ClockThứ Năm, 16/10/2014 10:08

Tận dụng cơ hội

TTH - Việc Chính phủ quyết định điều chỉnh cảng Chân Mây thành khu cảng tổng hợp Quốc gia được cho là một cơ hội lớn cho Huế, trong đó có việc thu hút du lịch đường thủy đang được thế giới ưa chuộng.

Nói về ưu thế của Chân Mây, ông Nguyễn Hữu Thọ-Giám đốc cảng cho rằng, cảng biển Việt Nam không thiếu. Nhưng để có một cái cảng kín gió, có độ sâu lý tưởng để đón tàu trọng tải lớn như Huế thì rất hiếm, cả nước chỉ có 4, 5 cái. Có lẽ vì thế mà Chân Mây được chọn để trở thành khu cảng biển Quốc gia.

Sự kiện này khiến chúng tôi nhớ đến câu nói cách đây hơn 15 năm. Khi ấy, trong chuyến thị sát tại Huế, trước khi công bố tam giác Bạch Mã-Chân Mây-Lăng Cô vào khu quy hoạch du lịch Quốc gia, Tổng cục Trưởng Tổng cục Du lịch Võ Thị Thắng lưu ý: Về tiềm năng thì Huế không thiếu. Cái còn lại là tài khai thác của Huế như thế nào mà thôi. Lưu ý ấy một lần nữa có thể ứng dụng vào Chân Mây. Cơ hội đến nhưng việc tranh thủ cơ hội, khai thác cơ hội còn phụ thuộc vào thực lực và cái tài của Huế.

Nói về cơ hội, Huế từng có nhiều. Ví dụ như việc vịnh Lăng Cô trở thành vịnh đẹp thế giới cách đây mấy năm. Cũng thương hiệu này nhưng đến nay, so với Nha Trang hay Hạ Long, chúng ta được xem là chưa khai thác được triệt để cơ hội mà thương hiệu mang lại trong thu hút, phát triển du lịch.

Ngay như cảng Chân Mây, dù đã nhiều năm đón khách quốc tế nhưng việc quảng bá, tiếp thị như thế nào tại điểm dừng chân này cũng như tổ chức các gian hàng lưu niệm cho ra hồn vẫn chưa làm được, dù đã có không ít cuộc họp và chỉ đạo từ tỉnh. Công suất khai thác qua cảng hiện còn cách một quảng khá xa so với cảng Tiên Sa của Đà Nẵng.

Tiềm năng gắn với cơ hội. Lẽ ra đó là một ưu thế của Thừa Thiên Huế nhưng khi bàn đến định hướng phát triển, các chuyên gia lại cảnh báo, quá nhiều tiềm năng cũng là một cái khó đối với Huế. Phải xác định cho được cái gì là chính, là xương sống để đầu tư phát triển. Nếu đầu tư dàn trải thì cái gì cũng có nhưng lại nhạt nhòa, khó mạnh. Câu chuyện này cũng đã được ông Nguyễn Hữu Thông-Nguyên Giám đốc Phân Viện Nghiên cứu Văn hóa miền Trung nói đến cách đây nhiều năm. Ông cho rằng, Huế muốn phát triển tốt phải xác định cho được là nên làm công nghiệp có khói hay công nghiệp không khói. Thế mạnh của Huế là môi trường sinh thái, di sản văn hóa, nghệ thuật. Nếu làm công nghiệp xi măng, sắt thép thì khó mà cạnh tranh được với những địa phương khác.

Trong câu chuyện mới đây với TS triết học Thái Kim Lan, bà có nhắc về câu chuyện cách đây hơn 20 năm. Khi ấy, lần đầu tiên, một hiệp hội nước ngoài đã đến Huế, giúp thành phố phát triển. Với khoản tiền đầu tư gần 2 triệu đô la thời điểm những năm 80, các chuyên gia nước ngoài đã nhìn ra một thế mạnh của Huế là các nghành nghề thủ công, từ gốm, điêu khắc gỗ, thêu, ẩm thực…Theo bà Kim Lan, đó từng là một cơ hội rất tốt để Huế phát triển lợi thế, tiềm năng vốn có. Đáng tiếc, những dự án hỗ trợ khơi mào này sau đó đã không được chăm lo.

Ở tầm nhỏ hơn, việc cố điêu khắc Điềm Phùng Thị về Huế, tình nguyện trao cả gia tài nghệ thuật cho Huế, hay việc ra đời Trung tâm nghệ thuật Lê Bá Đảng, việc các chuyên gia Nhật Bản giúp làng cổ Phước Tích, cầu ngói Thanh Toàn làm du lịch cũng là những cơ hội. Nhưng vấn đề các cơ hội này đã được khai thác, phát huy như thế nào thì trên thực tế vẫn còn nhiều trăn trở.

Nhật Nguyên
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Quẩn quanh chuyện ăn

Những thông tin cụ thể, chi tiết và chính xác mà công luận được tiếp nhận gần đây, và với mật độ ngày một dày hơn trên các kênh thông tin truyền thông, mạng xã hội lại một lần nữa đặt ra một câu hỏi nghi ngại. Nó không chỉ dừng lại ở chúng ta đang ăn gì, như thế nào mà là trong những thứ mà chúng ta đang ăn mỗi ngày, có bao nhiêu thực phẩm - cả lương thực nữa - là an toàn?      

Quẩn quanh chuyện ăn
Return to top