ClockChủ Nhật, 10/01/2021 09:07

Tầm vóc của Thừa Thiên Huế vô cùng lớn

TTH - Năm 2020 khép lại với diễn biến phức tạp của dịch bệnh và thời tiết. Tuy nhiên, vẫn còn những điểm sáng, tạo động lực cho chính quyền và người dân thực hiện các mục tiêu trong năm 2021. Trao đổi với Báo Thừa Thiên Huế, ông Phan Ngọc Thọ, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh cho biết:

DDCI động lực thu hút đầu tưTrợ lực cho khởi nghiệpKhông chỉ là thước đo năng lực cạnh tranh

Ông Phan Ngọc Thọ, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh

Dù chưa đạt được kết quả như mong muốn do thiên tai, dịch bệnh, tuy nhiên tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của tỉnh năm 2020 đạt 2,06%, thu ngân sách địa phương vượt dự toán giao 11,2 %, tăng 0,7% so với năm 2019. Đây là mức tăng cao trong khu vực miền Trung nói chung. Bình quân tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2016-2020 của tỉnh ước đạt 6,09%/năm.

Tỉnh đã cơ bản thực hiện mục tiêu kép, vừa kiểm soát dịch, vừa duy trì được phát triển kinh tế, bảo đảm các yếu tố hoạt động sản xuất kinh doanh; các mặt văn hóa - xã hội, an ninh chính trị; trật tự an toàn xã hội được giữ vững; chưa có trường hợp lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng trong năm 2020. Những con số này nói lên sự cố gắng vượt bậc của Nhân dân toàn tỉnh trong quá trình sản xuất kinh doanh sau đại dịch và sau lụt bão.

Công tác cải cách hành chính, xây dựng Chính quyền điện tử có nhiều tiến bộ, cải thiện. Tỉnh tiếp tục đổi mới phương thức chỉ đạo, nâng cao chất lượng điều hành bằng những việc làm cụ thể để hướng tới mục tiêu xây dựng nền hành chính thân thiện, phục vụ, hiện đại và có hiệu quả, đẩy mạnh xây dựng chính quyền số...

Năm 2021 là năm đầu của kế hoạch 5 năm 2021-2025, tỉnh sẽ đổi mới như thế nào trong tư duy phát triển, tạo nguồn lực để huy động sức mạnh toàn dân thực hiện tốt hơn các phong trào, chương trình trọng điểm?

Năm 2021 là năm khởi động đầu nhiệm kỳ với nhiều khó khăn, cần tập trung nguồn lực cho đầu tư khôi phục và phát triển sản xuất, phát triển kinh tế gắn với phòng, chống dịch bệnh. Tỉnh vừa triển khai các nội dung quan trọng của Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị về định hướng phát triển Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với mục tiêu xuyên suốt là đưa tỉnh sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Vì vậy, đòi hỏi các cấp, các ngành phải năng động, sáng tạo và sẵn sàng với "trạng thái mới" trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện để phấn đấu đạt hiệu quả cao nhất các mục tiêu đề ra.

Ngoài việc dành nhiều nguồn lực để khôi phục lại cơ sở vật chất, hạ tầng, tỉnh còn tranh thủ nguồn lực của Trung ương để đầu tư hạ tầng khu công nghiệp; hạ tầng sân bay Phú Bài gồm các hạng mục nhà ga và sân đỗ. Tiếp đó, đầu tư cho các dự án tầm cỡ chiến lược trong thời gian tới là tuyến đường ven biển đã được Chính phủ định hướng và tỉnh đang triển khai. Nhiều dự án phức hợp nghỉ dưỡng ven biển cũng đã và đang được khởi động ở Phú Vang, Phú Lộc, Chân Mây - Lăng Cô… sẽ tạo ra động lực mới để phát triển kinh tế biển, phát triển du lịch biển có thương hiệu, tầm cỡ lớn để đón tàu du lịch lớn trên thế giới đến Huế.

Thời điểm hiện nay, phục hồi kinh tế, đón đầu cơ hội là nhiệm vụ cấp bách của đất nước. Đây là thời điểm để chúng ta đánh giá sự thích nghi, chủ động của nền kinh tế trong bối cảnh dịch bệnh có thể xuất hiện mọi lúc, mọi nơi và quy mô toàn cầu. Tỉnh sẽ có lộ trình chuyển đổi, hình thành chuỗi sản xuất tin cậy, đa dạng, chủ động, có năng lực phản ứng nhanh, linh hoạt, thích ứng với biến động của nền kinh tế để tạo nền tảng phát triển bền vững trong bối cảnh hòa nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

Thưa ông, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, trong đó, mục tiêu xuyên suốt là xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với những đặc thù riêng, những vấn đề gì sẽ được tỉnh ưu tiên?

