ClockThứ Bảy, 17/07/2021 14:18

Tận dụng lợi thế để tăng năng lực chế biến sâu

TTH - Phương thức tiêu thụ sản phẩm nông lâm thủy sản hiện nay chủ yếu bán hàng tươi, theo đó giá trị các sản phẩm không cao. Thúc đẩy chế biến sâu được xem là giải pháp gia tăng giá trị, giảm chi phí đầu vào.

Tăng chế biến sâu, nâng cao giá trị nông sản

Ông Hồ Đăng Khoa, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản tỉnh

Trong thời điểm các giá trị đầu vào tăng cao, nông dân đang gặp nhiều khó khăn. Để hiểu rõ hơn về ngành chế biến sâu – giải pháp đáp ứng nhu cầu thị trường trong bối cảnh dịch bệnh hoành hành, Báo Thừa Thiên Huế có cuộc trao đổi với Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản tỉnh Hồ Đăng Khoa.

Các sản phẩm nông lâm thủy sản trên địa bàn tỉnh chủ yếu bán tươi. Và khi thị trường bấp bênh, đặc biệt giá trị đầu vào cao như hiện nay, nông dân sẽ bị thiệt thòi, ông nghĩ sao về vấn đề này?

Ngành sản xuất chế biến tại địa phương vẫn đang chủ yếu ở quy mô nhỏ, cung cấp thị trường nội tỉnh và lân cận. Nhóm sản phẩm lợi thế của địa phương vẫn có một số hạn chế như mùa vụ ngắn, cung cấp nguyên liệu bán thành phẩm… nên giá trị hàng hóa mang lại thực sự chưa cao như kỳ vọng.

Do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19  nên việc tiêu thụ nông sản của tỉnh cũng có bị ảnh hưởng, giá bán thấp hơn mọi năm; việc thu mua, vận chuyển, tiêu thụ nông sản bị ách tắc khi các thương lái không thể vận chuyển thuận lợi do quy định phòng, chống dịch tại nhiều địa phương. Bên cạnh đó, giá đầu vào của phân bón, giống cây trồng, giống vật nuôi có xu hướng tăng khiến người nông dân lo lắng.

Mía của nông dân Quảng Phú (Quảng Điền) chủ yếu bán tươi chứ không có nhà máy sản xuất chế biến nào thu mua

Nông dân cần phải thay đổi tư duy sản xuất cũ “mạnh ai nấy làm” sang hình thức tổ, nhóm, doanh nghiệp, hợp tác xã để sản xuất có quy mô hợp lý, dưới sự điều hành của tổ, nhóm, doanh nghiệp, hợp tác xã nhằm sản xuất sản phẩm đồng nhất về chất lượng, mẫu mã; sản phẩm cung ứng ra thị trường phù hợp từng thời kỳ, có số lượng đáp ứng nhu cầu của nhà phân phối… Tổ, nhóm, doanh nghiệp, hợp tác xã sẽ đại diện nông dân để ký hợp đồng hợp tác, liên kết với các tổ chức cung ứng đầu vào, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân… Giá bán cũng được bình ổn và đảm bảo từ trước khi vào mùa vụ gieo trồng và chăn nuôi.

Ông vừa nhắc đến ngành sản xuất chế biến như là giải pháp để tăng giá trị sản phẩm, vậy so với mặt bằng chung của cả nước, Thừa Thiên Huế đang ở đâu, đặc biệt là chế biến sâu?

Đối với lĩnh vực chế biến nông sản và thủy sản nói chung trên địa bàn tỉnh hiện nay vẫn đang ở quy mô nhỏ và vừa, sản xuất chủ yếu ở quy mô hộ gia đình, cung cấp sản phẩm ra thị trường tiêu thụ nội địa và một số tỉnh lân cận.

Một số nhà máy chủ yếu gia công nguyên liệu như, tinh bột sắn, xay xát lúa gạo... Lĩnh vực thủy sản có 4 công ty xuất khẩu thủy sản Công ty CP Chăn nuôi C.P Việt Nam - Chi nhánh đông lạnh Thừa Thiên Huế, Công ty CP Phát triển thủy sản Huế, Công ty CP Xuất nhập khẩu Sông Hương, Công ty CP Thủy sản Phú Thuận An chủ yếu xuất khẩu các sản phẩm tôm, mực sushi qua các thị trường EU, Trung Quốc, Nhật, Hàn Quốc, Argentina (giá trị xuất khẩu ước tính từ 55 - 60 triệu USD/năm). So với quy mô chung của cả nước, chế biến thủy sản vẫn còn khiêm tốn, chủ yếu hoạt động kinh doanh do nhà máy gần vùng nguyên liệu chủ lực và nhân công lao động giá thấp.

Chế biến thực phẩm từ nông sản, thủy sản khác thì tồn tại dưới hình thức quy mô hộ gia đình là chủ yếu (chiếm 90%, còn lại 10% là quy mô doanh nghiệp).

Có khó khăn, trở ngại gì trong ngành chế biến nông lâm thủy sản của tỉnh hiện nay, thưa ông?

