ClockThứ Bảy, 10/10/2020 15:27

Tâm tư người nhặt rác

TTH - Hình ảnh những người phụ nữ đi mua phế liệu dạo cúi mình vào thùng rác tìm kiếm có lẽ là quen thuộc với nhiều người.

Hình ảnh các chị nhặt rác nơi công cộng quen thuộc với nhiều người

Ngày nay, giá bán các loại phế liệu như chai lọ nhựa, lon bia, thùng carton… rất rẻ, nên không mấy ai gom để bán mà cứ tiện tay vứt vào thùng rác nên người mua phế liệu giờ cũng tranh thủ nhặt nhiều hơn là mua.

Các hộ dân thường đi đổ rác vào chiều tối, nên để nhặt được nhiều phế liệu trong thùng rác công cộng, các chị phải bắt đầu công việc thật sớm. Vì thế mà lịch làm việc của chị Thẻo ở Hương Thủy luôn bắt đầu từ 4 giờ sáng vào mùa hè; mùa đông thì muộn hơn một chút. Không biết có sự phân chia nào không nhưng hơn chục năm nay, chị Thẻo là người thân quen làm công việc thu gom phế liệu ở khu vực tôi sống. Nhiều thì mỗi ngày kiếm được hơn trăm ngàn, ít thì vài chục ngàn đồng. Hôm nào chiếc xe đạp cũ kỹ của chị chất đầy phế liệu thì dù vất vả cũng là ngày may mắn; ngược lại, hôm nào người ít mồ hôi hơn thì khuôn mặt buồn thiu cùng nỗi lo nếu ngày mai cũng như thế này thì ngày kia lấy đâu ra tiền mà chi phí sinh hoạt.

“Chợ không thịt thì rau chứ có chi mà chị lo dữ rứa!” -  Tôi nói thế khi cùng chị nhặt những vỏ chai nhựa mấy ngày gom được trong thùng đựng rác của khu xóm trọ.

“Bữa ni mô còn đói mà lo chuyện ăn uống. Nhưng, mở mắt ra là đủ thứ tiền cần phải chi. Hết điện nước, rồi gạo củi, mắm muối… cứ liên tục. Nhưng sợ nhất là không có tiền dự trữ khi con cái cần cho việc học hay có ai mời hiếu, hỉ…”. Chị trả lời tôi.

Mỗi tuần từ một đến hai lần chị đến nhà tôi gom phế liệu nên tôi hỏi thăm được nhiều về cuộc sống của chị. Chị thì luôn khẳng định tôi là người tốt bụng chỉ bởi không lấy tiền phế liệu của chị. Nhưng từ chị tôi nhận thấy trở thành người tốt bụng thật đơn giản, ngoài từ chối số tiền ít ỏi mỗi lần chị nhặt nhạnh chai lọ là có thêm một thùng rác riêng để cho những loại rác chị cần vào. Lời cảm ơn không bao giờ ít hơn mỗi khi chị đến nhà tôi, dù lần nào đến lấy rác chị cũng quét giúp khoảnh sân nhà, kể cả những hôm trong thùng không có phế liệu. Khi tôi cảm ơn, chị nói: “Quét cái sân không cực bằng cúi mặt vô thùng rác. Hôi, mất vệ sinh… nói là quen nhưng tránh được chừng mô hay chừng đó, huống chi là còn cảm thấy được cảm thông”.

Chị Gái, cùng đi với chị Thẻo, năm nay gần 50 tuổi thì đã hơn 20 năm làm nghề thu mua phế liệu. Chị có 2 người con, trước đây công việc này giúp chị nuôi các con khôn lớn. Giờ các con chị có nghề nghiệp ổn định; con gái đầu đã lập gia đình, cháu ngoại chị đứa lên 8, đứa 3 tuổi. Con gái nhiều lần khuyên mẹ bỏ công việc khó nhọc này để cô tính chuyện khác; hoặc mở quán nhỏ bán quà sáng, hoặc sang nhà giúp chị trông cháu… Sợ mẹ đắn đo, chị xin phụ mỗi tháng ít tiền bù vào giờ nghỉ của mẹ. Nhưng chị Gái chia sẻ: “Con có ý rứa là mừng, nhưng mô phải vì sợ kiếm được ít tiền hơn mà tui không nghe theo hắn, chừ có còn nuôi ai nữa mô mà lo nhiều. Có điều, quen việc rồi nghỉ buồn lắm, nhiều bữa đi công chuyện, thấy rác giữa đường cũng muốn cúi xuống lượm”.

Đa số những người mua bán phế liệu dạo đều có hoàn cảnh khó khăn. Nhưng câu chuyện của những người phụ nữ như chị Thẻo, chị Gái cũng có nhiều điều thú vị, họ không chỉ đã và đang gánh vác gia đình mà còn góp phần bảo vệ môi trường cho từng tuyến phố.

Bài, ảnh: HƯƠNG LAN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Dọn sạch phố phường ngày cuối năm

Lượng rác ngày cuối năm tăng gấp nhiều lần so với ngày thường, vì thế những công nhân vệ sinh môi trường ngày cuối năm vất vả hơn. Họ phải làm việc từ sáng sớm và kết thúc ngày làm việc sau thời khắc Giao thừa.

Dọn sạch phố phường ngày cuối năm
Lắng nghe tâm tư cán bộ, chiến sĩ

Để cán bộ, chiến sĩ an tâm công tác, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh luôn động viên gia đình chiến sĩ có hoàn cảnh khó khăn, sắp xếp công việc hợp lý để họ an tâm công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Lắng nghe tâm tư cán bộ, chiến sĩ

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top