Thừa Thiên Huế sẽ tập trung đầu tư và chọn du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn; y tế là ngành kinh tế quan trọng; giáo dục đào tạo cơ bản, công nghệ thông tin sẽ là đột phá. Như vậy, rõ ràng mục tiêu, lộ trình để phát triển tỉnh trong 5 năm, 10 năm tới rất rõ, cụ thể được thể hiện tại Nghị quyết 54.

Những gì cần tập trung triển khai là Đề án điều chỉnh, mở rộng TP. Huế để đảm bảo TP. Huế trong tương lai sẽ là thành phố trung tâm, thành phố hạt nhân cho TP của Thừa Thiên Huế tương lai. Đồng thời, xây dựng các tiêu chí, cơ chế đặc thù để phát triển đô thị Thừa Thiên Huế đảm bảo vượt qua những rào cản, khó khăn do chính sách và cơ chế mà hơn 10 năm qua khi triển khai không có đủ điều kiện để vượt qua.

Hình thành và phát huy hiệu quả 4 trung tâm lớn đã định hình: Trung tâm của cả nước về văn hoá, du lịch; khoa học - công nghệ; y tế chuyên sâu và giáo dục - đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao. Có chính sách riêng, đầu tư riêng để tạo nên sức mạnh, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, từng bước xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Với cương vị là người đứng đầu chính quyền tỉnh, điều gì khiến ông còn trăn trở nhất?

Nhiệm vụ xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương là nhiệm vụ lâu dài. Nói về kinh tế, tỉnh ta có nền kinh tế không lớn. Tuy nhiên, tầm vóc của Thừa Thiên Huế thì vô cùng lớn. Đặc biệt với vai trò là kinh đô xưa, những nét đẹp, giá trị về văn hóa của Huế là vô giá mà chúng ta phải tự hào và là thế mạnh để xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế. Nhưng làm sao để phát triển được những nét văn hoá này nhằm đảm bảo phát triển nhanh trên nền tảng kinh tế tri thức nhưng phải bảo tồn và duy trì được bền vững đó là dựa trên nền tảng văn hóa.

Như vậy, quá trình xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế với vai trò là đô thị di sản, đô thị văn hóa thì quan điểm phát triển văn hóa hài hòa với kinh tế là quan điểm xuyên suốt trong quá trình xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế. Để làm được điều này cần sự đồng lòng, đồng thuận của người dân, có chiến lược phát triển và huy động nguồn lực phù hợp, đặc biệt là sự đầu tư đồng bộ của Trung ương trong quá trình phát triển, bảo tồn và phát huy những giá trị vốn có của Huế, để Huế xứng đáng có được những gì vốn có. Bên cạnh giữ gìn, bảo tồn thì chúng ta có một Huế năng động, Huế luôn luôn mới, hòa nhập vào xã hội hiện đại.

Ông có mong muốn gì trong dịp đầu năm mới và có lời chúc nào đến toàn thể người dân Thừa Thiên Huế?

Tôi muốn nói rất nhiều lời chúc đến đồng bào Thừa Thiên Huế, những người bạn Huế xa quê, những đồng bào Huế không còn ở trên đất Huế và mong muốn của tôi là mọi người luôn luôn hướng về Huế, luôn luôn khát khao cống hiến. Cùng xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế, để trong mỗi một chúng ta mỗi lần nghĩ về Huế có quyền tự hào về xã hội mà người dân có cuộc sống sung túc, xã hội bình yên và hệ thống chính quyền thân thiện trong lòng người dân.

THÁI BÌNH (Thực hiện)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hành động nhỏ, ý nghĩa lớn.

Những hoạt động của chiến dịch “Hãy làm sạch biển” không chỉ góp phần lan tỏa ý thức, trách nhiệm của đoàn viên, thanh niên trong công tác bảo vệ môi trường biển mà còn truyền thông điệp về tình yêu với biển, với Tổ quốc.

Hành động nhỏ, ý nghĩa lớn
Return to top