Qua quá trình thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước tại địa phương đối với lĩnh vực quản lý chất lượng nông lâm thủy sản, tôi nhận thấy thói quen sản xuất của người dân vẫn rất cũ và ít mạnh dạn thay đổi. Sản phẩm ít được đầu tư về mặt bao bì, nhãn mác và các hồ sơ chứng nhận tiên tiến về chất lượng sản phẩm. Như đối với với lĩnh vực chế biến nước mắm và mắm thủy sản, tuy năng lực sản xuất của địa phương lớn (vị trí địa lý ven biển, nguồn lợi hải sản phong phú) nhưng số lượng doanh nghiệp/cơ sở chế biến có thương hiệu tốt hầu như rất ít, chủ yếu cung cấp sản phẩm mắm thuỷ sản số lượng lớn (bán buôn, bán sỉ) bán thành phẩm, không qua chế biến sâu. Một số cơ sở tuy có quy mô, sản lượng lớn nhưng sản xuất bán thành phẩm, nhận gia công từng khâu chứ không hoàn thiện sản phẩm đến giai đoạn cuối. Đây là điều rất đáng tiếc để phát triển các sản phẩm chủ lực của địa phương.

Bên cạnh những điều đáng tiếc, theo ông chúng ta có những lợi thế gì?

Đó là lợi thế tiềm năng ven biển và một số ngành nghề truyền thống địa phương đã có thương hiệu thì chúng ta hoàn toàn có thể kích hoạt toàn bộ hệ thống nhằm phát triển ngành chế biến theo hướng nâng cao năng suất, đẩy mạnh giá trị chất lượng hàng hóa để phù hợp với xu thế hội nhập chung của cả nước. Trong đó vấn đề chính sách, định hướng của nhà quản lý cần được kết nối với tư duy và tính sáng tạo từ nội lực của cơ sở/doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh; đặc biệt là phải thay đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp ít quan tâm đến thị trường sang tư duy kinh tế nông nghiệp liên kết chặt chẽ với thị trường và doanh nghiệp.

Ông có nghĩ rằng nếu ngành sản xuất chế biến vẫn “dậm chân tại chỗ” thì sản phẩm của địa phương khó vươn tầm?

Việc “dậm chân tại chỗ” là điều khó xảy ra trong tương lai. Hiện nay, trong giai đoạn dịch bệnh, các lĩnh vực lưu thông hàng hóa, dịch vụ, giải trí, sản xuất… và các lĩnh vực khác đều bị ảnh hưởng ít nhiều tiêu cực nên nhu cầu thực phẩm giảm theo. Đây là thực trạng đang xảy ra. Tuy nhiên, xu hướng hội nhập thế giới và nâng cao giá trị hàng hóa là tất yếu và Việt Nam đang định hướng trở thành quốc gia xuất khẩu nông sản lớn mang tầm cỡ quốc tế. Do vậy, nâng cao chất lượng sản phẩm sẽ trở thành mục tiêu phấn đấu của doanh nghiệp/cơ sở. Khi đó sự liên kết giữa các nhóm dọc - ngang trong chuỗi sản xuất sẽ xuất hiện động lực thúc đẩy sản xuất hàng hóa chất lượng cao. Nhà kinh doanh cần sản phẩm đầu vào chất lượng thì nhà cung cấp sẽ trồng và nuôi con gì, cây gì phù hợp yêu cầu thị trường…

Không chỉ bây giờ, mà trong tương lai, để thực trạng “được mùa mất giá, được giá mất mùa” không tái diễn nông dân phải làm gì?

Người dân cần chủ động tìm hiểu các kênh thông tin dự báo thị trường bên cạnh sự hỗ trợ kỹ thuật của cơ quan nhà nước để có định hướng canh tác phù hợp trong thời gian đến.

Chúng tôi sẽ tăng cường truyền thông bằng các hình thức trên các phương tiện thông tin đại chúng, tập huấn phổ biến, trao đổi thông tin kịp thời giữa cấp xã huyện và tỉnh để nắm tình hình sản xuất của bà con, thường xuyên cảnh báo thông tin thị trường nhằm giúp người dân có định hướng sản xuất phù hợp.

Về lâu dài, người dân nên chuyển đổi dần từ canh tác truyền thống nhỏ lẻ sang tham gia sản xuất theo các mô hình tiên tiến (HACCP, VietGAP hoặc hữu cơ), tham gia các tổ kinh tế hợp tác, tổ hợp tác xã nhằm đảm bảo quyền lợi về giá, thị trường tiêu thụ và sức cạnh tranh của sản phẩm vùng miền. Có như thế, nông dân mới có thể hướng đến nền nông nghiệp bền vững, tránh được tình trạng mất mùa được giá và được mùa thì mất giá như thời gian qua.

LÊ THỌ (thực hiện)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Để ẩm thực thành lợi thế thu hút khách đến Huế

Du lịch ẩm thực đang là một xu hướng lớn trên thế giới. Huế tự hào với nền ẩm thực phong phú, đa dạng, nhưng để ẩm thực trở thành lợi thế cạnh tranh thu hút khách thì còn nhiều việc cần làm.

Để ẩm thực thành lợi thế thu hút khách đến Huế
Nhiều lợi thế từ y tế chất lượng

Theo quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Thủ tướng Chính phủ, 6 bệnh viện (trong đó có Bệnh viện Trung ương (BVTW) Huế) được nâng cấp ngang tầm quốc tế.

Nhiều lợi thế từ y tế chất lượng

TIN MỚI

Return to top