ClockThứ Ba, 17/07/2012 13:41

Tâm nguyện sống có ích

TTH - Cống hiến tuổi trẻ để bảo vệ quê hương đất nước trong cuộc chiến tranh chống Mỹ, ông Võ Văn Cảnh (phường Phường Đúc, TP Huế) trở thành thương, bệnh binh. Mất đi 70% sức khỏe nhưng chưa một ngày ông ngừng cố gắng sống có ích...

Bây giờ, ông Cảnh đã ngoài sáu mươi, gầy gầy. Khác với dáng người khắc khổ, khi kể về những năm tháng đã qua, gương mặt và giọng nói người đàn ông này tươi tắn vẻ lạc quan, yêu đời.

 

Sau khi bị thương và bị bệnh nặng, không còn sức khỏe như người bình thường, nên cuộc mưu sinh là một thách thức lớn đối với ông Cảnh. Khó khăn càng gấp nhiều lần khi ông Cảnh cưới vợ và những đứa con lần lượt ra đời. Phải làm sao để kinh tế gia đình ổn định, cuộc sống êm ấm khiến nhiều đêm ông trằn trọc thao thức. “Tui không có bằng cấp thì chỉ còn cách cần cù lao động thôi. Nghĩ đến công việc phụ thợ nề, đúc bờ lô, không phải có lúc tui không thấy “oải”. Nhưng nghĩ, ngày mới 17 tuổi, mình dám hăng hái xung phong vào bộ đội, đi đánh giặc, đối mặt với bom đạn, hi sinh. Nay dù mất sức khỏe, nhưng mình vẫn còn được trở về với người thân. Trong lúc, biết bao đồng đội đã vĩnh viễn ngã xuống ở cái tuổi đẹp nhất. Được sống trong hòa bình, chẳng lẽ mình lại sợ công việc khó. Vậy nên, việc người khác làm được, cũng cố gắng phải làm bằng được. Tâm nguyện của tui là sống phải có ích”- ông Cảnh tâm sự.

 

Tại ngôi nhà khá khang trang của mình, ông Cảnh trao đổi những dự định trong cuộc sống với bà Trương Thị Thủy, cán bộ thương binh xã hội phường

 

Ánh mắt ông như “khác” hẳn khi nhớ lại ngày đầu tiên ra công trường đang xây dựng, vào “biên chế” anh thợ phụ. “Đó là một ngày nắng gay gắt. Oi bức càng “đặc” thì tui càng...hụt hơi. Lúc đó, trong đầu tui lùng bùng cái suy nghĩ, “món” này khó quá hay mình bỏ cuộc. Nhưng rồi lại nghĩ, mới khó khăn vậy đã “đầu hàng” thì sao vững chân mà đi tiếp? Vậy là lại cầm xẻng lên... Công việc hôm đó rồi cũng kết thúc. Tối về người đau ê ẩm, nhưng trong lòng tui nhẹ lâng niềm vui vì đã vượt lên chính mình”- ông Cảnh hạnh phúc nhớ lại.

 

Vậy là, tuy vốn sức khỏe “khiêm tốn”, nhưng với quyết tâm làm một người bình thường, sống cuộc sống có ích, mấy chục năm nay, ông Cảnh “bám trụ” với dãi nắng, dầm sương, phụ thợ nề, đúc bờ lô. Để làm được những công việc xem ra chẳng có gì “to tát” đó, người bình thường đổ mồ hôi một thì khó nhọc và sự cố gắng của những người như ông Cảnh phải gấp bội lần.

 

Phường Phường Đúc có 129 gia đình chính sách, trong đó có 44 thương, bệnh binh. Ông Võ Văn Cảnh là trường hợp duy nhất được phường đề xuất vào danh sách thương binh tiêu biểu dự hội nghị người có công.

Cùng sự nỗ lực, ông Cảnh may mắn có người vợ chịu thương chịu khó và rất hiểu tâm nguyện của chồng. Thuận vợ thuận chồng, nên cơ ngơi của họ bây giờ là ngôi nhà nhỏ nhưng khang trang, ngăn nắp. Con cái đứa nào cũng có một công việc ổn định và sống cuộc sống lao động lương thiện như cha mẹ.

 

Cách đây mấy năm, sau trận ốm nặng, phải nằm viện thời gian khá dài, sức khỏe ông Cảnh càng yếu đi nhiều. “Vậy nhưng, không vì thế mà chú Cảnh “nghỉ hưu”. Trong lúc vợ vẫn đi phụ thợ nề, chú quay qua nuôi lợn. Khuôn viên đất không rộng nên cứ mỗi lứa, chú nuôi 5 con, đóng góp vào nguồn thu nhập gia đình, khắc phục khó khăn. Như bao năm nay, chú cố gắng vượt lên hoàn cảnh để sống cuộc đời có ích, nhất quyết không chịu làm “người thừa””- Bà Trương Thị Thủy, cán bộ Phòng Lao động Thương binh Xã hội phường Phường Đúc- nói.

Bài, ảnh: Quỳnh Anh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Thừa Thiên Huế - Hành trình và khát vọng”

Đó là chủ đề của Trại sáng tác văn học, nghệ thuật do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật tỉnh khai mạc sáng 15/4 tại làng cổ Phước Tích, xã Phong Hòa (Phong Điền).

“Thừa Thiên Huế - Hành trình và khát vọng”
Ba luôn ở bên con

Một sớm mùa thu, tôi rẽ sương cũng mẹ đi vào lối vắng. Ở nơi đây, cảnh vật thường xuyên thay đổi, dù một năm mẹ con tôi đến những bốn, năm lần. Sự thay đổi ấy ứng với từng mùa, khi những hàng cây thi nhau lột xác, lũ chim chóc thay lời ca tiếng hát, mây trời và làn nước cũng thường biến đổi sắc màu theo từng tháng năm. Ở nơi đó, bên một dòng sông nhỏ có một khoảnh đất là nơi yên nghỉ của ba tôi. Thời gian thấm thoắt thoi đưa, thoáng chốc ngày ba từ giã cõi đời cũng đã ngót nghét gần mười năm. Mười năm đó, từ nỗi đau tận cùng đến đau đáu khôn nguôi, trong mẹ con tôi đã chuyển thành tĩnh lặng thương yêu.

Ba luôn ở bên con
Từ chuyến phượt khám phá làng Vân...

Gần đây, phượt trở thành trào lưu và sở thích của rất đông bạn trẻ. Xu hướng phượt không đơn thuần chỉ là trải nghiệm các cung đường khó hay khám phá văn hóa, vùng đất nơi mình đến mà còn kết hợp Teambuilding (xây dựng đội nhóm), các kỹ năng sinh tồn, đôi khi lồng ghép thêm hoạt động thiện nguyện.

Từ chuyến phượt khám phá làng Vân
Lão ngư kể chuyện đi biển

Những kinh nghiệm đi biển "xương máu" được truyền đời trong các gia đình ngư dân. Khi chưa có máy móc hiện đại, kinh nghiệm sóng nước là cứu cánh sinh kế của họ.

Lão ngư kể chuyện đi biển
Return to top