ClockChủ Nhật, 28/01/2018 08:43

Tận dụng "cơ cấu dân số vàng" để phát triển đất nước

Nghị quyết số 21 của Hội nghị lần thứ sáu, Ban Chấp hành T.Ư, khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới, đã đề ra mục tiêu “tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng”. Vậy, thế nào là thời kỳ “dân số vàng” và làm thế nào để tận dụng hiệu quả cơ hội này?

Hỗ trợ thu thập số liệu về dân sốViệt Nam có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giớiGiải quyết vấn nạn dân số giàXu hướng nữ hóa dân số cao tuổi

Những công nhân, lao động lành nghề, vững về chuyên môn là lực lượng sản xuất ra của cải vật chất cho đất nước

Những cơ hội

Mỗi người dân, từ trẻ em đến người già đều là một người tiêu dùng, nhưng không phải ai cũng có khả năng lao động tạo ra thu nhập. Khả năng này chỉ gắn với một khoảng tuổi nhất định; một cách tương đối, được quy ước từ 15 đến 64 tuổi. Có thể nói, những người trong nhóm tuổi này quyết định sự phát triển của mỗi quốc gia. Bởi chỉ có họ mới có khả năng lao động, sản xuất tạo ra sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ. Vì vậy, người ta chia dân số ra nhóm “trong độ tuổi lao động”, tức là nhóm từ 15 đến 64 tuổi; “nhóm phụ thuộc” bao gồm trẻ em dưới 15 tuổi (chưa đến tuổi lao động) và những người 65 tuổi trở lên (được coi là đã hết tuổi hay hết khả năng lao động).

Do tác động của chính sách kế hoạch hóa gia đình, sinh đẻ ít cho nên tỷ lệ trẻ em trong tổng dân số giảm nhiều, làm cho tỷ lệ “nhóm phụ thuộc” giảm mạnh. Điều này dẫn tới tỷ lệ nhóm dân số “trong độ tuổi lao động” tăng nhanh. Nếu năm 1979, nhóm này chỉ chiếm 53% tổng dân số, thì đến năm 2007 đã đạt 67,31% và năm 2014 là 69,4%. Khi tỷ lệ nhóm dân số “trong độ tuổi lao động” chiếm ít nhất 66%, nghĩa là chiếm hai phần ba tổng dân số trở lên thì được coi là quốc gia có “cơ cấu dân số vàng” hay đơn giản là “dân số vàng”. Như vậy, năm 2007, Việt Nam đã bước vào thời kỳ “dân số vàng” và dự báo kéo dài gần 40 năm, tức là kết thúc vào khoảng giữa thế kỷ này do già hóa dân số. Hiện nay, cả nước có hơn 40 tỉnh, thành phố có “cơ cấu dân số vàng”. Nhiều tỉnh, thành phố có tỷ lệ sinh đẻ ít, dân nhập cư nhiều, như: TP Hồ Chí Minh, Bình Dương… tỷ lệ nhóm dân số trong độ tuổi lao động lên tới từ 75 đến 78%. Ngược lại, các tỉnh có mức sinh cao hoặc xuất cư lớn, như: Lai Châu, Điện Biên, Hà Tĩnh, Quảng Trị… tỷ lệ này thấp, chỉ khoảng gần 60%, nghĩa là chưa có “dân số vàng”. “Dân số vàng” đem lại nhiều cơ hội. Trước hết, đối với hệ thống giáo dục phổ thông. Một trong những đặc điểm nổi bật của thời kỳ “dân số vàng” là mức sinh đã thấp. Vì vậy, xét trên phạm vi toàn quốc, áp lực dân số lên hệ thống giáo dục phổ thông giảm mạnh. Mặt khác, trong phạm vi hộ gia đình, nhờ kết quả của chương trình kế hoạch hóa gia đình, phần lớn các cặp vợ chồng chỉ có một hoặc hai con, tạo điều kiện thuận lợi cho các gia đình chăm sóc sức khỏe và cho con đến trường. Vì vậy, tỷ lệ nhập học tăng lên nhưng số học sinh phổ thông lại giảm. Cụ thể là, năm học 2001-2002, số học sinh phổ thông lên tới gần 18 triệu, đến nay chỉ còn khoảng 15 triệu, nghĩa là đã giảm tới gần ba triệu học sinh. Kết quả này tạo điều kiện để Việt Nam chuyển hướng phát triển giáo dục từ số lượng sang chất lượng. Do ít con cho nên cha mẹ có thể cho cả con trai và con gái cùng đi học và tỷ lệ nữ sinh trong hệ thống giáo dục quốc dân ngang bằng với nam giới. Thành tựu này nâng cao vị thế phụ nữ, thực hiện tốt hơn bình đẳng giới. Những tác động của thời kỳ “dân số vàng” nêu trên góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong tương lai.

