ClockThứ Bảy, 10/11/2018 12:26

Tận thấy chùa Bà Đanh

TTH - Câu thành ngữ dân gian “Vắng như chùa Bà Đanh” để chỉ sự vắng vẻ đìu hiu có từ xa xưa. Tôi chỉ nghe vậy, thực tình không biết nó xuất phát từ đâu, vừa rồi về tỉnh Hà Nam, được những người bạn ở Hà Nam đưa tôi đến chùa Bà Đanh để tìm hiểu thực hư thế nào…

Chùa rất vắng khách

Sự tích “Vắng như Chùa Bà Đanh”

Chùa Bà Đanh còn có tên gọi khác là Bảo Sơn tự, là một ngôi chùa cổ với những nét kiến trúc độc đáo, tinh tế và vô cùng đẹp mắt được xây dựng cách đây hơn 600 năm tại một ốc đảo nhỏ được sông Đáy bao quanh tứ phía thuộc thôn Đanh, xã Ngọc Sơn, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam.

Theo truyền thuyết kể lại, “Vắng như chùa Bà Đanh” có nhiều dị bản. Dị bản thứ nhất được đưa ra, đó là, do chùa Bà Đanh rất linh thiêng, người đi đường nếu dám cười cợt, bất kính dù chỉ một câu cũng sẽ bị trừng phạt nặng nề. Chính vì lẽ đó mà càng ngày càng ít người dám đến thờ cúng do sợ “vạ từ miệng mà ra”. Còn dị bản thứ hai kể rằng, do chùa Bà Đanh đóng trên một ốc đảo nhỏ, bốn bề tứ phía đều mặt sông và rừng rậm, có nhiều thú dữ hay tấn công con người, để đến chùa mọi người phải tập trung lại với nhau thật đông, người thì cầm chiêng, kẻ gánh trống, người cầm mác… để đánh trống, khua chiêng cho thú dữ bỏ đi mới vào được chùa. Như thế thì quá bất tiện nên cũng rất ít người lui tới đến chùa.

Thực tế, còn rất nhiều giai thoại dân gian truyền miệng về sự tích “Vắng như Chùa Bà Đanh”, tuy nhiên, các truyền thuyết trên chỉ mang tính tham khảo và không ai biết được nó chính xác đến mức độ nào. Nhưng có một sự thật là chùa Bà Đanh vắng người qua lại.

Vắng khách

Khi chúng tôi đến chùa Bà Đanh cũng là thời điểm tỉnh Hà Nam đang bước vào mùa du lịch. Ở các điểm tham quan khác như nhà thờ Nguyễn Khuyến, nhà thờ Nam Cao, làng “Vũ đại Ngày ấy”, quần thể các ngôi chùa… khách tham quan đến rất đông, nhưng điểm chùa Bà Đanh vẫn không có người (duy nhất đoàn của chúng tôi), trong khi đường sá đi lại bây giờ xe ô tô đã vào đến cổng chùa.

Bước vào điện thờ chính giữa, cũng là lúc chúng tôi bắt gặp những người thợ đang sửa chữa lại điện và sơn son thếp vàng các bức tượng thờ. Ngôi chùa khá nhỏ, nhưng kiến, chạm khắc tinh xảo. Ở đây, ngoài thờ Phật, còn thờ Thái Thượng Lão Quân, Nam Tào, Bắc Đẩu và Tứ Pháp trong tín ngưỡng dân gian (Tứ pháp bao gồm Pháp Vân – mẹ Mây, Pháp Lôi – mẹ Sét, Pháp vũ – mẹ Mưa và Pháp Điện – mẹ Chớp). Sân chính điện, hai bên còn những chú chó đá canh gác cửa chùa vẫn còn nguyên bản.

Chùa không có ai ngoài sư nữ trụ trì hơn 75 tuổi Thích Đạm Đam, sư còn rất tinh anh khi nói chuyện với khách. Khi tôi hỏi sư về sự tích “Vắng như Chùa Bà Đanh” sư chỉ cười vì có quá nhiều giai thoại về ngôi chùa nổi tiếng này, nhưng sư khẳng định rằng, hiện nay, ngoài các ngày lễ lớn của Phật giáo khách thập phương có đến còn ngày thường vẫn vắng vẻ lắm.

Người bạn Hà Nam của tôi thì nói chùa vắng khách là có lý do của nó là vì sư trụ trì Thích Đạm Đam không thích tiếp khách, hàng ngày sư đều đóng cửa chùa không cho ai vào cả, có nhiều đoàn khách đến tham quan đều đứng ngoài cửa chùa nên dần dần chẳng có ai đến thăm chùa. Dịp này mình vào được là do sư mở cửa cho thợ sửa chữa.

Dù chùa Bà Đanh dẫu có vắng vẻ, có phần cô tịch nhưng chính điều đó lại làm nên một vẻ đẹp mà những ngôi chùa khác hiếm có được, đó là sự thanh tịnh, yên bình đem đến không khí thanh khiết mát mẻ trong lành cho mọi người.

Bài và ảnh: Gia Hân

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Thay áo” chùa cổ trăm năm

Một vài ngôi cổ tự trên địa bàn TP. Huế thời gian qua được tháo dỡ toàn bộ để làm mới trước sự tiếc nuối của nhiều người về giá trị kiến trúc cổ xưa. Ngược lại đại diện các nhà chùa cho rằng, tuy làm mới nhưng sẽ vẫn giữ lại được nét… cổ xưa.

“Thay áo” chùa cổ trăm năm
CHÙA CỔ THIỆN KHÁNH XUỐNG CẤP:
Cần có thêm nguồn vốn từ xã hội hóa

Chùa Thiện Khánh tọa lạc ở làng Bác Vọng Tây (xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền) có hơn 300 năm tuổi, chứa đựng nhiều giá trị văn hóa lịch sử. Trải qua nhiều biến cố thăng trầm, trụ trì và phật tử nơi đây không ngừng gìn giữ, bảo tồn nhưng đến nay, ngôi chùa cổ đang trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng.

Cần có thêm nguồn vốn từ xã hội hóa

TIN MỚI

Return to top