ClockThứ Tư, 22/11/2017 16:01

Tan chậm

TTH - Mưa về mãi. Tiếng chậm đều rí rách ở xung quanh. Cửa phòng không thể lúc nào cũng đóng, nhất là khi nó còn âm ỉ mùi sơn mới, nên tiếng mưa trên mái tôn nghe hoài như là vĩ khúc. Tưởng tượng có những dòng nước nhỏ đang mất hút vào đâu đó, tan ngấm vào đâu đó.

Có một lúc, khi chống cằm và lan man nghĩ, tôi cơ hồ như đã không biết điều mình muốn trong những lúc như thế là gì. Năm tháng cũng đã như nước chảy qua cầu. Ký ức cũng đã được gọi tên bằng những phím chữ ở nhiều trạng thái khác nhau, dù thực tình là có khi không muốn ngoái nhìn nữa vì muốn những gì tươi mới hơn. Rồi tôi nhận ra, đó mãi là điều không dễ vì chúng giống như những nốt chạm trên màn hình cảm ứng.

Hôm qua, khi đi qua sông trong những khoảnh nắng đã trở nên hiếm hoi của ngày, tôi thấy dòng nước vẫn hãy còn sậm màu. Đương nhiên là không thể nào có thể xóa ngay một con lũ, dù bây giờ không ai gọi màu sông là phù sa nữa. Một cắt nghĩa vào lúc nào đó, đã làm cho những mặc định trở nên thay đổi. Anh bạn đã nói về những cánh rừng ở đầu nguồn không còn như ngày cũ, lá không còn nhiều và cũng đủ mục để tạo thành những hợp chất mang tính vun đắp. Và sông, trong những lúc trở mình trào cuộn kia đã cuốn theo những lớp bùn đỏ từ các rặng núi và tràn xuống từ các đỉnh núi và khe suối để xuôi về. Nên trong cái nhìn trần thuật, nó đích xác là một sự bào mòn.

Chẳng ai thích sự nghiệt ngã, hoặc sợ hãi những gì thuộc về nghiệt ngã và tự lảng tránh điều đó. Người ta ngại gọi thẳng tên, né tránh những đụng chạm và tìm mọi cách nào đó để thoát ra những va đập. Tôi cũng không rõ, bằng cách làm đó, người ta có thoát ra được những điều không muốn, không mong và không thích hay không, nhưng để có thể đơn giản hơn khi thở, tôi thích cách nhìn thẳng vào mọi thứ để ứng xử khi mình có thể. Rồi cố gắng làm thế nào để giữ được một trạng thái ôn hòa.

Có nhiều thứ được cất giữ và thả vào im lặng, vì thế nên cuộc đời không  như là sông, dù cũng chở theo trong yên thẳm những khuất lấp, dịu dàng... nhưng  chắc chắn là trong dòng sông cuộc đời có sự bào mòn với nhiều giá trị bị va đập, thay đổi. Khi sự tìm kiếm chỉ là một cách nói, hay thậm chí là một khỏa lấp của sa lầy bởi chính những ảo ảnh tưởng như là thuộc về mình.

Thực ra, người đời sợ nhất có khi là sự nhàm chán, hoặc ai đó, lúc nào đó nhận ra sự nhàm chán giữa những điều mà mình đã ngủ đông vì nó. Tôi cũng đã nghĩ về điều đó, khi lan man nghĩ trong một ngày mưa rơi mãi ngoài cửa sổ. Chẳng có gì là để gọi là thức tỉnh, vì nếu thế cũng sẽ làm mình đau. Một trạng thái khác được xác lập, không như cách mà ta rã đông một món đồ gì đó mà chỉ là một sự tan chậm, đủ để cất nép mà không rời rã. Dẫu mong manh là điều còn lại, nhưng cũng vẫn còn những điều mà vì nó ta đã có những tháng ngày rực rỡ trong cuộc sống này.

Phía trước vẫn là cung đường xa ngái mà xanh thẳm để bước chân luôn muốn được tới. Nếu biết cách để mọi thứ tan chậm, hẳn sẽ có những tháng ngày đẹp đẽ khác. Như vĩ khúc ngoài cửa cũng đã tan ra từ lúc nào...

Hoàng Mai

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Huế & hoàng mai

Ký ức một thời lại về trong mỗi người, mỗi gia đình khi sắc màu hoàng mai rực vàng khu vực vườn mai trước Đại Nội. Cái đẹp rực rỡ biểu trưng của mùa xuân, cho sự đoàn tụ gia đình, sự hòa hợp đất trời, dân tộc. Hoàng mai đã vượt lên trên giá trị một loài hoa để trở thành biểu tượng của đất Cố đô.

Huế  hoàng mai
Hoàng mai đọ dáng bên cầu cổ

Phiên chợ hoàng mai do Chi hội hoàng mai TX. Hương Thủy tổ chức diễn ra từ 12-14/1 tại khu vực cầu ngói Thanh Toàn (xã Thủy Thanh).

Hoàng mai đọ dáng bên cầu cổ
Thương nhớ Giêng Hai

Mưa xuân như sương, sớm mai còn lất phất, thoáng chốc nắng ngọt đã hừng qua phố.

Thương nhớ Giêng Hai
Nhân giống hoàng mai

Một sáng mùa đông chớm lạnh, chúng tôi tìm về thôn Bồn Trì phường Hương An để chiêm ngắm hàng chục ngàn cây hoàng mai gần một tuổi đang trổ lá.

Nhân giống hoàng mai
Mục sở thị vườn mai “khủng” ở Huế

Theo giới chơi mai cả nước và ở Huế, Hoàng mai (mai vàng) càng sống lâu năm, gốc càng lớn sẽ càng quý hiếm. Vì thế, những cây mai “cụ” luôn được giới chơi mai săn lùng.

Mục sở thị vườn mai “khủng” ở Huế
Return to top