Đối với kinh tế, thời kỳ “cơ cấu dân số vàng” mang lại dư lợi lớn về số lượng lao động. Nếu lấy mốc năm 2016, Việt Nam có gần 93 triệu dân mà tỷ lệ dân số “trong độ tuổi lao động” như năm 1979 thì chỉ có 49,29 triệu người trong độ tuổi này; nhưng thực tế tỷ lệ này đạt tới 68,2% tức là có 63,43 triệu người trong độ tuổi lao động, tức là tăng 14,14 triệu người so với số liệu giả định. Đây là dư lợi lớn do “cơ cấu dân số vàng” mang lại, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Các nhà kinh tế đã tính được rằng, giai đoạn 2009 - 2019, do số người “trong độ tuổi lao động” tăng lên, hằng năm đã đóng góp trung bình 1,2% cho tăng trưởng kinh tế.

Thách thức và giải pháp

Cần nhấn mạnh rằng, “cơ cấu dân số vàng” mới chỉ có nghĩa là dân số trong độ tuổi từ 15 đến 64, chiếm tỷ lệ cao trong tổng dân số, mới chỉ mang lại “khả năng”, “cơ hội” chứ chưa phải là đã đem lại ngay kết quả cho tăng trưởng và phát triển kinh tế. “Dân số vàng” mới chỉ là “vàng” về số lượng chứ chưa xét đến chất lượng. Để tận dụng cơ hội “cơ cấu dân số vàng”, để biến cơ hội thành hiện thực, còn phải trả lời những câu hỏi sau:

(1) Bao nhiêu phần trăm những người “trong độ tuổi lao động”có khả năng làm việc? Nếu trong độ tuổi này nhưng ốm đau, bệnh tật, không có khả năng làm việc thì cũng không tác động tích cực cho phát triển, thậm chí là ngược lại;

(2) Bao nhiêu phần trăm những người “có khả năng làm việc” có việc làm? Hiển nhiên rằng, những người “có khả năng làm việc” nhưng thất nghiệp hoặc có việc làm nhưng không đầy đủ sẽ tác động tiêu cực đến phát triển;

(3) Bao nhiêu phần trăm “những người có việc làm” làm việc có năng suất, thu nhập cao? Nếu có việc làm nhưng năng suất, thu nhập thấp, đất nước không tránh khỏi “bẫy thu nhập trung bình”, mức sống nhân dân khó cải thiện. Như vậy, bảo đảm sức khỏe, việc làm, việc làm có năng suất cao cho người lao động là ba thách thức của thời kỳ “dân số vàng”. Và để tận dụng cơ hội “cơ cấu dân số vàng” cần có giải pháp nâng cao “ba tỷ lệ” nêu trên.

Tăng cường bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao tỷ lệ những người “trong độ tuổi lao động” có khả năng làm việc. Nếu những người “trong độ tuổi lao động” nhưng ốm đau, bệnh tật, khuyết tật, thương tật thì khả năng lao động bị hạn chế hoặc mất hoàn toàn. Tình trạng này lại khá phổ biến ở nước ta. Theo thống kê, hằng năm có tới hàng trăm triệu lượt người khám, chữa bệnh tại bệnh viện, trung tâm y tế và phòng khám đa khoa. Đó là chưa kể số lượt người khám, chữa bệnh tại các trạm y tế xã, phường. Hiện cả nước có khoảng 2,6 triệu người khuyết tật trong độ tuổi lao động. Mỗi năm, có hàng chục nghìn người bị thương tích do tai nạn giao thông, tai nạn lao động. Ngay việc ốm đau, bệnh tật, khuyết tật, thương tật của người “ngoài độ tuổi lao động” cũng ảnh hưởng khả năng làm việc của người “trong độ tuổi lao động” vì những người này thường phải nghỉ việc để chăm sóc người kia. Vì vậy, tăng cường bảo vệ và chăm sóc sức khỏe của toàn dân nói chung những người “trong độ tuổi lao động” nói riêng để họ nâng cao khả năng làm việc là yêu cầu trước tiên, yêu cầu cơ bản nhằm tận dụng cơ hội “cơ cấu dân số vàng”.

