy ngày chậm, huống chi ở nhà, má chỉ có cơn đau nhức nơi cánh tay bị gẫy hôm nào vừa tháo bột xong và cái màn hình tivi bật lên cho nó trôi, chỉ để nghe ấm tiếng người. Nói thiệt là đôi lúc về nhà khi tối đã mịt mùng, mình nghe tiếng má, nghe lời trách “Bây về muộn quá!”, mình làm bộ làu nhàu, thì con đi làm chớ có được chơi mô nà. Rồi mình làm bộ rũ rũ cái áo ướt, chỉ để má đừng thấy những giọt nước mắt cứ như muốn trào ra.

Mưa đông nghe day dứt. Mình thấy bạn bè đồng nghiệp thắc thỏm hoài dưới mưa. Thấy mưa giăng mờ những nhịp cầu. Thấy lá rớt lép nhép trên các vỉa hè. Thấy những lật bật áo mưa dơi dưới trắng trời và những áo mưa tiện lợi ngó vậy mà không nhẹ bỗng trong những dáng người vội vã. Mưa chậm mà người chừng như cứ muốn trôi thật nhanh để trở về với những ấm áp và khô ráo thơm tho. Có khi bâng quơ trong những điệu bolero của mưa, mình đã nghĩ, triền miên về tính cách và phận người. Như mình từng ngại ngần với ẩm ướt. Chịu khó với những điều chưa mới. Đa phần thiên về gói ghém như một kiểu về thu xếp lại. Như cứ cất trong mình mãi những điều nín nhịn và ủ nó thành tro. Mưa nhiều đến kiệm lời và không biết là có đúng rứa không mà xứ mình thích nghe nhạc Trịnh. Những nỗi buồn rả rích. Lạnh tái tê mà buồn cũng tái tê...
Mưa miết có phải làm cho người xứ mình quen chịu đựng, nên ra đường hay vào chợ, mình cũng ít nghe người ta cãi vả hay lớn tiếng với nhau. Nhưng mà cũng nói thiệt luôn là mình không ưng kiểu chỉ cắm cúi và lầm lụi với công việc. Dù có chậm thì dòng sống bên ngoài vẫn lắm điều hay ho. Hôm nào đó, trong không gian hẹp, mình im lặng nghe một cuộc trao đổi căng thẳng mà không hề gay gắt. Sự bực bội trốn hết không thấy đâu trong ngôn từ. Đôi ba lần gặp lại, mình đã kìm nỗi cắc cớ để hỏi người đầu dây bên này xem chuyện hôm đó rồi ra sao. Cũng vì dùng dằng không dám đưa ra câu hỏi, nên giờ điều này vẫn còn ở lại mà có khi nhân vật chính của nó đã quên rồi. Rứa đó thôi mà thấy chán mình dễ sợ.
Cuối đông. Mưa rích rắc và dai dẳng. Cũng có mấy lúc mưa rơi thộp thộp trên mái tôn ngay phía sau bức tường chỗ mình ngồi. Ngày sớm vào tối. Ly café muộn cũng không làm vơi đi cảm giác lẻ loi cuối phiên trực, khi bóng đèn ở các phòng bên đã tắt vụn. Những ngả đường cũng thắc thỏm ánh điện hắt những quầng sáng vàng dưới mưa. Có một cành cây khô gầy rớt xuống phía trước xe. Cái gạt nước chừng như cũng bối rối nên khi về đến tận nhà, nó vẫn còn nằm ngoan hiền
ở đó.
Mưa dầm dề. Mưa tơi tả. Mưa da diết. Mưa dằn vặt. Mưa hoài. Mưa mãi...Có ngày, mình trốn những cung bậc mưa của Huế, ra với mùa đông rét ngọt mà rưng nắng của xứ Bắc. Có đêm thật sâu lang thang ở một con đường ven hồ, vừa cảm thấy co ro, khép nép lại vừa tràn lên một cảm giác cực kỳ thích thú khi gió về buốt phố mà không hề lướt thướt. Đêm cũng sâu mà không hề hun hút.
Rồi một lúc, khi đứng trên tầng cao trong một sớm trống trải, mình thấy mắt dâng lên nỗi nhớ mưa. Thời gian không bất định nhưng không gian thì lặn sâu và luôn ở sẵn đâu đó trong tiềm thức, với những thói quen bất dịch và thật lòng cũng khó thay đổi những gì đã có. Huế đón người trở về bằng mưa. Vây bủa và tơi bời. Lúc ấy, cứ thấy lòng nghe chút gì hờn dỗi với môi em hồng nhạt môi em hồng vừa khi chìm dưới cơn mưa một dấu chân đi, chìm dưới cơn mưa bàn chân nhỏ bé...Những bước chênh chao và lênh đênh.
Có bao nhiêu người, bao nhiêu cuộc đời đã cất giữ hờn dỗi, quay lưng với ngậm ngùi để sống cùng mưa? Chọn cách yêu thương cùng mưa và với mưa? Như tính cách người Huế, sâu thẳm, chịu đựng và chắt chiu yêu thương đến nỗi, có lúc bộc lộ nó một cách rất khác nhưng đa phần là dịu dàng quá...
Nhưng hôm nay, nom phố đã khác khi bắt đầu mỏng nắng. Thấy lòng chợt nhiên nao nức khi mấy cành cây khẳng khiu hôm nào trước hiên nhà đã he hé những mắt lộc. Mình thấy màu lá non xanh ngợi khi ngước nhìn lên cao. Sắc màu không còn trầm tĩnh và âm thanh rộn rã hơn như đang gõ cửa mùa mới.
Chẳng phải là thu xếp lại, nhưng tạm biệt mưa
đông thôi...
Tùy bút của Hạnh Nhi
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

220 năm quốc hiệu Việt Nam

“220 năm quốc hiệu Việt Nam – những chặng đường lịch sử (1804-2024)” là chủ đề cuộc hội thảo khoa học do Hội Khoa học Lịch sử tỉnh tổ chức, diễn ra sáng 23/4 tại TP. Huế.

220 năm quốc hiệu Việt Nam
Đưa triển lãm di sản văn hóa Huế đến Điện Biên

Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế ngày 22/4 cho biết, trong khuôn khổ các hoạt động năm Du lịch quốc gia 2024 và Kỷ niệm 70 năm Ngày chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024) diễn ra tại Điện Biên, đơn vị đã đưa triển lãm chuyên đề “Huế - Di sản văn hoá, điểm đến tiềm năng” giới thiệu đến với công chúng.

Đưa triển lãm di sản văn hóa Huế đến Điện Biên
Hội thi tuyên truyền kỷ niệm Ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn đến Huế

Hội thi tuyên truyền lưu động kỷ niệm 65 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn (19/5/1959 - 19/5/2024) do Cục Văn hóa cơ sở, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức sau khi đi qua nhiều tỉnh, thành đã đến Huế trình diễn vào tối 21/4 tại Trung tâm Văn hóa – Điện ảnh tỉnh, 41A Hùng Vương, TP. Huế.

Hội thi tuyên truyền kỷ niệm Ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn đến Huế

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top