Tạo đủ việc làm cho người “có khả năng làm việc”. Nếu những người “có khả năng làm việc” lại thiếu việc làm hoặc thất nghiệp thì cơ hội “dân số vàng” bị bỏ lỡ; đất nước chậm, thậm chí không thể phát triển. Nhưng bảo đảm cho khoảng từ 65 đến 70 triệu người trong độ tuổi lao động có đủ việc làm trong thời kỳ “dân số vàng” là một thách thức lớn do nguồn lực đầu tư trong nước hạn chế. Vì vậy, cần có chính sách khuyến khích tiết kiệm, hạn chế tiêu dùng xa xỉ, nâng cao tích lũy, thu hút, khuyến khích đầu tư tạo việc làm, đẩy mạnh xuất khẩu lao động, bảo đảm “người có khả năng làm việc” là có việc làm. Thúc đẩy dịch chuyển cơ cấu lao động theo hướng hiện đại, nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ thuật để người lao động có việc làm với năng suất cao.

Năm 2016, gần 42% số lao động của nước ta tập trung tại khu vực nông, lâm, ngư nghiệp vốn có năng suất thấp nhất. Mặt khác, tỷ lệ lao động đã qua đào tạo còn thấp và mất cân đối, mới có 18% số dân ở độ tuổi 15 tuổi trở lên có trình độ chuyên môn, kỹ thuật, trong đó, 7,3% có trình độ đại học và trên đại học, nhưng số có trình độ sơ cấp lại chỉ là 1,8%. Những đặc điểm này làm cho năng suất lao động của Việt Nam rất thấp so với các nước trong khu vực (chỉ bằng gần 7% của Xin-ga-po, bằng 20% của Ma-lai-xi-a và 40% của Thái-lan). Vì vậy, cần thúc đẩy dịch chuyển lao động nông nghiệp sang khu vực công nghiệp, dịch vụ. Nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của người lao động; hiện đại hóa cơ sở vật chất kỹ thuật của nền sản xuất xã hội; cải tiến quản lý; khuyến khích mọi người làm việc có năng suất và thu nhập cao. “Cơ cấu dân số vàng” mang lại cơ hội và thách thức cho sự phát triển đất nước. Nhiều quốc gia đã tận dụng được cơ hội này để bứt phá, phát triển nhanh nhưng không ít nước đã bỏ lỡ, chìm sâu trong “bẫy thu nhập trung bình”. Vì vậy, cần khẩn trương tận dụng cơ hội này để phát triển nhanh và bền vững đất nước.

Theo Nhân dân

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Huy động nguồn lực cho phát triển từ “Dân vận khéo”

Các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị ở Quảng Điền đã cụ thể hóa mô hình “Dân vận khéo” bằng nhiều mô hình, các hoạt động sôi nổi, rộng khắp, tạo sức lan tỏa sâu rộng trong Nhân dân. Qua đó, khơi dậy nội lực, huy động sức dân tạo nguồn lực để chung tay xây dựng huyện nông thôn mới (NTM) nâng cao.

Huy động nguồn lực cho phát triển từ “Dân vận khéo”
Tích cực tháo gỡ 3 'điểm nghẽn' đối với phát triển giáo dục mầm non

Ngày 22/4, Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 173/TB-VPCP truyền đạt ý kiến kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Phiên họp của Ủy ban quốc gia Đổi mới giáo dục và đào tạo về “Đổi mới, phát triển giáo dục mầm non đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Tích cực tháo gỡ 3 điểm nghẽn đối với phát triển giáo dục mầm non
Phát triển diện tích trồng rừng gỗ lớn

Phát huy lợi thế đất rừng, thời gian qua, nhiều tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh đã tập trung chuyển đổi từ trồng rừng gỗ nhỏ sang gỗ lớn. Theo đánh giá bước đầu, các mô hình trồng rừng gỗ lớn không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế vượt trội mà còn góp phần không nhỏ trong việc bảo vệ hệ sinh thái, chống biến đổi khí hậu.

Phát triển diện tích trồng rừng gỗ lớn
Phát triển du lịch nghỉ dưỡng

Xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu sống hưởng thụ và chi tiêu cho trải nghiệm của con người ngày càng cao, chính vì vậy thay vì du lịch đơn thuần, nhiều người lựa chọn hình thức du lịch nghỉ dưỡng kết hợp cùng các hoạt động chăm sóc sức khỏe. Đây là cơ hội cho du lịch Huế.

Phát triển du lịch nghỉ dưỡng
Hợp tác vì sự phát triển và thịnh vượng

Mối quan hệ hữu nghị truyền thống đặc biệt giữa Thừa Thiên Huế với các địa phương của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào tiếp tục được tăng cường và phát triển tốt đẹp, ngày càng gắn bó, tin cậy, hiệu quả và thiết thực.

Hợp tác vì sự phát triển và thịnh vượng
Return to top